Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp tiêu thụ điện năng lớn. Hiện hầu hết các DN có lợi thế để lắp đặt điện mặt trời tự dùng bởi sở hữu diện tích mái nhà xưởng lớn, hạ tầng trạm biến áp, đường dây có sẵn, tiêu thụ điện tại chỗ... Đây được coi là hướng phát triển năng lượng hiệu quả trong hiện tại và tương lai.
Ưu thế sử dụng năng lượng tái tạo
Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (gọi tắt là Công ty May LGG) tại Cụm công nghiệp xã Nghĩa Hoà (Lạng Giang) hiện có hơn 4 nghìn công nhân làm việc tại 6 nhà xưởng lớn. Mỗi xưởng có diện tích mái khoảng 9 nghìn m2. Đơn vị tiêu thụ bình quân 420 nghìn kW/h/tháng, tương đương khoảng 900 triệu đồng.
Dây chuyền sản xuất thép định hình tại Công ty TNHH thép Cường Phát sử dụng điện mặt trời mái nhà.
Năm 2021, Công ty đầu tư 10 tỷ đồng lắp hơn 2,2 nghìn tấm pin năng lượng mặt trời, tổng công suất 993,6 kWp (kWp là đơn vị đo lường công suất tức thời tại điều kiện tiêu chuẩn của hệ thống điện mặt trời). Hệ thống pin năng lượng mặt trời này có hiệu suất sử dụng 25 năm, được đơn vị trúng thầu thi công bảo hành 10 năm. Sau khi ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Bắc Giang, ngày 31/12/2020, Công ty May LGG đưa hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành thương mại.
Anh Nguyễn Xuân Điệp, cán bộ phụ trách cơ điện Công ty cho biết, từ khi hệ thống điện mặt trời mái nhà hoạt động, đơn vị giảm lượng điện phải mua của Công ty Điện lực Bắc Giang khoảng 1 triệu kWh/năm, tương ứng với gần 2 tỷ đồng. Theo đánh giá của Công ty May LGG, ngoài giảm tiền điện, việc sử dụng điện mặt trời mái nhà mang lại cho DN nhiều lợi ích, như: Tận dụng diện tích mái nhà xưởng, làm mát khu vực sản xuất vì tấm pin giúp che ánh nắng mặt trời, giảm thời gian sử dụng máy điều hoà không khí, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Đặc biệt, khi sử dụng điện mặt trời mái nhà còn làm tăng sức cạnh tranh sản phẩm. Lý do là nhiều hãng thời trang lớn như UNIQLO, GAP… yêu cầu sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Do đó, sản phẩm của Công ty may LGG được đánh giá và trả giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại của các DN may khác không sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất.
Tìm hiểu tại Công ty TNHH thép Cường Phát, Cụm công nghiệp Hoàng Mai (Việt Yên) được biết đơn vị này cũng đầu tư hơn 20 tỷ đồng lắp đặt 2 hệ thống điện mặt trời mái nhà. Mỗi hệ thống có công suất gần 1 MWp và đưa vào vận hành thương mại từ tháng 12/2020.
Hiện, bình quân mỗi tháng DN tiết kiệm được khoảng 600 triệu đồng tiền điện, dự kiến sau từ 5-7 năm sẽ hoà vốn đầu tư. Khi đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà, ngoài những lợi ích như trên đã đề cập, theo ông Lương Ngọc Đức, Giám đốc sản xuất Công ty, DN còn được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng BIDV bởi đơn vị này có gói vay vốn ưu đãi đối với DN sử dụng tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo.
Bảo đảm phát triển điện mặt trời bền vững
Lợi ích của điện năng lượng mặt trời mái nhà tự dùng mang lại đã rõ. Tuy nhiên, theo quy định tại Quyết định số 13 ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà hiện nay được thực hiện chủ yếu là thỏa thuận giữa các đơn vị điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Toàn tỉnh hiện có 606 khách hàng sử dụng điện năng lượng mặt trời (100% là các công trình điện mặt trời mái nhà), tổng công suất hơn 15,9 MWp. Trong đó có 33 DN, công suất 10,6 MWp. Tổng sản lượng điện phát lên lưới trong năm 2021 đạt hơn 9,7 triệu kWh. Số tiền bán điện dôi dư của các khách hàng khi sử dụng điện năng lượng mặt trời cho Công ty Điện lực Bắc Giang đạt gần 2 tỷ đồng/tháng. |
Trong suốt quá trình từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi phát điện lên lưới chưa có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước các cấp nên việc tham mưu, quản lý nhà nước về phát triển điện mặt trời mái nhà gặp nhiều khó khăn.
Do đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo tạm dừng không thoả thuận đấu nối với các yêu cầu đấu nối dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà cho đến khi có các hướng dẫn mới của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Để phát triển điện mặt trời bền vững, có sự giám sát chặt chẽ của ngành chức năng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh, vừa qua, Sở Công Thương đã phối hợp rà soát về phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Qua rà soát cho thấy, cơ bản các chủ đầu tư đều khẳng định việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà là có hiệu quả.
Bắc Giang đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển thêm 72 cụm công nghiệp, 33 khu công nghiệp. Nhu cầu nguồn điện cấp cho tỉnh đến năm 2030 khoảng 4,5 nghìn MVA (hiện tại là 1,5 nghìn MVA).
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong giai đoạn 2021-2030, đặc biệt là điện cho sản xuất công nghiệp đòi hỏi việc bổ sung các nguồn phát điện cấp cho tỉnh Bắc Giang là hết sức cần thiết, trong đó ưu tiên phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo theo Nghị quyết số 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Từ thực tế đó, Sở Công Thương đã đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương sớm ban hành văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể để tạo thuận lợi trong việc khuyến khích và phát triển điện mặt trời mái nhà có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, không để xảy ra việc phát triển tràn lan, đồng thời bảo đảm vận hành và độ tin cậy hệ thống điện.
Do đặc điểm nằm tại khu vực có số giờ nắng trung bình không cao, cường độ bức xạ trung bình nên đề nghị Bộ Công Thương xem xét có cơ chế đặc thù đối với hệ thống điện mặt trời theo vùng miền khác nhau, đặc biệt đối với khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời hướng dẫn cụ thể các chế tài xử lý đối với các dự án điện mặt trời mái nhà không bảo đảm các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo: Báo Bắc Giang