Chủ nhật, 22/12/2024 | 23:07 GMT+7

Sử dụng điện mặt trời mái nhà: Tiết kiệm tối đa chi phí năng lượng

19/09/2022

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn trong việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Trong đó, điện năng lượng mặt trời đang là giải pháp khả quan và được khuyến khích hàng đầu hiện nay bởi những tác động tích cực của nó.

Theo tính toán của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), trong trường hợp năm khô hạn, thiếu hụt điện năng sẽ xảy ra ở tất cả các năm, từ 2019 – 2025. Giai đoạn thiếu hụt nghiêm trọng nhất tập trung ở giai đoạn 2020 – 2023, với sản lượng thiếu hụt từ 1,5 tỷ kWh - 5 tỷ kWh. Các năm còn lại thiếu từ 100 triệu kWh – 500 triệu kWh.
Do đó, để huy động nguồn điện mặt trời nhanh chóng, bù đắp khả năng thiếu hụt điện năng, Bộ Công thương đã xúc tiến ban hành những quyết định mới mục đích là để thúc đẩy các dự án đã có quy hoạch triển khai đầu tư và những dự án đã đăng ký hoàn tất yêu cầu về quy hoạch, đấu nối.
(Ảnh minh hoạ)
Hệ thống điện mặt trời có ưu điểm nổi bật là sự đơn giản trong thiết kế giúp đảm bảo tuổi thọ lâu dài của thiết bị. Riêng tấm pin Canadian Solar có thể chống chịu được nhiều điều kiện thời tiết khác nhau và có tuổi thọ lên đến 30 năm. Hệ thống này không chiếm nhiều diện tích nên chỉ cần một khoảng không gian nhỏ trên mái nhà hoặc sân thượng (không bị che bóng), là đã có thể lắp đặt. Diện tích lắp đặt rơi vào khoảng 8m2 với 1kWp. 
Đồng thời, việc sản xuất, vận chuyển, lắp đặt và vận hành các hệ thống điện mặt trời về cơ bản không phát thải các loại khí độc hại vào khí quyển. Ngay cả khi có phát thải một lượng nhỏ thì nếu so sánh với các nguồn năng lượng truyền thống, lượng khí này là không đáng kể. Khi lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà, người sử dụng không cần tốn nhiều công sức trong việc bảo trì hoạt động, chỉ cần định kỳ vệ sinh tấm pin để đảm bảo bụi bẩn, lá cây… không cản trở các tia nắng mặt trời.
Hơn nữa, năng lượng mặt trời là năng lượng tái tạo nên nó đóng vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường, giúp mỗi cá nhân thể hiện trách nhiệm xã hội và ươm mầm xanh cho thế hệ tương lai. Cụ thể, khi sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời với mỗi công suất hệ thống 10kW sẽ giảm phát thải CO2 793kg/tháng, tương đương 35 cây xanh được trồng.
Từ sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, loại hình năng lượng này được nhiều doanh nghiệp, người dân quan tâm.
Ông Vũ Quang Ngọc (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết, tận dụng lợi thế khu vực có số giờ nắng đỉnh và lượng bức xạ nhiệt cao nên gia đình ông đã đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà. Nhờ đó gia đình ông đã tiết kiệm đáng kể chi phí điện năng cho gia đình. “Tuy chi phí lắp đặt ban đầu có hơi cao, nhưng chỉ sau vài năm sử dụng gia đình tôi đã hoàn vốn cho hệ thống điện mặt trời. Lắp đặt hệ thống này quả đúng là một khoản đầu tư có lợi cho tương lai”, ông Ngọc cho biết thêm.
Năm 2021,  Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (gọi tắt là Công ty May LGG) tại Cụm công nghiệp xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) đã đầu tư 10 tỷ đồng lắp hơn 2,2 nghìn tấm pin năng lượng mặt trời, tổng công suất 993,6 kWp (kWp là đơn vị đo lường công suất tức thời tại điều kiện tiêu chuẩn của hệ thống điện mặt trời). Hệ thống pin năng lượng mặt trời này có hiệu suất sử dụng 25 năm, được đơn vị trúng thầu thi công bảo hành 10 năm. Sau khi ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Bắc Giang, ngày 31/12/2020, Công ty May LGG đưa hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành thương mại. 
Anh Nguyễn Xuân Điệp, cán bộ phụ trách cơ điện Công ty cho biết, từ khi hệ thống điện mặt trời mái nhà hoạt động, đơn vị giảm lượng điện phải mua của Công ty Điện lực Bắc Giang khoảng 1 triệu kWh/năm, tương ứng với gần 2 tỷ đồng. Theo đánh giá của Công ty May LGG, ngoài giảm tiền điện, việc sử dụng điện mặt trời mái nhà mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích, như: Tận dụng diện tích mái nhà xưởng, làm mát khu vực sản xuất vì tấm pin giúp che ánh nắng mặt trời, giảm thời gian sử dụng máy điều hòa không khí, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. 
Bên cạnh những lợi ích có thể nhìn thấy được từ việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, vẫn còn tồn tại những nguy cơ gây cháy nổ, mất an toàn do việc lắp đặt diễn ra ồ ạt nhưng công tác an toàn phòng cháy chữa cháy lại chưa được chú trọng đầu tư. Vì thế các chuyên gia đưa ra khuyến cáo một số giải pháp an toàn để xử lý lỗi cơ bản gây cháy điện mặt trời mái nhà như sau:
- Cần nhanh chóng cho cắt bỏ ống luồn cáp ruột gà.  Việc thi công luồn dây DC vào ống cáp ruột gà chính là một sai lầm cơ bản. Ống luồn cáp là để cách ly dây cáp với mái nhà, mái tôn. Thực tế, nhiều người lầm tưởng là an toàn cho công trình nhưng chính những ống luồn cáp này làm duy trì hồ quang DC vì nó ngăn chặn điểm hồ quang chạm đất nên inverter không có tín hiệu phản hồi để tắt nguồn. Nếu có kinh phí, các nhà đầu tư nên lắp thêm máng cáp kim loại cho tiện vận hành.
- Nếu chưa có điều kiện cắt bỏ ống luồn cáp thì cần kiểm tra phát nhiệt mối nối định kỳ bằng thiết bị chuyên dụng.
- Nên làm bổ sung nối đất cho mái nhà xưởng để có điện trở nối đất càng thấp càng tốt, tín hiệu phản hồi sẽ nhạy hơn. Kiểm tra lại inverter đang dùng liệu có chức năng tự động tắt AC khi có tín hiệu chạm đất không? Nếu không có cần phải thay loại inverter khác hoặc kinh phí hạn chế thì có thể thêm bộ tự cắt lắp vào.
Tại khoản 4, điều 9, Quyết định13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: "Tổ chức, cá nhân đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành".
Tố Quyên