Thứ sáu, 08/11/2024 | 10:40 GMT+7

Thu năng lượng mặt trời từ sứa biển

26/08/2013

Một nhóm khoa học của trường Đại học Công nghệ Chalmers tại Gothenburg (Thụy Điển) đang phát triển một thiết bị quang điện từ các protein huỳnh quang xanh lục (GFP) ở loài sứa biển Aequorea victoria.

Ngày nay, các loại pin mặt trời silic đang dần trở nên lỗi thời và kém hiệu quả. Do vậy, một loại vật liệu gọi là “green goo” tạo ra từ các tế bào sống đang được sử dụng làm vật liệu thay thế trong chế tạo pin mặt trời giá rẻ. Một nhóm khoa học của trường Đại học Công nghệ Chalmers tại Gothenburg (Thụy Điển) đang phát triển một thiết bị quang điện từ các protein huỳnh quang xanh lục (GFP) ở loài sứa biển Aequorea victoria.

420e3a661_wk6.jpg

Nhóm nghiên cứu đã đặt 2 cực nhôm cách nhau một khoảng nhỏ vào dung dịch silicon dioxit, sau đó nhỏ một giọt GFP vào đầu cực để các protein tự liên kết lại thành sợi nối liền 2 cực. Khi tiếp xúc với tia cực tím, GFP sẽ hấp thụ hạt photon và sản sinh ra electron chuyển động xung quanh một mạch và tạo ra dòng điện. “Green goo” hoạt động như một chất nhuộm màu sử dụng trong loại pin mặt trời “cảm quang” hiện nay là pin Grätzel. Tuy nhiên, không giống với các loại pin nói trên, GFP không đòi hỏi phải sử dụng thêm chất nền đắt tiền như hạt titan dioxit. Thay vào đó, GFP có thể được đặt trực tiếp lên đầu cực pin, giúp thiết kế pin trở nên đơn giản hơn và giảm giá thành sản phẩm.
 
Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng protein để tạo ra một loại pin nhiên liệu sinh học có khả năng sản sinh ra điện mà không cần sử dụng ánh sáng trực tiếp bên ngoài. Thay vào đó là sử dụng ánh sáng phát ra từ một hỗn hợp gồm các chất hóa học như magiê và các enzym phát sáng luciferase được tìm thấy trong tế bào của đom đóm (Lampyridae) và hoa pansy biển (họ Renilla reniformis) để tạo ra dòng điện với thiết bị quang điện sinh học từ sứa biển. Loại pin nhiên liệu này có thể được sử dụng cho các thiết bị nano cấy ghép vào các sinh vật sống để chẩn đóan bệnh.
 Lê My Theo New Scientist