Thứ bảy, 20/04/2024 | 03:25 GMT+7

Tăng cường năng lượng sinh học trong cân bằng lưới điện

16/06/2022

Vừa qua, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ phối hợp tổ chức hội thảo tham vấn vai trò của năng lượng sinh học cân bằng lưới điện tại Việt Nam.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường sinh học bền vững tại Việt Nam” (BEM), do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Tổ chức GIZ phối hợp thực hiện. Dự án BEM do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng của Liên bang Đức thông qua Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IKI) tài trợ.  
Tăng cường sự tham gia của năng lượng sinh học trong trong cân bằng lưới điện. (Ảnh: GIZ) 
Hội thảo tập trung vào việc chia sẻ kết quả nghiên cứu và tham vấn ý kiến của các đại biểu về vai trò của năng lượng sinh học đối với việc cân bằng lưới điện ở Việt Nam. Cụ thể, các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế đã trình bày về vai trò của năng lượng tái tạo trong cân bằng lưới điện ở Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng khung chính sách, thành công của một số nước trong việc huy động năng lượng sinh học để cân bằng lưới điện.
Dựa vào kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị để tăng cường sự tham gia của năng lượng sinh học trong cân bằng lưới điện ở Việt Nam, chẳng hạn như điều chỉnh biểu giá FiT cho năng lượng sinh học (sinh khối và khí sinh học) theo chuẩn quốc tế (ASEAN), xác định các cơ chế khuyến khích phát điện theo mùa và theo vùng miền tương tự mô hình chi phí tránh được, mô hình hợp đồng dài hạn (tương tự Thái Lan) để đảm bảo các điều kiện vận hành an toàn và tính khả thi, các ưu đãi đối với đối với các nhà máy điện cung cấp dịch vụ lưới điện giới hạn công suất thấp hơn 30 MW, ví dụ có thể áp dụng mức công suất 2 - 5 MW .  
Tại hội thảo, đại diện Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi đã trình bày về mô hình thực tiễn sản xuất điện từ sinh khối tại nhà máy điện sinh khối An Khê (Gia Lai). Đây cũng là địa điểm mà các đại biểu tham quan thực địa trong ngày thứ 2 của hội thảo.
Sau các phần trình bày, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp ý kiến thẳng thắn cho các nghiên cứu trình bày tại hội thảo. Dựa vào đó, các chuyên gia tư vấn sẽ tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu.
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, công suất lắp đặt năng lượng sinh khối đến năm 2030 của Việt Nam là 1.730 MW. Tuy nhiên đến nay mới lắp đặt được 350 MW. Như vậy, từ giờ đến năm 2030, muốn đạt được mục tiêu trên, cần có sự vào cuộc của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Khánh An