Thứ năm, 21/11/2024 | 19:36 GMT+7

Lợi ích cho doanh nghiệp tham gia Chương trình thỏa thuận tự nguyện về tiết kiệm năng lượng

29/10/2024

Năm 2023, 04 doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất thép, vật liệu xây dựng và chế biến gỗ đã tham gia vào Chương trình Thỏa thuận tự nguyện về tiết kiệm năng lượng (Chương trình VAS) trong khuôn khổ Chương trình đối tác hợp tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 -2025 (Chương trình DEPP3) do Bộ Công Thương cùng với Cục Năng lượng Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam triển khai thực hiện.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, nâng cao hiệu quả nền kinh tế. Đối với doanh nghiệp sản xuất, tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí, mà còn giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về môi trường, giảm phát thải khí nhà kính nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu, tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm, các quy định, tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa trên thị trường quốc tế ngày càng khắt khe..
Nhằm tạo sự lan tỏa các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo cơ chế mới đem lại lợi ích cho cả nhà nước và doanh nghiệp, Chương trình DEPP3 thí điểm Chương trình Thỏa thuận tự nguyện về tiết kiệm năng lượng. Thỏa thuận tự nguyện về tiết kiệm năng lượng là mô hình hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành công nghiệp, trong đó, khi doanh nghiệp tự nguyện cam kết triển khai các giải pháp về tiết kiệm năng lượng thì sẽ nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ chính phủ như cung cấp chuyên gia giúp nhận diện các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiềm năng lớn, có tính khả thi để có thể triển khai từ ý tưởng đến thực hiện dự án đầu tư nhằm hiện thực hóa các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp cũng như của quốc gia. 

Thí điểm cơ chế khuyến khích mới

Ông Hoàng Văn Tâm – Đại diện Ban quản lý Chương trình DEPP3, Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh,  Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương
Ông Hoàng Văn Tâm – Đại diện Ban quản lý Chương trình DEPP3, Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, Chương trình VAS là hình thức thỏa thuận một cách tự nguyện giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm chi phí , thông qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Hoàng Văn Tâm, đây không phải là chương trình thỏa thuận tự nguyện đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Giai đoạn 2015 - 2017, trong khuôn khổ Dự án Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Bộ Công Thương cũng đã giới thiệu một chương trình tự nguyện thí điểm về tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, Chương trình VAS vẫn có những điểm mới đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. 
“Điểm khác biệt trong Chương trình thỏa thuận tự nguyện lần này là sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia từ Đan Mạch đã có kinh nghiệm triển khai thành công các chương trình về thỏa thuận tự nguyện đối với các doanh nghiệp, đơn vị tại Đan Mạch”, ông Hoàng Văn Tâm nhấn mạnh.
Về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp để tham gia VAS, ông Jorgen Hvid – Cố vấn dài hạn Chương trình DEPP3, cho biết có một số tiêu chí chính, trong đó quan trọng nhất là doanh nghiệp phải thực sự quan tâm và mong muốn đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng có tiềm năng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với tư vấn của Chương trình trong quá trình hợp tác để đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện các báo cáo. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ được nhận nhiều lợi ích thực tiễn. "Chương trình sẽ giúp doanh nghiệp lựa chọn các phương án tối ưu nhất, có tiềm năng lớn và tính khả thi cao, phù hợp với nhu cầu phát triển và điều kiện của doanh nghiệp", ông Jorgen Hvid chia sẻ thêm.

Lợi ích thực tiễn cho doanh nghiệp

Đến với Chương trình VAS, doanh nghiệp sẽ được nhận hỗ trợ kỹ thuật để có thể hiện thực hóa các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng thông qua hỗ trợ cụ thể bởi các chuyên gia của Chương trình DEPP3 như tiến hành kiểm toán năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó phát hiện các giải pháp tiết kiệm có tính khả thi, các chuyên gia có thể giúp doanh nghiệp xây dựng các báo cáo kỹ thuật tiền khả thi, khả thi có thể chuyển thành các hồ sơ vay vốn tiếp cận các tổ chức tài chính và cuối cùng quyết đinh của doanh nghiệp để đầu tư .
Thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, doanh nghiệp sẽ được nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng, cũng như tiếp cận tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, thực hành tốt nhất về nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để có thể chủ động triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự làm công tác quản lý năng lượng, tạo tiền đề, nền tảng cho các hoạt động quản lý và sử dụng năng lượng một cách bền vững tại doanh nghiệp. 

