Thứ năm, 23/01/2025 | 06:20 GMT+7

KOICA hợp tác Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật tiết kiệm năng lượng

16/09/2024

Sáng 11 tháng 9 tại Hà Nội, Bộ Công Thương Họp khởi động phát triển hướng dẫn kỹ thuật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho các ngành công nghiệp Việt Nam.

Cuộc họp nằm trong khuôn khổ Dự án "Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam". Dự án được triển khai từ năm 2021 đến năm 2025 do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Bộ Công Thương là cơ quan quản lý.
Cuộc họp có sự tham gia của các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững Hàn Quốc (SDMI); thành viên dự án KOICA; đại diện các đơn vị tư vấn, kiểm toán năng lượng trong nước; cùng một số nhà khoa học trong lĩnh vực năng lượng và tiết kiệm năng lượng.
Cuộc họp có sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế
Cuộc họp nhằm mục tiêu xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho một số ngành công nghiệp trọng điểm tại Việt Nam, tạo cơ hội để các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ các thông tin tổng quan về bối cảnh chung của từng ngành, phương pháp luận, phạm vi công việc, tiến độ thực hiện. 
Đối với ngành thép và xi măng, ông Nguyễn Thanh Hà, đại diện Công ty Cổ phần RCEE NIRAS đã trình bày các nội dung thực trạng sử dụng năng lượng, phương pháp và tiến độ thực hiện tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho ngành. Thép và xi măng là các ngành có tiềm năng lớn trong việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Do đó, các nhóm giải pháp được đề xuất bao gồm: giải pháp vận hành, quản lý; giải pháp đầu tư cho công nghệ và thiết bị tiết kiệm năng lượng; giải pháp cải tiến công nghệ và thiết bị sản xuất.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Công ty Cổ phần RCEE NIRAS
Theo đại diện RCEE NIRAS, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho ngành thép và xi măng được đơn vị xây dựng theo bố cục và điển hình trực quan sinh động, dễ hiểu, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện. Đơn vị sẽ xây dựng các bài tập tình huống và phân loại giải pháp phù hợp với các doanh nghiệp trong điều kiện thực hiện. RCEE NIRAS,kỳ vọng cuối tháng 4 năm 2025 sẽ đưa ra sản phẩm cuối cùng để dự án và trình Bộ Công Thương. 
Đối với ngành sản xuất bia và nước giải khát, bà Tăng Thị Hồng Loan, giám đốc Công ty CP tư vấn EPRO báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật về hiệu quả năng lượng cho ngành. Trong quá trình thực hiện, EPRO đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp trong việc phối hợp thực hiện sổ tay hướng dẫn kỹ thuật.
Bà Tăng Thị Hồng Loan, Giám đốc Công ty CP tư vấn EPRO  
EPRO đã tiến hành thực hiện khảo sát các doanh nghiệp trong ngành về việc thực hiện Thông tư số 19/2016/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng và phương pháp xác định suất tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát giai đoạn đến hết năm 2020 và giai đoạn từ năm 2021  đến hết năm 2025. Việc khảo sát đã giúp đơn vị có được mạng lưới liên hệ giữa các doanh nghiệp rất chặt chẽ”, bà Loan nhấn mạnh.
Theo chia sẻ của EPRO, Thông tư số 19 chủ yếu tập trung đến định mức tiêu hao năng lượng nhưng để xây dựng được sổ tay đơn vị sẽ chú trọng nhiều về các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho ngành bia và nước giải khát. Tại cuộc họp, đại diện EPRO đã tập trung trao đổi, tham khảo và đề xuất một số giải pháp với các chuyên gia trong và ngoài nước để hoàn thiện các giải pháp đề ra. Phía EPRO cũng đặt ra một số câu hỏi liên quan đến việc có nên phân tách riêng nội dung sổ tay giữa phần bia và phần nước giải khát hay không?  Đồng thời tham khảo ý kiến các chuyên gia về tính chi tiết của tài liệu này.
Đối với ngành sản xuất giấy và ngành dệt may, các đại biểu tham gia cuộc họp đã được lắng nghe ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM) trình bày các bước thực hiện tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sử dụng năng lượng tiết kiệm năng lượng cho ngành.
Ông Mã Khai Hiền -  Giám đốc ENERTEAM 
Ông Mã Khai Hiền cho biết, Việt Nam có hơn 6000 doanh nghiệp dệt may, trong đó các doanh nghiệp trọng điểm bao gồm: 169 doanh nghiệp dệt nhuộm và 128 doanh nghiệp may. Ngành dệt may Việt Nam chiếm gần 8% nhu cầu năng lượng của toàn ngành công nghiệp và phát thải gần 5 triệu tấn CO2 mỗi năm. Enerteam bày tỏ mong muốn tham khảo ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế để cẩm nang cô đọng nhất, giúp người sử dụng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. 
Với lợi thế là một doanh nghiệp có nhiều cơ sở dữ liệu về kiểm toán năng lượng của các doanh nghiệp ngành dệt may và giấy trong nhiều năm qua, Enerteam dự kiến đến tháng 5 năm 2025 sẽ hoàn thiện đề cương tài liệu hướng dẫn”, ông Mã Khai Hiền thông tin thêm.
Ông Kim Min Chul, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững Hàn Quốc (SDMI) chia sẻ chi tiết về hướng phát triển các tài liệu 
Xuyên suốt buổi họp, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng nhau đan xen thảo luận và đóng góp các ý kiến để xây dựng và hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về hiệu quả năng lượng cho ngành công nghiệp tại Việt Nam theo đúng tiến độ. 
Ông Lê Tuấn Phong - đại diện nhóm chuyên gia trong nước trao đổi tại cuộc họp
Đại diện cho nhóm chuyên gia trong nước, ông Lê Tuấn Phong đề xuất phía Hàn Quốc sớm đưa ra cấu trúc chung cho tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của các ngành để hỗ trợ Việt Nam triển khai. Đồng thời mong muốn phía Hàn Quốc sẽ chia sẻ thêm các công nghệ mới nhất của Hàn Quốc để cung cấp thêm dữ liệu cho Việt Nam trong quá trình triển khai xây dựng tài liệu.
Đại diện nhóm chuyên gia Hàn Quốc
Cuối buổi họp, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững Hàn Quốc (SDMI) cũng đã chia sẻ chi tiết về hướng phát triển cho các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cải thiện hiệu quả năng lượng cho một số ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam. Các tài liệu phía SDMI cung cấp đều đã được Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc thông qua và SDMI sẵn sàng chia sẻ đến các đối tác Việt Nam.
Minh Khuê