Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:59 GMT+7

Tham vấn kỹ thuật sửa đổi định mức năng lượng ngành giấy và bột giấy

17/09/2024

Các doanh nghiệp ngành giấy tiêu thụ khoảng 5% tổng năng lượng tiêu thụ trong tất cả các ngành công nghiệp, với 3 sản phẩm trọng tâm bao gồm giấy bao bì, giấy tissue, giấy in - viết không tráng phủ.

Cuộc họp nằm trong khuôn khổ Dự án "Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam". Dự án tài trợ bởi Cơ Quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Bộ Công Thương là cơ quan quản lý.
Ông Lại Đức Tuấn, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) 
Trong giai đoạn 2019 - 2023, ngành giấy Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ từ 13 - 15%/năm. Cụ thể, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp ngành giấy tăng 10,49%/năm, sản xuất tăng 13,28%/năm, tiêu thụ tăng 5,7%/năm, xuất khẩu tăng 33,64%/năm. Trong đó, các doanh nghiệp ngành giấy tiêu thụ khoảng 5% tổng năng lượng tiêu thụ trong tất cả các ngành công nghiệp, với 3 sản phẩm trọng tâm bao gồm giấy bao bì, giấy tissue, giấy in - viết không tráng phủ. 
Phát biểu cuộc họp, ông Lại Đức Tuấn, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết trong khuôn khổ hợp tác, Cơ Quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng và sửa đổi định mức sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp giấy, từ đó góp phần đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng ngành giấy và bột giấy.
Chia sẻ về tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành giấy, ông Lương Đức Hiếu, Chánh văn phòng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết: Ngành giấy là một trong 5 ngành công nghiệp có mức độ tiêu thụ nhiều năng lượng lớn nhất thế giới - đứng vị trí thứ 5 và tỷ trọng sử dụng năng lượng chiếm tới 4% năng lượng toàn cầu mỗi năm. 
Năm 2023, Việt Nam có 500 doanh nghiệp sản xuất giấy và bột giấy. Trong đó, chỉ có 20 doanh nghiệp có công suất lớn, chiếm khoảng 65% tổng công suất ngành giấy. Tuy nhiên, ngành giấy đang có tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 15 - 18%, nhu cầu năng lượng của ngành giấy sẽ tăng cao trong thời gian tới. Do đó, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành là rất cao và là ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Ngành giấy đang có tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 15 - 18%, nhu cầu năng lượng của ngành giấy sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp ngành giấy đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng về công nghệ kỹ thuật điển hình trong sản xuất giấy được ban hành kèm theo Thông tư số 24/2017/TT-BCT ngày 23 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Nhờ áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng được đề xuất, các công ty ngành giấy đã tiết kiệm được lượng năng lượng lớn. 
Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã giảm mức tiêu thụ năng lượng từ 15.467MJ/tấn năm 2020, xuống còn 12.623 MJ/tấn năm 2023. Công ty Cổ phần Giấy An Hòa có tiềm năng tiết kiệm được 9.932.443 kWh điện/năm, 8089,3 tấn than/năm, tương đương 33,8 tỷ đồng. 
Trong cuộc họp, các chuyên gia trong nước đã trình bày kết quả rà soát Thông tư 24, đề xuất phương pháp nghiên cứu benchmarking. Theo đó, mục tiêu chính của dự án là thu thập và tính toán số liệu về định mức tiêu hao năng lượng làm đầu vào cho việc xây dựng Dự thảo nhằm xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng, đánh giá hiệu quả kinh tế của các cải thiện được đề xuất, và đề xuất các mục tiêu cho các cải thiện hiệu quả năng lượng.
Bà Nguyễn Thị Hương Liên, đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM) chia sẻ về kết quả rà soát Thông tư số 24/2017/TT-BCT. 
Theo đó, Thông tư số 24/2017/TT-BCT đã đưa ra các định mức tiêu hao năng lượng trong ngành giấy cho 3 nhóm sản phẩm chính: giấy bao bì, giấy tissue, giấy in viết. Trong quá trình thực hiện, dự án đã thu thập 200 mẫu dữ liệu từ các doanh nghiệp áp dụng thông tư. 
Nhận định về trở ngại khi áp dụng Thông tư số 24/2017/TT-BCT, bà Nguyễn Thị Hương Liên, đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM) cho biết: "Một số doanh nghiệp chưa nắm rõ công thức tính toán tại Thông tư. Ngoài ra, doanh nghiệp chưa có hệ thống đo lường đầy đủ để tính hệ số tiêu hao theo từng sản phẩm. Cuối cùng, hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể cho các công ty sử dụng năng lượng tự phát để tính định mức tiêu hao năng lượng".
 Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch và Dự thảo định mức sử dụng năng lượng ngành giấy
Để khắc phục các trở ngại trên và tích hợp các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ phương pháp benchmarking, bao gồm mục tiêu, phương pháp thực hiện cùng các kinh nghiệm quốc tế của phương pháp này. 
Ông Kim Min Chul, đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững Hàn Quốc (SDMI) đã chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng nghiên cứu chỉ số benchmark, thiết lập chỉ số benchmark, các dự án điển hình và mục tiêu xây dựng của chỉ số benchmark của Hàn Quốc trong ngành giấy. 
"Về việc nghiên cứu cường độ năng lượng của ngành này, Hàn Quốc cũng đã xây dựng nghiên cứu các chỉ số benchmark về cường độ năng lượng công nghiệp Hàn Quốc từ năm 2011. Hàn Quốc muốn chia sẻ cách xây dựng chỉ số và nghiên cứu chỉ số benchmark trong ngành công nghiệp nói chung và chung ngành giấy nói riêng. Nhìn chung, sẽ có những điểm giống và điểm khác về điều kiện ngành giấy Hàn Quốc và Việt Nam. Ngành công nghiệp giấy Việt Nam có thể xem xét và xây dựng mục tiêu phù hợp hơn" .
Cuộc họp cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu tập trung làm rõ các mục tiêu, yêu cầu và phương pháp thực hiện chỉ số benchmark.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch và Dự thảo định mức sử dụng năng lượng ngành giấy đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp ngành giấy trong quá trình thực hiện.
Hoàng Dương