Thứ tư, 15/01/2025 | 14:20 GMT+7
Nhà máy nhiệt điện Joensuu ở phía Đông Phần Lan là một cơ sở cung cấp năng lượng quan trọng của vùng với quy mô phục vụ 42 nghìn dân của đất nước Bắc Âu này. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hoạt động của nhà máy tiêu tốn nhiều nhiên liệu trong khi lại thải ra môi trường một lượng lớn khí độc hại, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống. Để giải quyết vấn đề, từ năm 2015, nhà máy này đã ứng dụng công nghệ ngưng tụ mới, kết quả thu được những thành tựu đáng ghi nhận.
Nói một cách đơn giản, công nghệ ngưng tụ đem lại hiệu quả năng lượng nhờ việc thu hồi nhiệt lượng chứa trong khí thải của quá trình đốt cháy nhiên liệu đầu vào. Lượng khí thải thu hồi một mặt sẽ tái tham gia vào hoạt động sản xuất điện, mặt khác dùng để đun nóng nước và chuyển đến các hộ gia đình và nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu. Khi khí thải mất hoàn toàn nhiệt lượng, nó sẽ được ngưng tụ bởi hệ thống phun hơi trong nhà máy và chuyển hoá thành dạng lỏng. Chất lỏng này sẽ được đưa đến một bình lọc chứa NaOH trước khi thải ra môi trường.
Phương pháp như trên đã giúp nhà máy điện Joensuu tăng cường hiệu quả sản xuất của mình lên khoảng 30 MW đồng thời góp phần hỗ trợ người dân trong vùng tiết kiệm được 140 GWh điện mỗi năm nhờ hạn chế việc sử dụng bình nước nóng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Mặt khác, việc chuyển hoá chất thải khí thành dạng lỏng giúp việc xử lý ô nhiễm trở nên dễ dàng hơn và giảm lượng khí thải các-bon đến 50%. Một điểm cực kỳ quan trọng là bình lọc chứa NaOH trong hệ thống đã hạn chế tối đa các loại khí độc chứa lưu huỳnh, tác nhân ra mưa a-xít.
Anh Tuấn (Theo Fortum)