Thứ bảy, 21/12/2024 | 18:36 GMT+7

Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam tổ chức phiên họp lần thứ nhất của nhóm Công tác Kỹ thuật 1

07/11/2022

Sáng ngày 4 tháng 11 năm 2022, tại Hà Nội, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã tổ chức Phiên họp lần thứ nhất của Nhóm Công tác Kỹ thuật về quy hoạch chiến lược ngành điện.

Phiên họp được đồng chủ trì bởi ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương và ông Loui Algren - Cố vấn dài hạn, Chương trình Đối tác hợp tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (DEPP3). 
Phiên họp được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của các đại diện đến từ Bộ Công Thương; các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng; các tổ chức quốc tế; các tổ chức tài chính là thành viên của VEPG (Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam),... 
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tham dự phiên họp. 
Mục đích của phiên họp nhằm cập nhật thông tin của Bộ Công Thương về những chính sách, định hướng quốc gia cho ngành năng lượng theo hướng chuyển dịch năng lượng bền vững. Đồng thời, chia sẻ từ góc nhìn quốc tế về những cơ hội, thách thức cho ngành điện Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050; đi tới thống nhất các chủ đề trọng tâm cho nhóm Công tác Kỹ thuật số 1 về Quy hoạch chiến lược ngành điện trong năm 2023.
Phát biểu khai mạc phiên họp, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh: “Phát triển điện lực nói riêng và phát triển năng lượng nói chung có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Do đó, phát triển ngành điện và năng lượng luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Trong những năm qua, ngành điện Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò chủ đạo của mình. Từ một hệ thống điện quy mô nhỏ, đến nay hệ thống nguồn và lưới điện của Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực Asean về công suất nguồn điện với tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống điện đạt trên 78.000 MW”. 
Ông Nguyễn Anh Tuấn -  Phó Cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc phiên họp.
Tại phiên họp, các đại biểu đã được lắng nghe tham luận của đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương về định hướng chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Theo đó, trọng tâm chuyển dịch năng lượng trong giai đoạn tới chủ yếu ở các lĩnh vực giao thông đường bộ, công nghiệp - xây dựng và phát triển năng lượng tái tạo.
Một số giải pháp được Bộ Công Thương đề xuất để chuyển dịch năng lượng bao gồm: Rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách; Ứng dụng các thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trong xây dựng, quản lý vận hành hệ thống năng lượng/ hệ thống điện. Đồng thời, xây dựng,hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hướng dẫn đảm bảo tính linh hoạt của nhà máy điện xây dựng mới, giải pháp nâng cao mức độ linh hoạt của các nhà máy điện hiện hữu. Đặc biệt, cần đào tạo và thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc phát triển và vận hành hệ thống năng lượng hiện đại.
Về chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam, ông Loui Algren - Cố vấn dài hạn của Chương trình DEPP3 đã chỉ ra các mục tiêu cho cách tiếp cận và xây dựng kịch bản tổng thể. Theo đó, Việt Nam cần xây dựng kế hoạch cho điện khí hoá quy mô lớn các ngành giao thông và công nghiệp, cần lập quy hoạch tổng thể và toàn diện. Đồng thời, đảm bảo sử dụng hệ chiết khấu kinh tế - xã hội chính xác cho việc lập kế hoạch của Chính phủ.
Ông Loui Algren chia sẻ các kịch bản chuyển dịch trong ngành điện và các khuyến nghị cho Việt Nam.
Dưới góc nhìn công nghệ, các đại biểu đại diện cho các cơ quan, các tổ chức quốc tế đã chia sẻ những phương án khả thi cho quy hoạch ngành điện. Cụ thể như giải pháp hiệu quả nhất về chi phí để cân bằng hệ thống điện đến năm 2050; các phương án về lộ trình đạt trung hòa các bon cho các doanh nghiệp nhà nước.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã trao đổi về những chủ đề trọng tâm của nhóm Công tác Kỹ thuật 1 trong cách thức phân bổ quy mô nguồn, nhất là nguồn năng lượng tái tạo cho các địa phương, đảm bảo phù hợp với quy hoạch điện 8; quy hoạch đấu nối nguồn điện, lưới điện phù hợp quy hoạch quốc gia và quy hoạch tỉnh; giải pháp kiểm soát tiến độ dự án điện đã được quy hoạch; tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế giữa đồng đốt hydro và khí hóa lỏng (LNG) trong tuabin khí và amoniac với than trong các nhà máy nhiệt điện than.; vai trò của hydrogen và của khả năng lưu trữ năng lượng trong hệ thống điện đến năm 2050
Thông qua phiên họp, các đại biểu cũng có cơ hội trao đổi thẳng thắn, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các ý tưởng, kế hoạch để đưa ngành điện Việt Nam phát triển ổn định, lâu dài và bền vững.
Hoạt động của các nhóm Công tác Kỹ thuật khác trong năm 2022:
Nhóm Công tác Kỹ thuật 2: Năng lượng tái tạo
Phiên họp lần thứ nhất diễn ra vào ngày 14/4 tại tỉnh Ninh Thuận với các chủ đề thảo luận: Điện gió ngoài khơi, Điện sinh khối, Luật năng lượng tái tạo, Hydrogen xanh, thị trường năng lượng sinh học, điện rác, khung mua sắm.
Nhóm Công tác Kỹ thuật 3: Tích hợp lưới và hạ tầng lưới điện
Phiên họp lần thứ nhất diễn ra vào ngày 26/6 tại thành phố Huế với các chủ dề thảo luận:  Tích hợp năng lượng tái tạo biến đổi, lưới điện thông minh, quy chuẩn nối lưới, hệ thống lưu trữ năng lượng, năng lượng tái tạo phân tán,...
Nhóm Công tác Kỹ thuật 4: Hiệu quả năng lượng
Phiên họp lần thứ nhất diễn ra vào ngày 12/5 tại TP. Hồ Chí Minh với các chủ đề: Chính sách và cơ chế đối với sử dụng năng lượng hiệu quả: chính sách về ESCO, cơ chế tài chính cho các dự án hiệu quả năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà; rà soát/ sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nâng cao năng lực về hiệu quả năng lượng.
Nhóm Công tác Kỹ thuật 5: Thị trường năng lượng
Phiên hợp lần thứ nhất diễn ra vào ngày 27/5 tại Bình Thuận với các chủ đề thảo luận: Thị trường buôn bán điện cạnh tranh; Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA); Thị trường các bon; Giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Tố Quyên - Phương Loan