Thứ tư, 15/01/2025 | 18:10 GMT+7

"Siêu máy tính" IBM hỗ trợ tìm nguồn điện từ năng lượng mặt trời

19/07/2013

Đại học Harvard (Mỹ) vừa sử dụng siêu máy tính trên môi trường điện toán của IBM để đánh giá tiềm năng tạo ra điện từ năng lượng mặt trời của 2,3 triệu hợp chất mới, được Văn phòng Chính sách KH&CN của Nhà Trắng đánh giá cao.

Đại học Harvard (Mỹ) vừa sử dụng siêu máy tính trên môi trường điện toán của IBM để đánh giá tiềm năng tạo ra điện từ năng lượng mặt trời của 2,3 triệu hợp chất mới, được Văn phòng Chính sách KH&CN của Nhà Trắng đánh giá cao.

f95284dfd_imageview.jpg

World Community Grid của IBM hiện có 170 thành viên Việt Nam. 

Theo thông tin từ IBM, những nỗ lực tìm kiếm các loại vật liệu đa năng, rẻ hơn và có thể tạo ra điện từ năng lượng mặt trời vừa đạt được một bước tiến mới khi dự án “Năng lượng sạch” của Đại học Harvard công bố danh mục 2,3 triệu hợp chất carbon hữu cơ có khả năng biến ánh sáng mặt trời thành điện năng sau khi sàng lọc các phân tử bằng cách sử dụng Mạng lưới cộng đồng thế giới (World Community Grid), một siêu máy tính ảo do IBM quản lý để khai thác sức mạnh điện toán dư thừa do các tình nguyện viên đóng góp.

Dự án này đã đem lại đánh giá về hóa học lượng tử toàn diện nhất từng được thực hiện từ trước đến nay, giúp các nhà khoa học có thể sử dụng các kết quả nghiên cứu để tiếp tục khảo sát những hợp chất có tiềm năng nhất, có thể phát triển các vật liệu bán dẫn hữu cơ, các loại vật liệu mới, các thiết bị phát điện (như pin năng lượng mặt trời).
Trước đây, dự án “Năng lượng sạch” của Đại học Harvard và Mạng lưới cộng đồng thế giới của IBM đã được đưa vào Sáng kiến gen vật liệu (MGI - Materials Genome Initiative) do Tổng thống Mỹ Obama khởi xướng từ tháng 6/2011 trong khuôn khổ nỗ lực tạo việc làm mới, giải quyết các thách thức xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của Mỹ thông qua việc thúc đẩy khoa học vật liệu.

Với sự hợp tác của nhiều tổ chức và cá nhân, tính đến thời điểm hiện tại, World Community Grid đã cung cấp cho dự án “Năng lượng sạch” mức năng lực tính toán tương đương với một chiếc máy tính cá nhân thực hiện các tính toán khoa học trong vòng 17.000 năm.

Cũng theo IBM, hơn 2,3 triệu máy tính của hơn 600.000 người và tổ chức tình nguyện từ 80 quốc gia đã đóng góp sức mạnh tính toán cho các dự án trên World Community Grid trong suốt 9 năm qua. Kết quả của những đóng góp đó đã hình thành nên một trong những siêu máy tính ảo nhanh nhất hành tinh, góp phần đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu khoa học hàng trăm năm. Tới năm 2013, đã có ít nhất 22 dự án được triển khai hoạt động hoặc đã được hoàn thành nhờ World Community Grid.

World Community Grid hiện cũng có gần 170 thành viên từ Việt Nam kết nối hơn 800 máy tính trên phạm vi cả nước.

Theo ICTnews