Nhà máy Xi măng Bình Phước thuộc Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1, có công suất lò nung 2 triệu tấn clinker/năm và 1,2 triệu tấn xi măng/năm theo quy trình khép kín hiện đại. Nhiều năm nay, nhà máy sử dụng nguồn than đá, than cám để sản xuất xi măng và nhiệt điện.
Do nhu cầu sử dụng than trong các ngành công nghiệp nói chung ngày càng cao, sản lượng khai thác than trong nước không đủ đáp ứng và giá than tăng cao. Vì vậy, việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế trong quá trình sản xuất clinker hiện nay là vô cùng cần thiết.
Trước thực trang đó, Ks. Nguyễn Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật và nhóm nghiên cứu của Nhà máy Xi măng Bình Phước đã nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng thành công dây chuyền “Đốt rác thải công nghiệp tại Nhà máy Xi măng Bình Phước”. Mục đích nhằm tận dụng rác thải làm nhiên liệu sản xuất thay thế nguồn than đá anthracite, than cám để sản xuất xi măng và nhiệt điện, góp phần hạ giá thành, tăng doanh thu.
Hoạt động của lò đốt rác công nghiệp được vận hành và quản lý trên phần mềm máy tính. (Ảnh: Báo Bình Phước)
Sau khi nghiên cứu thành công và triển khai đốt thử thấy hiệu quả rất tốt, nhóm thực hiện đã tiến hành xây dựng phương án trình Công ty Cổ phần xi măng Hà Tiên 1 và tháng 11/2019, Nhà máy Xi măng Bình Phước đầu tư 24 tỷ đồng lắp dây chuyền đốt rác thải công nghiệp với công suất 20 tấn/giờ. Đến tháng 3/2020, hệ thống đi vào vận hành chính thức, trung bình 1 ngày đốt khoảng 200 - 250 tấn rác thải công nghiệp, thay thế một phần nguyên liệu truyền thống bằng than đá. Hiện nay, lò đốt được nâng công suất lên 6.300 tấn rác thải công nghiệp/ngày, hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Chia sẻ về việc kiểm soát lượng khí thải trong quá trình đốt rác, Kỹ sư Bùi Phi Vũ, Phó quản đốc xưởng clinker, cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: “Nhà máy có hệ thống kiểm soát online khí thải đầu ra có kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường nên khi thải ra môi trường đều trong chỉ tiêu cho phép, nếu sai phạm sẽ bị phạt liền.”
Hiện nay, Nhà máy Xi măng Bình Phước đẩy mạnh thu mua rác thải công nghiệp như vải vụn, mảnh nhựa, ni-lon, cao su vụn, dăm gỗ, bột lốp, da giày… sau đó sơ chế, băm hoặc nghiền nhỏ để thành nhiên liệu đốt thay cho than và các chất đốt thông thường. Cách làm này không chỉ giúp thu gom lượng lớn rác thải công nghiệp, vốn trước đây được xử lý theo kiểu truyền thống, mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh chủ trương khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất, dùng nguyên liệu tái chế, nguyên liệu thay thế.
Theo ông Lâm Hiện Đạt, Phó giám đốc Nhà máy xi măng Bình Phước, trong sản xuất xi măng thì nhiên liệu dùng chính hiện nay là than đá, chiếm 50% giá thành xi măng. Trong khi nhu cầu nhiên liệu hóa thạch nguồn cung ngày càng hiếm, giá thành tăng thì việc dùng rác thải làm nguyên liệu thay thế là hết sức cần thiết. "Hiện nay, tỷ lệ thay thế nhiệt tại Nhà máy Xi măng Bình Phước đạt 23%. Việc dùng rác thải công nghiệp giúp nhà máy giảm chi phí mà không ảnh hưởng đến hệ thống thiết bị, năng suất, chất lượng clinker cũng như chất lượng khí thải. Kết quả 8 tháng năm 2021, nhà máy đã sản xuất được 1,4 triệu tấn clinker, tiết giảm được 11 tỷ đồng so với sử dụng nguyên liệu từ than đá." - ông Lâm Hiện Đạt, Phó giám đốc Nhà máy xi măng Bình Phước thông tin thêm.
Hiện đề công nghệ của đề tài nghiên cứu cũng được tổng công ty và các nhà máy thành viên áp dụng thành công. Trong tình dịch Covid-19 bùng phát mạnh như hiện nay thì việc sử dụng nhiên liệu thay thế đã góp phần giúp Nhà máy xi măng Bình Phước vượt qua khó khăn chung của dịch bệnh. Việc tận dụng rác thải công nghiệp làm chất đốt thay thế than đá không những giúp nhà máy tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm trong khi chất lượng giữ nguyên mà còn giúp giảm thiểu phát thải CO2, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên cho sản xuất điện năng.
Mai Anh