Một kết quả nghiên cứu ứng dụng quan trọng vừa được PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Viện NCHN) công bố, đó là việc nghiên cứu tính toán chuyển đổi nhiên liệu lò hạt nhân Đà Lạt.
PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền đã trình bày báo cáo các kết quả chính về khởi động vật lý và khởi động năng lượng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với nhiên liệu độ giàu thấp thực hiện trong giai đoạn 2011-2012, là kết quả quan trọng của dự án chuyển đổi nhiên liệu Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt từ độ giàu cao sang độ giàu thấp thực hiện gần 10 năm nay, từ năm 2004. Kết quả của việc khởi động thành công lò phản ứng, đưa lò vào làm việc an toàn, tiếp tục khai thác có hiệu quả lò phản ứng ghi nhận thành tích xuất sắc của đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật của Viện NCHN.
Để thực hiện dự án này, các cán bộ khoa học của Viện NCHN đã tính toán thiết kế vùng hoạt, phân tích an toàn và xây dựng chi tiết chương trình khởi động lò phản ứng. Thực hiện dự án còn là cơ hội tốt để các cán bộ khoa học của Việt Nam làm chủ việc khởi động một lò phản ứng nghiên cứu. Trong quá trình khởi động, hàng loạt thí nghiệm về vật lý và đo các đặc trưng của lò phản ứng đã được tiến hành. Các thông số vật lý và thủy nhiệt của lò phản ứng đo được trong quá trình khởi động và vận hành ở công suất danh định cho thấy sự phù hợp tốt với các kết quả tính toán thiết kế. Mặt khác, các số liệu thu được về các thông số liên quan đến an toàn (độ bất đồng đều của phân bố thông lượng nơtron theo chiều cao và theo bán kính vùng hoạt, hệ số nhiệt độ âm của độ phản ứng, nhiệt độ của nước bể lò, nhiệt độ nước tại lối vào/lối ra của vòng sơ cấp và vòng thứ cấp,…) cho phép khẳng định cấu hình vùng hoạt với 92 bó nhiên liệu độ làm giàu thấp hiện tại là bảo đảm cho lò hoạt động an toàn.
Thành công của chương trình chuyển đổi nhiên liệu không chỉ mang lại các lợi ích về kinh tế mà còn giúp đào tạo cán bộ và mở rộng hợp tác quốc tế. Từ đây, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sẽ có đủ nhiên liệu để tiếp tục vận hành trên 15 năm nữa, ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam vẫn có một thiết bị hạt nhân, tuy công suất không cao nhưng sẽ tiếp tục phục vụ hiệu quả cho các ngành y tế, công nghiệp, nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, và phục vụ cho chương trình ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình của đất nước.
Theo Báo Khoa học Phổ thông