Tuổi Trẻ trò chuyện với ông Alok Sharma về chuyển đổi năng lượng xanh và những cơ hội, thách thức với Việt Nam.
Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch COP26 Alok Sharma và Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải) tại buổi làm việc - Ảnh: ĐSQ ANH
Xin ông chia sẻ về chuyến công tác đến Việt Nam từ ngày 13 tới 15-2 lần này?
Ông Alok Sharma: Thật tuyệt khi được trở lại Việt Nam. Năm ngoái tôi đã đến đây trước Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26). Tháng 11-2021, chúng ta đã đạt được thỏa thuận lịch sử Glasgow.
Tất nhiên, điều quan trọng hiện tại là cần hiện thực hóa các cam kết. Tại Việt Nam, tôi đã gặp ngài Thủ tướng và các bộ trưởng để nói về những cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam khi hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như những cơ hội tăng trưởng cho việc làm thông qua quá trình này.
Theo tôi, mục tiêu này không chỉ tốt cho môi trường mà còn cho cả kinh tế và việc làm. Và tôi cho rằng việc đưa ra một chiến lược phát triển xanh sẽ có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam và mọi quốc gia khác.
Điều gì ông thấy ấn tượng trong nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện thực hóa cam kết COP26?
Ông Alok Sharma: Có những cơ hội rất lớn ở Việt Nam khi các bạn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng cũng là nước chịu rủi ro lớn từ biến đổi khí hậu.
Tôi cho rằng thời điểm này Việt Nam đang đứng trước các cơ hội lớn và những cuộc thảo luận tôi tham gia không chỉ liên quan đến năng lượng mà cả giao thông, phát triển bền vững. Do đó, tôi thấy được một phương án tiếp cận tổng thể từ chính phủ.
Tôi cảm thấy ấn tượng trước việc Thủ tướng đã nhanh chóng triển khai ủy ban quốc gia và đích thân đứng đầu ủy ban này. Điều này mang lại lòng tin lớn cho nhà đầu tư nước ngoài. Tôi đã gặp nhiều doanh nghiệp, họ đều rất hứng thú với việc đầu tư vào Việt Nam.
Tôi cho rằng tới cuối năm nay, chúng ta sẽ thấy những tiến triển lớn ở khía cạnh đầu tư và hỗ trợ cho Việt Nam.
Thưa ông, là một nước đang phát triển, để Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chi phí sẽ rất lớn. Ông có đề xuất nào để việc này bớt "đắt đỏ" hơn?
Ông Alok Sharma: Điều đầu tiên mà tôi muốn nói với tất cả quốc gia, không chỉ Việt Nam, chi phí cơ hội để hành động là rất lớn, thay vì trì hoãn. Khi chúng ta không thể tránh được thì cần hành động ngay. Điều này cũng đúng với Anh khi chúng tôi đã tính toán cụ thể chi phí nếu không hành động kịp thời. Ở Anh, chúng tôi đã cắt giảm khí thải 40% nhưng vẫn tăng trưởng kinh tế khoảng 80% trong 30 năm qua, đây là mức cao nhất trong khối G7 và cả G20 những năm gần đây.
Nên tôi cho rằng có cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng rõ ràng sẽ tốn kém. Một trong những vấn đề được thảo luận trong cuộc làm việc của chúng tôi là cách để cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam.
Tôi đã trao đổi rất cởi mở về cách các đối tác phát triển có thể cùng tính toán một gói hỗ trợ cho Việt Nam vào năm tới, đây cũng sẽ là mục tiêu của chúng tôi trong năm nay. Và tất nhiên, sẽ cần các quy định rõ ràng để thu hút khối tư nhân.
Làm sao để người lao động trong những ngành năng lượng truyền thống không bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh? Kinh nghiệm ở Anh thế nào?
Ông Alok Sharma: Đây là điểm rất quan trọng. Tại COP26, chúng tôi đã công bố việc các đối tác phát triển hỗ trợ Nam Phi chuyển đổi năng lượng với giá trị lên tới 8,5 tỉ USD.
Với Việt Nam, chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác để xem họ có thể hỗ trợ Việt Nam thế nào. Nhưng rõ ràng quá trình chuyển đổi năng lượng ở các nước phát triển và đang phát triển không có quá nhiều khác biệt. Ở Anh, chúng tôi đã giảm từ 40% năng lượng điện từ than đá xuống còn dưới 2% trong 10 năm trước. Và tới 2024, chúng tôi sẽ không còn sử dụng than đá để sản xuất điện.
Vài tháng trước, tôi đến thăm một dự án nhiệt điện ở Anh. Nhiều người làm việc ở đây từng làm trong lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ, những kỹ năng của họ được áp dụng trực tiếp trong lĩnh vực mới.
Tôi cho rằng đây là cách chúng ta có thể giúp những người này đảm bảo cuộc sống, qua đó giúp quá trình chuyển đổi hiệu quả hơn.
Các doanh nghiệp lớn ngày càng chú trọng đầu tư "xanh"
Đã có nhiều quan tâm đầu tư vào Việt Nam, mới đây là dự án của Lego. Theo ông, đâu là yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn với đối tác nước ngoài?
Ông Alok Sharma: Tôi cho rằng đầu tiên là vì mức tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam. Các bạn có một chính phủ rất năng động, một Thủ tướng năng động muốn thu hút dòng vốn đầu tư.
Như bạn thấy, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đưa ra cam kết cắt giảm khí thải ròng về 0 vào năm 2050. Và khi nhìn vào kế hoạch đầu tư, họ muốn đảm bảo nơi đó có môi trường phù hợp với tầm nhìn của họ.
Trong trường hợp của Lego, họ muốn dùng năng lượng sạch cho nhà máy, và tôi cho rằng đây là xu hướng ngày càng nhiều trong tương lai khi các tập đoàn toàn cầu sẵn sàng đầu tư vào các nước đang phát triển với tiềm năng lớn, đồng thời đảm bảo tiếp tục đáp ứng các cam kết cắt giảm khí thải.