Những tín hiệu tích cực

Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường (SCL) là một trong những doanh nghiệp tiên phong tham gia Chương trình VAS trong năm 2023. Ông Vũ Văn Chiến – Tổng Giám đốc SCL cho biết, là một doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Ban giám đốc công ty luôn quan tâm đến tiết kiệm năng lượng và sản xuất bền vững. “Áp lực” và niềm vui của đội ngũ kỹ thuật là liên tục tìm kiếm các giải pháp cải tiến, công nghệ mới nhằm tối ưu hóa các quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nhà máy, ông Chiến chia sẻ.  
Với sự hỗ trợ của Chương trình đã giúp Công ty phát hiện nhiều cơ hội, giải pháp nâng cao đáng kể hiệu quả sử dụng năng lượng như cải tạo hệ thống hơi và thu hồi nước chưng áp suất cao, tối ưu hóa quá trình đốt của lò hơi, cải tạo hệ thống thu hồi nhiệt khí thải v.v..
Trên cơ sở này, Ban Giám đốc doanh nghiệp đã lựa chọn giải pháp ưu tiên và đề xuất nhận hỗ trợ kỹ thuật từ Chương trình DEPP3 để thực hiện nghiên cứu khả thi, sẵn sàng tiến tới đầu tư thực hiện giải pháp ngay khi có kết quả nghiên cứu. 
Ông Vũ Văn Chiến – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường đánh giá Chương trình VAS là chương trình rất ý nghĩa đối với các doanh nghiệp sản xuất nói chung và với Công ty CP Sông Đà Cao Cường nói riêng. 
“Chúng tôi đánh giá Chương trình do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện với sự phối hợp của Đan Mạch rất tốt cho các đơn vị sản xuất nói chung và doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như Công ty CP Sông Đà Cao Cường nói riêng. Chương trình đã chỉ giúp doanh nghiệp các phương pháp để kiểm toán năng lượng, những giải pháp đồng bộ đảm bảo được tiết kiệm năng lượng”.
Ông Vũ Văn Chiến – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường.
Tương tự, Công ty TNHH NatSteel Vina cũng là một trong 04 doanh nghiệp tham gia thí điểm Chương trình VAS năm 2023. Qua khảo sát và đánh giá cho thấy doanh nghiệp có nhiều cơ hội cải thiện hiệu quả năng lượng. Một trong những giải pháp đề xuất ưu tiên là cải tạo lò nung RHF nhằm tối ưu hóa quá trình đốt. Giải pháp không chỉ giúp cải thiện hiệu suất lò, giảm thiểu khí thải mà còn đem lại lợi ích nằm ngoài mục tiêu ban đầu là giảm hình thành vảy oxit trên phôi thép.
Tính toán sơ bộ cho thấy, giải pháp có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm, thông qua giảm lượng dầu FO tiêu thụ và giảm hao mòn nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ giảm khoảng 440 tấn phát thải CO2/năm. Thời gian hoàn vốn của dự án dự kiến dưới 2 năm.
Ông Lê Khắc Giang – Phó Ban quản lý năng lượng, Phó Trưởng phòng sản xuất Công ty TNHH NatSteel Vina cho biết: “Trước đây, công ty cũng đã mời một số đơn vị tư vấn để tìm phương án nâng cấp hệ thống điều khiển lò nung nhưng không đạt kết quả. Sau khi tiếp cận báo cáo tiền khả thi của Dự án đã cho phép công ty nhận diện được những tiềm năng và phương pháp áp dụng công nghệ để cải tiến hiệu suất lò nung”.
Bộ Công Thương đã tổ chức một số hội thảo giới thiệu Chương trình VAS tới các doanh nghiệp trên cả nước.
Từ những tín hiệu tích cực ban đầu, Chương trình VAS phần nào chứng minh được tính hiệu quả trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật, tiến tới nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn về các tiềm năng tiết kiệm năng lượng, tiến gần hơn tới quyết định đầu tư cho hiệu quả năng lượng. 
Trên cơ sở xem xét kết quả thí điểm của Chương trình, Bộ Công Thương sẽ cân nhắc đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách để áp dụng và nhân rộng mô hình này trong thời gian tới với mục tiêu đạt lợi ích kép về kinh tế và môi trường cho cả nhà nước và doanh nghiệp để cùng góp phần thực hiện mục tiêu về đảm bao an ninh năng lượng quốc gia, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 
Bộ Công Thương đã xây dựng website Chương trình VAS tại địa chỉ: https://vas.depp3.vn/ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thông tin chính thức về các dự án, hỗ trợ... và cách thức đăng ký tham gia Chương trình.
Website Chương trình VAS không chỉ là nơi cung cấp thông tin mà còn là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chương trình DEPP3