Thứ sáu, 27/12/2024 | 18:32 GMT+7

Việt Nam – Đức chung tay phát triển năng lượng bền vững

13/10/2021

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo với tầm nhìn dài hạn về chuyển dịch năng lượng bền vững.

Không chỉ có sự vào cuộc của tất cả Bộ, ban, ngành trong cả nước, sự hỗ trợ và hợp tác từ cộng đồng quốc tế đã có những đóng góp giúp Việt Nam từng bước thực hiện cam kết của mình. Trong đó, hỗ trợ từ phía Chính phủ Đức đã góp phần không nhỏ vào những thành công của quá trình phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Hệ thống tấm quang điện mặt trời trên mái nhà. (Nguồn: GIZ Việt Nam)
Lĩnh vực hợp tác ưu tiên
Trong 10 năm trở lại đây, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững luôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ giữa Việt Nam và Đức. Đức hiện là một trong số các nước tài trợ lớn nhất cho Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời đã xếp Việt nam trở thành “Nước Đối tác toàn cầu” trong khuôn khổ chiến lược mới về hợp tác phát triển của Chính phủ Đức.
Kể từ năm 2009, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu thúc đẩy năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và lưới điện thông minh. Hợp tác Việt Nam và Đức trong phát triển năng lượng gió bắt đầu từ năm 2009 mà thành quả là việc Chính phủ Việt Nam ban hành biểu giá điện gió đầu tiên năm 2011.
Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (viết tắt là GIZ ESP) với đối tác chiến lược là Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA), Cục Điều tiết Điện lực (ERAV), Quốc hội (NA), Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và Ban Kinh tế Trung ương (CEC); các nhà tài trợ chính là Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức (BMZ), Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Đức (BMU), Bộ các vấn đề Kinh tế và Năng lượng Đức (BMWi) và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức (BMBF), đã và đang thực hiện hàng loạt các dự án tư vấn chính sách, nâng cao năng lực và hợp tác công nghệ về năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, lưới điện thông minh, năng lượng sinh học, điện gió và tích hợp điện mặt trời trong nông nghiệp.
Mục tiêu của ESP là góp phần thực hiện chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, thông qua việc đẩy mạnh khung chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân, và nâng cao năng lực chuyên môn cũng như năng lực quản lý của các tổ chức và các bên liên quan.
Chương trình ESP đã hỗ trợ nhiều hoạt động nghiên cứu, tư vấn và đề xuất với Chính phủ Việt Nam các cơ chế khuyến khích nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững; nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư, công ty tư vấn, ngân hàng thương mại, trường đại học, viện nghiên cứu, các cán bộ ở địa phương và trung ương; hỗ trợ các nhà đầu tư và tăng cường các điều kiện tiền đề về khung pháp lý và quy định.
Đồng thời, Chương trình cũng đã thực hiện các khóa đào tạo về kỹ thuật và tài chính cho cán bộ nhà nước và khối tư nhân. Trải qua 12 năm triển khai thực hiện, Chương trình ESP đã cung cấp hỗ trợ tài chính để thực hiện 174 nghiên cứu kỹ thuật với sự tham gia của nhiều chuyên gia cao cấp ở Việt Nam và trên thế giới, trong đó có 55 nghiên cứu hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách của các đối tác Việt Nam như các nghiên cứu cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn kinh nghiệm của các nước về cơ chế giá FIT cho điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, cơ sở dữ liệu về hệ thống thông tin năng lượng quốc gia, chương trình hiệu quả năng lượng, tiêu chuẩn lưới điện và nhiều cơ chế chính sách khác.
Bên cạnh đó, chương trình cũng đã tổ chức gần 100 hội thảo với quy mô khác nhau với gần 9.000 lượt đại biểu tham dự, bao gồm đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng cũng như các chuyên gia trong nước. Chương trình cũng đã tổ chức 49 khóa đào tạo chuyên sâu trong nước cũng như ở nước ngoài cho gần 2.400 lượt học viên Việt Nam trong nhiều lĩnh vực đa dạng như điện gió, sinh khối, lưới điện thông minh…
Nỗ lực phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững
Thông qua những hoạt động của mình, chương trình ESP đã góp phần thúc đẩy cung cấp điện từ năng lượng sạch đến cho hơn 540.000 người dân Việt Nam, tăng cường đầu tư từ khối tư nhân vào năng lượng sạch với tổng vốn đầu tư trên 112 triệu USD, góp phần giảm phát thải khí CO2 ở Việt Nam với lượng cắt giảm gần 3.5 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Phụ phẩm nông nghiệp như bã mía là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện sinh khối. (Nguồn: GIZ Việt Nam)
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 11,4% tổng sản lượng sản lượng điện quốc gia của Việt Nam và tiếp tục xu hướng ngày càng tăng lên. Đây là kết quả khả quan đến từ nỗ lực phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững của Chính phủ Việt Nam cũng như hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, trong đó có GIZ Việt Nam.
“Với sự phát triển tích cực của năng lượng tái tạo tại Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các dự án với các đối tác chiến lược như Quốc hội, EVN, PVN, ERAV và đặc biệt là Bộ Công Thương. Xu hướng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam đang diễn ra từ nguồn than đá truyền thống sang các nguồn năng lượng tái tạo với hiệu quả cao hơn như năng lượng mặt trời, gió.
Trong thời gian tới, Chương trình ESP sẽ tiếp tục triển khai các dự án về phát triển điện mặt trời mái nhà trong ngành công nghiệp và thương mại, phát triển thị trường sinh học bền vững, tích hợp nuôi trồng thủy sản và năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng… để hỗ trợ xây dựng khuôn khổ pháp lý cho chuyển dịch năng lượng với tầm nhìn dài hạn cũng như nâng cao năng lực cho các bên liên quan giúp Việt Nam sớm hoàn thành các mục tiêu Phát triển bền vững, nhất là hoàn thành các cam kết quốc tế như Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris…
Ví dụ như vào năm 2022, chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai Hệ thống tích hợp giữa nông nghiệp thủy sản và năng lượng tái tạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc kết hợp nuôi trồng thủy sản và năng lượng mặt trời sẽ tạo ra giá trị cho khu vực, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, khuyến khích phương pháp nuôi trồng thủy sản bền vững và tạo nền tảng chuyển giao kiến thức quốc tế và liên ngành”, ông Tobias Cossen – Giám đốc chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ chia sẻ.
Chương trình ESP sẽ tiếp tục mở rộng hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng với các Bộ, ban, ngành Chính phủ cũng như khối tư nhân, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức dân sự… giúp Việt Nam chuyển dịch năng lượng một cách bền vững, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát thải khí nhà kính.
Năm 2011, 3 tổ chức hợp tác phát triển của Đức gồm Tổ chức dịch vụ phát triển Đức (DED), Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) và Tổ chức bồi dưỡng và nâng cao năng lực quốc tế Đức (InWEnt) đã hợp lại thành một tổ chức, lấy tên là Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ). Sự sáp nhập này nhằm thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động trong lĩnh vực phát triển của Đức.
Theo: Baoquocte.vn