Thứ bảy, 23/11/2024 | 05:20 GMT+7

Đèn giao thông tiết kiệm điện

22/06/2012

Hệ thống đèn thông minh có thể tiết kiệm điện năng đến 80% so với đèn sợi đốt thông thường.

Ưu điểm của hệ thống đèn này là tại các nút giao thông, đèn được chiếu sáng liên tục nhờ một bộ nguồn dự phòng tự động bật trong trường hợp điện lưới mất hoặc không ổn định. Khi mất điện, hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh sẽ tự chuyển sang chế độ chạy ắc-quy, chỉ trong 1/30 giây nhưng vẫn hoạt động bình thường.

Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, sản phẩm "đèn giao thông thông minh" của nhóm các nhà khoa học do Kỹ sư Vi Toàn Nghĩa, người chủ trì nghiên cứu đề tài của Công ty Thăng Long (thuộc Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an) đã hoàn thành.

9e6ebecfb_den_giao_thong.jpg

Các nhà khoa học đã mạnh dạn sử dụng đèn Led, một loại đèn đang được thế giới ưu chuộng vì hiệu quả chiếu sáng và siêu bền, tiết kiệm điện. Tuổi thọ trung bình của đèn lên tới 80.000 - 100.000 giờ, trong khi đó, bóng đèn sợi đốt có tuổi thọ từ 700 - 800 giờ và đèn com-pact huỳnh quang có tuổi thọ từ 7.000 đến 8.000 giờ.

Báo cáo mới nhất của Bộ Năng lượng Mỹ cũng cho rằng, nếu 50% việc chiếu sáng ở Mỹ hiện nay được thay thế bằng cách chiếu sáng dùng Led, nước Mỹ sẽ tiết kiệm được 41GM điện (1 gigawatt tương đương với 1 tỷ watt). Chính vì ưu điểm trên, nhóm các nhà khoa học đã quyết định sử dụng đèn Led vào hệ thống đèn giao thông thông minh.

Với những thử nghiệm của mình, các nhà khoa học tính toán, hệ thống đèn thông minh có thể tiết kiệm điện năng đến 80% so với đèn sợi đốt thông thường. Nếu sử dụng năm bóng đèn giao thông liên tục sáng, mỗi bóng 100W/h, sẽ tiêu tốn 500W/h, nếu dùng bóng đèn Led thì chỉ tiêu tốn 100W/h cho cả năm bóng cùng sáng trong một giờ.

Ngoài ra, không chỉ áp dụng trên hệ thống tín hiệu giao thông tại các thành phố lớn mà còn có thể áp dụng trên những tuyến đường cao tốc, đường dành riêng cho tàu hỏa. Một ưu điểm nổi bật nữa của hệ thống này là khả năng điều khiển tự động, không phụ thuộc vào người điều khiển.

Các nhà khoa học đã đưa vào hệ thống lập trình sẵn cho hệ thống đèn về thời gian, khi xảy ra tai nạn, cảnh sát giao thông có thể đứng cách xa để chỉ huy qua hệ thống loa được gắn trên cột đèn. Khi đó, các chủ phương tiện tự tìm đường phù hợp với lộ trình của mình, tránh ùn tắc.

Khi mất điện, hệ thống tự động chuyển sang dùng điện của bình ắc-quy tại một chốt giao thông nào đó có lắp hệ thống đèn. Hệ thống ắc quy có thể giúp cho đèn tín hiệu giao thông hoạt động trong 10 ngày.

Ngoài ra, còn có một bộ điều khiển rất nhỏ gọn có gắn liền với trung tâm của cảnh sát giao thông, khi có chuyện bất thường hoặc có đoàn xe ưu tiên thì chỉ cần điều khiển qua hệ thống phát thanh. Ðiều này giúp cho việc điều khiển tín hiệu giao thông linh hoạt, không cứng nhắc ấn định thời gian chuyển từ tín hiệu xanh sang đỏ hoặc ngược lại. Như vậy, tình trạng ùn tắc giao thông vào mỗi giờ cao điểm nhờ đó cũng được hạn chế.

Ðiểm quan trọng, các nhà khoa học đã chú ý đến việc tái sử dụng cơ sở hạ tầng của hệ thống đèn giao thông cũ. Với những nghiên cứu của mình, nếu được áp dụng, về hình thức gần như không thay đổi bởi chỉ cần thay thế các bộ phận bên trong của những cột đèn. Do đó, khi được áp dụng đại trà, sẽ không có sự thay đổi lớn, vốn đầu tư cũng nhỏ...

Hiện nay, hệ thống đèn tín hiệu giao thông đang tiêu thụ một lượng điện khá lớn, vì thế, hy vọng những gì mà hệ thống đèn giao thông thông minh đem lại, chúng ta sẽ giảm được lượng điện tiêu thụ đáng kể cho tín hiệu giao thông và ứng phó kịp thời khi nguồn điện không ổn định, mất điện...

Theo Nhân dân