Thứ bảy, 14/09/2024 | 08:04 GMT+7

Cần sớm có cơ chế thúc đẩy chương trình điều chỉnh phụ tải điện Việt Nam

27/06/2022

Ngày 23/6, Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công Thương đã phối hợp với tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thào "Tổng kết nghiên cứu, thiết kế thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện Việt Nam".

Ngày 23/6, Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công Thương đã phối hợp với tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo "Nghiên cứu, thiết kế thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện Việt Nam". Đây là một phần nội dung quan trọng nằm trong dự án “Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng”.
Đại diện Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết: “Nghiên cứu trên được thực hiện nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ và của Bộ Công Thương về thực hiện Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (Chương trình DR) nằm trong Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Chương DR được xác định sẽ bao gồm các chương trình theo cơ chế khuyến khích tài chính trực tiếp, chương trình thông qua cơ chế giá điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện thông qua ưu đãi phi thương mại và chương trình tham gia tự nguyện của khách hàng sử dụng điện. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia 1.000 MW vào năm 2025, và 2.000 MW vào năm 2030."
Để triển khai thực hiện các Chương trình DR, Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định cần phải xây dựng và ban hành đầy đủ và đồng bộ cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, cơ chế khuyến khích bao gồm cả cơ chế quản lý, giám sát việc thực hiện phù hợp với các giải pháp về tài chính. Đồng thời, Việt Nam đã, đang tham khảo kinh nghiệm quốc tế, qua đó đề xuất hoàn thiện khung pháp lý cho các chương trình điều chỉnh phụ tải điện của Việt Nam.
Việc điều chỉnh phụ tải điện đóng góp vai trò quan trọng để nguồn điện ổn định, an toàn và tiết kiệm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các thông tin về cơ chế khuyến khích tài chính trên cơ sở tín hiệu giá (CPP), cơ chế khuyến khích tài chính trực tiếp và phương pháp phân tích chi phí - lợi ích của các cơ chế khuyến khích. Đồng thời, tiếp cận thông tin về chương trình DR ở các quốc gia Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Pháp do đại diện GIZ và đơn vị tư vấn trình bày.
Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh EVN cho biết, chương trình DR đã được EVN triển khai thí điểm từ năm 2015. Tới năm 2021, 2022, các đơn vị điện lực của EVN đã ký thỏa thuận thực hiện DR phi thương mại với hơn 10.000 khách hàng, tiềm năng DR đạt khoảng 2.100MW.
“Chương trình DR phi thương mại hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện tham gia của khách hàng. Phía EVN cũng cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ tới các khách hàng tham gia DR. Tuy nhiên, do đây là chương trình tự nguyện, chưa có cơ chế tài chính cho khách hàng, do đó, rất khó khăn để triển khai lâu dài. Cần sớm có cơ chế DR thương mại, cơ chế cho các tổ chức trung gian tham gia sâu rộng vào thị trường DR và dịch vụ phụ trợ” – ông Trần Viết Nguyên cho hay.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ các vướng mắc trong triển khai DR phi thương mại; đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả chương trình DR tại Việt Nam trong thời gian tới.
Chương trình điều chỉnh phụ tải điện là một trong những nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện, góp phần bảo đảm cân bằng cung cầu điện, tối ưu hóa hệ thống điện, nâng cao độ tin cậy và an toàn cung cấp điện, giá trị dịch vụ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; góp phần giảm tác hại môi trường; bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển bền vững.
Chương trình góp phần giảm hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện vùng/miền hoặc tại các khu vực lưới điện bị quá tải cục bộ. Đối với ngành Điện, chương trình giảm chi phí quản lý điều hành, chi phí phục vụ, nâng cao hiệu suất và tính linh hoạt trong vận hành; giảm nhu cầu về vốn đầu tư; nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
Khánh An