Thứ bảy, 23/11/2024 | 02:31 GMT+7
Hai năm gần đây, có dịp ngang qua khối phố Bình Kỳ 2, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những chiếc bếp sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT) hình pa-ra-bôn, hình hộp được bà con đặt ngay ngắn trước sân nhà. Đây là bước khởi đầu để xây dựng mô hình “Làng NLMT” tại Đà Nẵng trong tương lai.
Đổi thay ở xóm nghèo
Trải qua 2 mùa nắng, người dân nơi đây đã thôi đun nấu bằng củi, lá dương liễu,
rơm rạ khô (cách đun nấu thường gây các bệnh về đường hô hấp, mắt, phổi do khói
bụi), vừa tiết kiệm thời gian, vừa bảo vệ được môi trường sống. Như gia đình
chị Trần Thị Thương ở tổ 10, từ ngày sử dụng bếp NLMT, công việc nấu nướng của chị
đỡ vất vả, lợi nhuận thu lại từ việc bán bún, mỳ Quảng cũng khá hơn. Chị tâm
sự: “Vào mùa nắng, tôi hầm xương, thịt, nấu nước sôi sử dụng cho việc tắm gội,
rửa chén bát, nấu cơm, canh…thoải mái mà không sợ tốn tiền gas. Số củi thu gom
được trong mùa nắng, gia đình tôi dành dụm khi mùa mưa đến”.
Giống như chị Thương, hàng trăm hộ dân ở Bình Kỳ 2 nhờ sử dụng bếp NLMT đã tiết
kiệm được mỗi tháng khoảng 100.000 đồng mua chất đốt. Đối với các gia đình buôn
bán nhỏ, mỗi tháng có thể tiết kiệm được 200.000 đồng. Trung bình, tuổi thọ của
các loại bếp NLMT trên 15 năm và giá thành 850.000 đồng (đối với bếp hình hộp)
và 1.500.000 đồng (đối với bếp hình pa-ra-bôn) thì việc sử dụng loại bếp này sẽ
giúp người dân tiết kiệm được rất nhiều kinh phí.
Đây là kết quả sau 2 năm thực hiện đề tài “Nghiên cứu triển khai ứng dụng thiết bị NLMT tại các hộ gia đình vùng nông thôn, miền núi thành phố Đà Nẵng”. Toàn bộ kinh phí dự án do Tổ chức Phục vụ NLMT Solar Serve và Sở Khoa học Công nghệ TP. Đà Nẵng tài trợ, được triển khai từ cuối năm 2007. Từ đó đến nay, đã có khoảng 300 hộ dân nghèo được hưởng lợi trực tiếp từ dự án.
Việc phổ biến bếp NLMT phần nào giúp người dân Hòa Quý đỡ vất vả trong việc tìm kiếm chất đốt và bảo vệ môi trường sống
Theo PGS.TS Hoàng Dương Hùng, chủ nhiệm đề tài, Đà Nẵng là địa bàn có nguồn NLMT rất lớn, cường độ bức xạ mặt trời có thể đạt đến 960 W/m2 với số giờ nắng cao, 220 giờ/năm. Trong quá trình khảo sát thực tế, Ban chủ nhiệm đề tài đã quyết định chọn khối phố Bình Kỳ 2, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn làm địa điểm thực hiện đề tài và dự kiến xây dựng Làng NLMT trong tương lai. Đây là một trong những địa bàn khó khăn nhất của quận Ngũ Hành Sơn, có khoảng 500 hộ gia đình sinh sống, 50% trong số đó thuộc diện nghèo, phần lớn các hộ dân có sân phơi rộng, đủ điều kiện sử dụng thiết bị NLMT.
Những bất cập cần được khắc phục
Dù có nhiều ưu điểm, nhưng tại Đà Nẵng, các sản phẩm sử dụng NLMT vẫn chưa được
ứng dụng rộng rãi mà chỉ mới tập trung tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn.
Ông Huỳnh Phước, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Đà Nẵng cho rằng, một mặt do
kinh phí của thành phố chỉ đầu tư cho việc nghiên cứu, sáng chế, ứng dụng trong
giới hạn thực hiện đề tài. Sau khi đề tài đã nghiệm thu, Sở không có nguồn kinh
phí để hỗ trợ cho việc ứng dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, một thực tế hiện nay là
việc nghiên cứu, ứng dụng chỉ được thực hiện bởi một vài tổ chức, viện
nghiên cứu và các trường đại học, còn phía doanh nghiệp, cá nhân vẫn chưa “mặn
mà” với việc sản xuất cũng như sử dụng các thiết bị NLMT.
