Thứ sáu, 01/11/2024 | 19:20 GMT+7

Sản xuất thành công viên nén nhiên liệu từ rác thải phục vụ sấy và bảo quản nông sản, thực phẩm

21/07/2023

PGS. TS. Bùi Trung Thành cùng các cộng sự tại Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ khí hóa để xử lý rác thải rắn trong sản xuất công nghiệp - chế biến tạo năng lượng phục vụ cho quá trình sấy và bảo quản nông sản, thực phẩm”.

Việc chế biến gỗ và sản xuất đồ gỗ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, nhưng quá trình này cũng ảnh hưởng đến vấn đề môi trường. Ngoài phụ phẩm trong chế biến gỗ là mùn cưa, dăm bào… có thể tận dụng làm chất đốt thì các xí nghiệp chế biến gỗ hàng ngày đã và đang thải ra hàng ngàn tấn chất thải nhựa gồm: các túi màng PVC bọc sản phẩm, túi nilon phát sinh từ sinh hoạt… gây ô nhiễm môi trường cho khu vực sản xuất.
Tận dụng rác thải công nghiệp - chế biến sản cuất viên nén nhiên liệu (Ảnh minh hoạ, Nguồn: Internet)
Trước thực tiễn về vấn đề xử lý rác thải nhựa đang ảnh hưởng đến đời sống con người và vấn đề phế thải từ gỗ trong các nhà máy chế biến gỗ, PGS. TS. Bùi Trung Thành cùng các cộng sự tại Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ khí hóa để xử lý rác thải rắn trong sản xuất công nghiệp - chế biến tạo năng lượng phục vụ cho quá trình sấy và bảo quản nông sản, thực phẩm”.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đề xuất và thực thi giải pháp xử lý rác thải nhựa theo hướng hướng nghiên cứu sản xuất viên nén nhiên liệu đa thành phần và thực hiện đốt khí hóa viên nén để sử dụng năng lượng nhiệt cho quá trình sấy vật liệu ẩm nhằm vừa bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng từ rác thải và phế thải. 
Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được công thức sản xuất viên nén đa nguyên liệu có thành phần từ mùn cưa và bột nhựa phế thải có hiệu suất sản xuất cao nhất và nhiệt trị hợp lý; Làm chủ công nghệ khí hóa đốt viên nén đa nguyên liệu trong lò đốt khí hóa để cung cấp nhiệt cho sản xuất (sấy vật liệu ẩm từ quá trình sản xuất); Sử dụng hiệu quả nguồn nhiệt cấp từ quá trình đốt khí hóa để phục vụ sản xuất nhằm hướng đến tiết kiệm năng lượng từ các nguồn thải trong quá trình sản xuất công nghiệp - chế biến.
PGS. TS. Bùi Trung Thành cho biết: Đề tài đã thực hiện thiết kế, chế tạo và đưa vào thực nghiệm được 01 hệ thống thiết bị bao gồm: 01 máy nghiền tạo ra được bột nhựa từ rác thải là túi nilon đựng thực phẩm; 01 máy tạo viên nén có thành phần là rác thải nilon và mùn cưa của nhà máy chế biến gỗ; 01 lò đốt khí hóa viên nén kiểu ngược và 01 máy sấy tầng sôi kiểu sấy mẻ sử dụng nguồn nhiệt cấp từ việc đốt viên nén theo công nghệ đốt khí hóa. Đồng thời, đã xác định được công thức sản xuất tạo ra viên nén đa nguyên liệu có tỷ lệ 85% mùn cưa và 15% bột nhựa cho viên nén có kích thước dài 23mm, đường kính 6mm, nhiệt trị 5630 kcal/kg, khối lượng riêng là 1068 kg/m3 và khối lượng thể tích là 446 kg/m3.
Từ sản phẩm tạo thành nhóm nghiên cứu đã thưc nghiệm sấy được một vài loại nông sản, thực phẩm trên máy sấy tầng sôi mẻ được cấp nhiệt từ nguồn nhiệt của lò đốt khí hóa viên nén ở chế độ nhiệt độ tác nhân sấy 57- 60oC, vận tốc tác nhân sấy 1,5m/s và tần số cấp khí kiểu xung là 8 vòng/phút cho sản phẩm đạt yêu cầu về độ ẩm bảo quản, màu sắc tự nhiên.
Thành công của đề tài nghiên cứu góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phế thải bao gồm chất thải dạng nhựa và mùn cưa tại các nhà máy chế biến gỗ nói riêng và trong các ngành nghề chế biến nông sản thực phẩm nói chung. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu còn góp phần giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải nilon trong nhà máy chế biến gỗ dưới dạng sử dụng nhiệt trong việc đốt khí hóa cung cấp cho quá trình sấy gỗ.
"Kết quả nghiên cứu khi mở rộng cho phép giải quyết vấn đề xử lý rác thải nhựa trong nông nghiệp khi đốt khí hóa với các phế phẩm trong nông nghiệp và sử dụng nguồn nhiệt này để cung cấp năng lượng cho quá trình sấy."PGS. TS. Bùi Trung Thành nhấn mạnh.
Mai Anh