Chủ nhật, 22/12/2024 | 18:49 GMT+7

Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng

03/04/2023

Ngày 31/3, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đã phối hợp với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU) tổ chức Hội thảo về “Tăng cường hợp tác trong khuôn khổ chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cho Việt Nam vào năm 2050”. Đây là hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin 2023.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực ASEAN, kèm theo tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa tăng nhanh. Từ năm 2002 đến 2021, GDP đầu người tăng 6,8 lần, đạt gần 3.743 USD. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã đặt ra những tầm nhìn phát triển tham vọng hơn, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh. Song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đang xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Các chuyên gia tham gia mục "hỏi và trả lời" tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Vũ Quang Minh nhấn mạnh, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đã đưa ra những cam kết táo bạo và tham vọng, đó là trở thành nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050, chỉ 5 năm sau thời hạn Đức đặt ra vào năm 2045.
"Đây là mục tiêu vô cùng thách thức không chỉ về công nghệ, kinh tế, tài chính mà còn cả các khía cạnh xã hội gắn với quá trình chuyển đổi lớn, trong đó có cả quyền và lợi ích của tất cả các dân tộc và các bên liên quan. Việt Nam rất cần sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác quốc tế để đạt được mục tiêu này" - Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức cho hay.
Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển CHLB Đức Jochen Flasbarth phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
Về phần mình, Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức Jochen Flasbarth cho rằng với lợi thế có công suất rất lớn từ năng lượng gió và Mặt trời, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia tiên phong trong tiến trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á. Chính phủ Việt Nam cũng đã chứng minh được các mục tiêu đầy tham vọng liên quan đến giảm thiểu biến đổi khí hậu và giảm phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện.
Ông Fasbarth khẳng định Đức sẵn sàng trở thành một đối tác đáng tin cậy hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Các giải pháp sẵn có của Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Đức nói riêng có thể được chuyển giao cho Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại.
Mặc dù con đường hướng tới mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 còn gian nan, nhưng với việc Đức có thể đạt được mục tiêu này vào năm 2045, những kinh nghiệm của Đức là rất hữu ích để các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đưa ra lộ trình phù hợp và hiệu quả cho các mục tiêu vào năm 2050.
Hương Linh