Ngoài ra, qua thực tế sử dụng, đến nay những hộ dân tại phường Hòa Quý chỉ duy
trì việc đun nấu bằng mô hình bếp pa-ra-bôn, và chủ yếu dùng cho việc nấu nước
sôi.
Chị Phan Thị Bảy, một hộ nghèo tại tổ 12, khối phố Bá Tùng, phường Hòa Quý phân
trần, từ tháng 3-2010, gia đình chị chọn loại bếp hình hộp vì thấy bếp này có
dáng gọn, sẽ thuận tiện trong việc bảo quản. Tuy nhiên, dù sử dụng đúng như
hướng dẫn, bếp vẫn chưa một lần phát huy tác dụng. Trời nắng chang chang, trong
khi nước được nấu tại bếp pa-ra-bôn chỉ khoảng 20 phút là sôi thì nồi nước đặt
trong chiếc bếp hình hộp cả tiếng sau mới chỉ bốc khói mà không thấy sôi.
Do bếp hình hộp không phát huy tác dụng, nhiều người dân tại Hòa Quý thỉnh
thoảng vẫn sang nấu nước nhờ hàng xóm có bếp pa-ra-bôn. Ông Huỳnh Kim, Phó Chủ
tịch UBND phường Hòa Quý bộc bạch: “Mô hình sử dụng bếp NLMT hiện nay vẫn chưa
thật sự hiệu quả. Người dân muốn được đổi bếp hình hộp để lấy bếp pa-ra-bôn.
Tuy nhiên, do số lượng bếp được cấp về có hạn, nên mới có chuyện gần 100 chiếc
bếp hình hộp vô tình bị bỏ phí do không sử dụng được”.
Lý giải về điều này, PGS.TS Hoàng Dương Hùng cho biết, đối với bếp hình hộp,
trong những ngày nắng gắt, nhiệt độ tối đa là 1200C nên chỉ phù hợp cho việc
nấu cơm, canh, nước, còn muốn chiên xào, nướng thức ăn thì khó thực hiện. Khác
với bếp hình hộp, bếp pa-ra-bôn có độ tập trung bức xạ mặt trời cao nên nhiệt
độ thu lại tối đa lên đến 405oC. Do đó, việc nấu nướng diễn ra dễ dàng hơn. Do vậy,
việc sử dụng song song hai loại bếp sẽ giúp người dân khắc phục được một số
nhược điểm tồn tại ở mỗi mô hình.
Cạnh đó, việc triển khai ứng dụng trên thực tế còn nhiều hạn chế, bởi các thiết
bị sử dụng NLMT hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, vì vậy rất khó thực hiện ở
quy mô công nghiệp hay áp dụng rộng rãi vào thực tế. Ông Huỳnh Phước trăn trở:
“Hãy tưởng tượng, giữa lúc trời nắng gắt, bà con cứ phải chạy vào chạy ra trên
nền sân bê-tông để nấu nướng thức ăn, rất dễ ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe và các
bệnh về mắt. Vì vậy, ngoài vấn đề tìm kiếm nguồn kinh phí trong việc ứng dụng,
Ban chủ nhiệm đề tài cần phát triển mô hình bếp NLMT theo hướng thương mại hóa
để bảo đảm hơn về mặt kỹ thuật, giá cả, kiểu dáng công nghiệp cũng như công
năng sử dụng, như vậy mới hy vọng dự án “Làng NLMT” sẽ sớm được thực hiện”.
Có thể thấy rằng, sau 2 năm ứng dụng, đề tài “Nghiên cứu triển khai ứng dụng
thiết bị NLMT tại các hộ gia đình vùng nông thôn, miền núi thành phố Đà Nẵng”
bước đầu đã thu được những kết quả nhất định, giúp gia đình nghèo ở nông thôn
đỡ vất vả trong việc tìm kiếm chất đốt, hạn chế tình trạng chặt phá cây rừng
làm củi. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự đi vào cuộc sống, theo ý kiến của nhiều
người, nhà sản xuất cần quan tâm hơn đến nhu cầu thực tế của người dân, cũng
như từng bước khắc phục những nhược điểm, tồn tại như bài viết đã nêu.