Bên cạnh rủi ro an toàn thực phẩm, phương pháp phơi khô tự nhiên phụ thuộc vào yếu tố thời tiết nên buộc người phơi phải thường xuyên chú ý thu dọn khi trời mưa. Điều này không chỉ mất thời gian, công sức mà còn ảnh hưởng đến chất lượng và gián đoạn quá trình phơi, dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm, không đáp ứng được yêu cầu của đơn đặt hàng.
Với mong muốn ổn định số lượng và đảm bảo chất lượng, một số cơ sở sản xuất đã đầu tư áp dụng nhiều phương pháp sấy mới, sử dụng các nhiên liệu như than, củi, điện năng,… Tuy nhiên, các phương pháp này lại có hạn chế là chi phí khá cao, dễ tồn dư CO2 trên sản phẩm, khó thuyết phục những thị trường khó tính như EU.
Anh Nguyễn Mạnh Tuân - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Năng lượng bền vững Việt Nam (SETECH) - đơn vị chuyên nghiên cứu về các phương pháp tiết kiệm năng lượng đã tận dụng nguồn năng lượng mặt trời làm nhiên liệu vận hành thiết bị sấy nông sản.
Nhà sấy nấm linh chi với công suất 150 kg/mẻ tại Củ Chi, TP.HCM (Ảnh: Setech)
Theo đó, máy sấy năng lượng mặt trời sẽ vận hành trên nguyên lý hiệu ứng nhà kính. Buồng sấy của máy được làm hoàn toàn bằng tấm nhựa thu nhiệt nhằm hấp thụ bức xạ nhiệt mặt trời, đưa lượng bức xạ này vào bên trong buồng sấy. Lượng nhiệt mặt trời khi đã vào bên trong buồng sấy thì không thể nào thoát ra được, giúp nhiệt độ bên trong nhà sấy luôn cao gấp 1.3 đến 1.5 lần so với bên ngoài.
“Máy sấy sẽ ở mức nhiệt khoảng 60 đến 65oC, không quá cao, giúp sản phẩm giữ được chất lượng tối ưu nhất. Nông sản sẽ không bị biến màu, giảm mùi hương tự nhiên và các chất dinh dưỡng”, anh Tuân phân tích.
Hiện tại, thiết bị có thể sấy được hầu hết các loại nông, thủy hải sản như chùm ngây, nấm linh chi, tiêu, điều, mít, cà chua, khoai lang, nhãn, cá, tôm, mực…với mức tiêu tốn điện năng chỉ bằng 1/3 so với thiết bị điện trở nhiệt thông thường.
Không ít ý kiến bày tỏ sự lo ngại khi trời mưa hay buổi tối thì thiết bị sẽ hoạt động gián đoạn. Trả lời vấn đề này, anh Nguyễn Mạnh Tuân giải thích: “Khi nhiệt độ trong buồng sấy không đủ, bộ hỗ trợ nhiệt sẽ tự động bật để cung cấp nhiệt sấy. Như vậy, vào những ngày không có nắng, trời mưa, hoặc ban đêm, thiết bị này mới dùng điện”.
Rất khó để người nông dân thay đổi phương pháp bảo quản thực phẩm, đặc biệt nếu phương pháp đó đòi hỏi một lượng vốn đầu tư, nhưng hiệu quả về chất lượng, kinh tế lâu dài mà thiết bị mang lại chính là bằng chứng thuyết phục nhất để người nông dân, công ty sản xuất nông sản tin tưởng vào sản phẩm.
“Trước đây chúng tôi chỉ bán sản phẩm ở chợ truyền thống, từ lúc chuyển sang sấy bằng thiết bị năng lượng mặt trời, sản phẩm khô của hợp tác xã đã vào được siêu thị và những cửa hàng thực phẩm sạch”, chị Nguyễn Kim Thùy - Giám đốc hợp tác xã Kỳ Như (Hậu Giang) nhìn nhận.
Trước thực trạng các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, cùng với với sự leo thang chóng mặt của giá nhiên liệu như than, dầu, khí từ đầu năm đến nay, việc phát triển các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời là một trong những giải pháp giúp giảm tải nguồn cung năng lượng cho quốc gia, đồng thời có tác động không nhỏ tới việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Minh Khuê