Thứ ba, 17/09/2024 | 22:44 GMT+7

Việt - Hàn khởi động nghiên cứu công nghệ điện hạt nhân quy mô nhỏ

06/07/2023

Nhân chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol mới đây, Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP), thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực hệ thống năng lượng hạt nhân tiên tiến, bao gồm lò phản ứng mô-đun nhỏ (Small Module Reactor - SMR).

Bên cạnh lễ ký kết MOU, KHNP và VINATOM cũng đã tổ chức buổi hội thảo giao lưu về kỹ thuật, chia sẻ thông tin nghiên cứu phát triển của mỗi nước, tình hình và kế hoạch phát triển lò phản ứng mô-đun nhỏ cải tiến (i-SMR) của KHNP.
Hàn Quốc coi i-SMR sẽ là sản phẩm SMR phát triển dành riêng cho quốc gia mình.
Theo thỏa thuận, hai cơ quan này quyết định sẽ hợp tác nghiên cứu chặt chẽ về các lĩnh vực thiết kế, kỹ thuật và an toàn lò phản ứng hạt nhân, ứng dụng lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon, giấy phép, pháp lệnh và quy chế về lò SMR, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực.
Ông Hwang Joo-ho - Chủ tịch KHNP và ông Trần Chí Thành - Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực hệ thống năng lượng hạt nhân tiên tiến (bao gồm Lò phản ứng mô-đun nhỏ).
Ông Hwang Joo-ho - Chủ tịch KHNP nhận định: Thông qua biên bản ghi nhớ lần này, Chính phủ Việt Nam sẽ nối lại giao lưu về công nghệ và nhân lực ở lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đã bị thu hẹp sau khi Việt Nam dừng kế hoạch xây dựng nhà máy điện nguyên tử vào năm 2016. Dự kiến hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác, phát triển công nghệ nhằm ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình.
Chủ tịch KHNP kỳ vọng: Biên bản ghi nhớ và hội thảo giao lưu kỹ thuật lần này giữa hai nước sẽ là điểm khởi đầu cho sự hợp tác nghiên cứu đa dạng song phương ở lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong đó có lò phản ứng mô-đun nhỏ cải tiến; đề ra mục tiêu và tầm nhìn mới để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon.
Hiện nay các lò điện hạt nhân dạng mô-đun quy mô nhỏ là một hướng phát triển trong ngành điện hạt nhân. Lò SMR là loại lò có thiết kế mới thuộc thế hệ III+ hoặc IV, có quy mô công suất dưới 300 MW (bằng khoảng 1/3 công suất phát của các lò điện hạt nhân truyền thống phổ biến hiện nay là khoảng 1.000 MW). Công nghệ lò điện hạt nhân quy mô nhỏ này có thể sử dụng cùng loại nhiên liệu và có những cải tiến về độ an toàn, đặc biệt các tính năng an toàn thụ động gần như trở thành yếu tố bắt buộc với các lò quy mô nhỏ.
Lò SMR có thể được bố trí ở những vị trí không phù hợp với các nhà máy điện hạt nhân lớn hơn. Các mô-đun SMR được sản xuất sẵn tại các nhà máy chế tạo, sau đó vận chuyển và lắp đặt tại địa điểm xây dựng, làm cho chúng có chất lượng đảm bảo và giá thành hợp lý hơn so với các lò phản ứng công suất lớn được chế tạo tại chỗ.
Dự kiến, các lò SMR giảm chi phí và thời gian xây dựng với tiến độ xây dựng dự kiến khá ngắn (24 - 36 tháng), đồng thời chúng có thể được triển khai từng bước để phù hợp với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
So với các lò hiện nay đang vận hành phát điện, các thiết kế SMR được đề xuất thường đơn giản hơn và an toàn do là SMR dựa vào các hệ thống thụ động và các đặc tính an toàn nội tại của lò phản ứng. Điều này có nghĩa là trong những trường hợp bất thường, không cần sự can thiệp của con người, hoặc nguồn năng lượng bên ngoài để tắt các hệ thống, bởi vì các hệ thống thụ động dựa vào các định luật vật lý (chẳng hạn như tuần hoàn tự nhiên, đối lưu, trọng lực và tự điều áp).
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện sạch ngày càng tăng cao nhằm hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 năm 2050 của nhiều quốc gia trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ SMR cho thấy lợi ích và vai trò của điện hạt nhân trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng mà vẫn có thể đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính.
Theo: nangluongvietnam.vn/