Thứ bảy, 20/04/2024 | 21:26 GMT+7

Công nghệ mới tiết kiệm năng lượng cho ngành thép

23/04/2015

Công nghiệp thép chiếm đến 25% lượng tiêu thụ điện và 15% lượng khí thải các-bon toàn cầu. Vì vậy, những công nghệ hiệu quả năng lượng sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, xã hội và môi trường.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp thép đã và đang thu hút sự quan tâm về hiệu quả năng lượng của thế giới. Phần lớn những cuộc thảo luận về hiệu quả năng lượng thường tập trung vào việc thay thế những thiết bị cũ bằng những thiết bị mới có hiệu quả năng lượng cao hơn.

Ví dụ điển hình là hệ thống chiếu sáng đã thay đổi từ đèn sợi tóc sang đèn compact huỳnh quang và đến nay là đèn LED tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, lô-gic trên không phải luôn chính xác với tất cả các ngành, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp, nơi hiệu quả năng lượng đến từ quá trình sản xuất hơn là thiết bị sử dụng.

Thép chính là một ngành như vậy. Ngành công nghiệp này chiếm đến 25% lượng tiêu thụ điện và 15% lượng khí thải các-bon trong lĩnh vực công nghiệp toàn cầu. Vì vậy, những công nghệ hiệu quả năng lượng cho quá trình sản xuất sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, xã hội và môi trường.

Tại châu Âu, hai công nghệ mới hiệu quả năng lượng có tiềm năng thay thế các công nghệ hiện nay là: lò luyện hoàn nguyên (smelting reduction) và sắt hoàn nguyên trực tiếp (direct-reduced iron).

Điểm vượt trội của hai công nghệ này so với công nghệ tích hợp truyền thống là không phải xử lý nguyên liệu thô là quặng sắt, bao gồm các quá trình thiêu kết và luyện than cốc vốn tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu và năng lượng. Đồng thời, bản thân hai công nghệ này cũng cho phép tự động giải quyết hiệu quả những phần nguyên liệu thô kém phẩm chất.

Theo Tạp chí về khoáng sản của Mỹ, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng khi ứng dụng hai công nghệ này có thể đạt 16 – 20%. Đặc biệt, công nghệ sắt hoàn nguyên trực tiếp còn có ưu thế trong việc giảm thiểu phát thải khí các-bon do sử dụng nguyên liệu đầu vào là khí tự nhiên thay vì than như trong công nghệ lò luyện hoàn nguyên.

Tuy nhiên, cho đến nay, toàn châu Âu, mới chỉ có một nhà máy sử dụng công nghệ sắt hoàn nguyên trực tiếp được xây dựng ở Đức, còn công nghệ lò luyện hoàn nguyên vẫn chưa được ứng dụng vào thực tế.

Anh Tuấn (Theo ABB)