Thứ tư, 06/11/2024 | 06:15 GMT+7

Tăng gấp đôi hiệu quả sản xuất điện mặt trời

24/08/2015

Nếu có thể tận dụng được vùng xanh của quang phổ (350 – 600 nm) thì hiệu quả sản xuất năng lượng mặt trời có thể đạt tới 50%, so với mức 11-25% trong thời điểm hiện tại.

Hầu hết các tấm pin mặt trời bày bán trên thị trường chỉ có thể chuyển đổi ánh sáng có bước sóng 600 – 1000 nm thành năng lượng. Tuy nhiên, nếu có thể tận dụng được vùng xanh của quang phổ (350 – 600 nm) thì hiệu quả sản xuất năng lượng mặt trời có thể đạt tới 50%, so với mức 11-25% trong thời điểm hiện tại.

Để đáp ứng nhu cầu trên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Connecticut (Mỹ) đã sáng chế ra một loại thiết bị mới có tính năng thu thập ánh sáng với quang phổ rộng hơn và chuyển đổi chúng một cách hiệu quả thành năng lượng mặt trời trong các tấm pin mặt trời. 

Thiết bị này được chế tạo bằng cách cho một số loại thuốc nhuộm hữu cơ vào môi trường có ánh sáng kích thích. Sản phẩm thu được sẽ được cho tiếp vào hydrogel nhằm giữ cho các loại thuốc nhuộm trên không bị hoà lẫn vào nhau, song vẫn đạt được độ đặc quánh cần thiết.

Sau đó, hỗn hợp sẽ được đun nóng và làm lạnh nhiều lần cho đến khi đạt đến trạng thái một tấm phim siêu mỏng với màu hồng đặc trưng. Đây chính là vật liệu cần thiết để phủ lên các tấm pin mặt trời và tạo ra hiệu quả tăng gấp đôi sản lượng quang điện mà chúng ta đã đề cập ở trên.

Theo TS. Challa V. Kumar, trưởng nhóm nghiên cứu, sản phẩm này ngoài tính năng nâng cao hiệu quả sản xuất điện, còn có nhiều ưu điểm vượt trội khác như nguyên liệu đầu vào đơn giản, giá thành thấp và không độc hại.

Sự ra đời của công nghệ mới này sẽ tạo ra tiềm năng phát triển điện mặt trời một cách mạnh mẽ ở các vùng xa xôi với chi phí và thời gian thấp hơn. Mặt khác, loại vật liệu này cũng mở ra triển vọng cho các doanh nghiệp tham gia một cách tích cực hơn vào ngành công nghiệp quang điện khi thời gian hoàn vốn giảm xuống chỉ còn một nửa.

Anh Tuấn (Theo Tree Hugger)