Thứ tư, 15/01/2025 | 17:17 GMT+7
Sự bùng nổ của điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính đã khiến mạng di động trở thành khu vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất trong nền kinh tế và đời sống hàng ngày. Điều này vượt xa dự đoán trước đây là các ngành công nghiệp; hệ thống sưởi ấm – làm mát là khu vực tiêu thụ nhiều nhiên liệu.
Số liệu từ Hiệp hội Khai khoáng quốc gia Mỹ cho thấy, dòng chuyển dịch của hàng tỷ TB dữ liệu trên mạng di động đã sử dụng khoảng 1.500 TWh điện mỗi năm, tương đương với tổng mức tiêu thụ điện của hai nền kinh tế Nhật và Đức cộng lại.
Để hạn chế áp lực điện năng lên hệ thống điện lực quốc gia, cũng như tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong mạng di động, một nhóm nghiên cứu đa quốc gia đã tiến hành nghiên cứu và công bố một số phát hiện cũng như sáng chế công nghệ đáng chú ý.
Các nhà khoa học đã cho ra đời sản phẩm GWATT, một nền tảng tương tác thông minh cho phép mô hình hoá hệ thống tiêu thụ năng lượng trong doanh nghiệp. Đồng thời, thử nghiệm chúng với các tổ hợp công nghệ khác nhau trên máy tính để đánh giá hiệu quả năng lượng.
Trên cơ sở này, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng công nghệ 5G có khả năng tăng cường hiệu quả năng lượng trong mạng di động lên gấp 10 nghìn lần so với hiện nay. Công nghệ này được khẳng định là chìa khoá duy nhất và mạnh nhất để thúc đẩy lĩnh vực thông tin.
Một công nghệ quan trọng khác cũng được khám phá trong nghiên cứu này là thế hệ tháp năng lượng cỡ nhỏ. Thierry Klein, Chủ nhiệm bộ phận nghiên cứu xanh của dự án, cho biết: “Công tác nghiên cứu và triển khai tháp năng lượng cỡ nhỏ hiện nay mới chỉ dừng lại ở khía cạnh công suất, tuy nhiên điều mà chúng tôi quan tâm lại nằm ở phương diện năng lượng.”
Theo ông, lợi thế của các tháp năng lượng cỡ nhỏ là khả năng tự động ngắt điện khi không sử dụng, điều mà các loại tháp có kích thước lớn hơn không thể nào làm được. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng trong mạng di động, ngay cả khi nó là mạng 5G.
Mặt khác, tháp năng lượng cỡ nhỏ cũng dễ dàng vận hành bằng các loại năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, sóng, thuỷ triều, địa nhiệt. Đối với các nước thiếu hụt năng lượng như Ấn Độ, đây sẽ là giải pháp thay thế cho nguồn dầu diesel nhập khẩu rất tốn kém. Hiện nay, một số thành phố như Seoul và New York đã bắt đầu triển khai các dự án xây dựng tháp năng lượng cỡ nhỏ. Tính đến quý 1 năm 2015, số lượng tháp được đặt hàng đã lên đến 90 nghìn chiếc.
Nhóm nghiên cứu còn chỉ ra tiềm năng hiệu quả năng lượng đến từ hệ thống ăng-ten cỡ lớn. Hệ thống này có tính năng cung cấp tín hiệu cho một nhóm hộ gia đình có chung nhu cầu vào một thời điểm nhất định, thay vì phát tín hiệu đồng thời cho toàn bộ các hộ như các loại ăng-ten truyền thống. Công nghệ này cũng đã bắt đầu nhận được sự chú ý của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Các thành viên của nhóm nghiên cứu tỏ ra rất tin tưởng vào hiệu quả năng lượng lên đến 10 nghìn lần trong tương lai với mạng di động 5G và các công nghệ liên quan.
Anh Tuấn (Theo Green Tech Media)