Thứ ba, 05/11/2024 | 01:35 GMT+7
Theo dự đoán của các nhà khoa học năng lượng, chỉ
khoảng 60 năm nữa, nguồn năng lượng hóa thạch trên thế giới sẽ cạn kiệt. Bởi vậy,
tìm kiếm và nghiên cứu các nguồn năng lượng mới thay thế đang là mối quan tâm
hàng đầu của nhiều quốc gia.
Băng cháy là một nguồn năng lượng mới nhiều tiềm
năng. Thế nhưng, với nhiều người, băng cháy vẫn là một khái niệm lạ lẫm.
Băng cháy hay còn được gọi là nước đá cháy, có tên
khoa học là natural hydrate hay gas hydrate. Đây là một dạng khí tự nhiên (chủ
yếu là mê tan) bị mắc kẹt trong cấu trúc tinh thể nước, tạo thành một chất rắn
như băng. Chúng thường có hình dạng các cục băng nhỏ với đủ màu sắc từ trắng, vàng, nâu, đỏ, xám hay xanh da trời.
Băng cháy sở hữu tiềm năng khổng lồ về năng lượng
Băng cháy phần lớn được tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu
và những tầng địa chất sâu bên dưới lòng đại dương.Theo khảo sát địa chất
của Mỹ, có đến hàng nghìn tỷ mét khối băng cháy chưa được khai thác. Cứ mỗi 1 m3 băng cháy sẽ giải phóng được 164 m3 khí mê tan. Bởi vậy, chỉ 1% của
trữ lượng băng cháy trên toàn trái đất, có thể cung cấp năng lượng cho toàn bộ nước
Mỹ trong suốt 170 năm. Nếu khai thác triệt để nguồn năng lượng này, toàn thế giới
sẽ không phải lo lắng đến vấn đề năng lượng trong 2.000 năm nữa.
Dù sở hữu tiềm năng về năng lượng lớn như vậy, nhưng cho đến nay, con người vẫn chưa tìm ra cách khai thác băng cháy hiệu quả. Về nguyên tắc, khai thác băng cháy không được đào lên mà phải làm tan chảy băng cháy dưới lòng đất bằng cách làm giảm áp suất để thu khí mê tan. Nhưng làm sao xây dựng được hệ thống đường ống dẫn khí mê tan khi băng cháy phân hủy là một thách thức của giới công nghệ.
Nhìn về một khía cạnh khác, băng cháy cũng là nguồn năng lượng ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Do được hình thành ở nhiệt độ và áp suất thấp, nên chỉ cần thay đổi nhiệt độ và áp suất, băng cháy có thể phóng thích khí mê tan gây ra thảm họa nhà kính toàn cầu, gây sóng thần do các thềm lục địa đổ ập xuống.
Thanh Xuân (Theo science.howstuffworks.com)