Thứ tư, 15/01/2025 | 11:46 GMT+7
Các nhà khoa học tại Đại học West of England (UWE Bristol) đang phát triển loại gạch thông minh sử dụng vi khuẩn để tái chế nước thải, tạo ra điện và oxy với hi vọng trong tương lai, họ sẽ xây dựng được những tòa nhà "sinh vật sống" trên quy mô lớn.
Tế bào nhiên liệu vi khuẩn (MFC) sẽ được đưa vào những viên gạch để chúng có được những tính chất "thông minh". Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được khả năng của chúng trong việc tạo ra điện từ nước tiểu của con người, ruồi chết hay đơn giản chỉ là bùn đất cũ.
“Tế bào nhiên liệu vi khuẩn là những bộ chuyển đổi năng lượng, khai thác hoạt động trao đổi chất của các vi khuẩn cấu thành để phân hủy rác thải và phát điện”, nhà khoa học Ioannis Ieropoulos đến từ Phòng thí nghiệm robot học của UWE Bristol cho biết.
Các nhà nghiên cứu nói rằng "bộ máy sống" trong những bức tường sẽ có thể cảm nhận được môi trường bên ngoài và bên trong tòa nhà, bao gồm cả con người trong đó và có phản ứng phù hợp. Tùy thuộc vào cách chúng được "lập trình", những bức tường phản ứng sinh học sẽ nhận những nguyên liệu đầu vào như nước thải, carbon dioxide, ánh sáng mặt trời, tảo, vi khuẩn, các chất dinh dưỡng rồi sản xuất ra nước sạch, oxy, điện, nhiệt, chất tẩy tự phân hủy, sinh khối và huỳnh quang sinh học.
Nhóm nghiên cứu cho họ phát triển công nghệ này nhằm mục đích cải thiện môi trường sống và làm việc của con người trong các tòa nhà. Mỗi viên gạch thông minh là một máy tính điện và mỗi tòa nhà làm bằng loại gạch này sẽ là một bộ xử lý máy tính song song khổng lồ.
Gạch thông minh chỉ là một phần của dự án Kiến trúc sống (Living Architecture - LIAR), một dự án đang được các tổ chức ở khắp các nước châu Âu phát triển nhằm giải quyết các vấn đề về phát triển bền vững toàn cầu.
Ngọc Diệp (Theo Newatlas)