Thứ sáu, 01/11/2024 | 23:23 GMT+7

Vĩnh Phúc nỗ lực thay thế lò gạch thủ công bằng lò liên tục kiểu đứng

19/08/2010

Với hàng trăm doanh nghiệp sản xuất gạch ngói đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, Vĩnh Phúc đang nỗ lực thay thế lò gạch thủ công bằng lò liên tục kiểu đứng để tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, Vĩnh Phúc có trên 2.200 DN, trong đó có 2/3 là DN vừa và nhỏ. Ngành nghề của các DN rất đa dạng như chế biến thực phẩm, sản xuất dệt may, giày da, các sản phẩm từ gỗ, lâm sản; sản xuất giấy; sản xuất sắt thép… Đặc biệt, về gạch ngói, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có sản lượng gạch ngói nung vào loại cao nhất của nước ta. Cụ thể, với khoảng 900 cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công được phân bố trên 9 huyện thị, sản lượng gạch ngói của Vĩnh Phúc vào khoảng 900 triệu viên một năm.

 

lo gach lien tuc kieu dung.jpg


Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, giống như nhiều DN vừa và nhỏ khác trong cả nước, công nghệ sản xuất của đa số các DN của Vĩnh Phúc còn lạc hậu. Đa số các cơ sở sản xuất gạch ngói tại Vĩnh Phúc hiện vẫn còn sử dụng lò gạch thủ công. Điều này đã dẫn đến mức tiêu hao năng lượng của các DN này tương đối lớn, giá thành sản xuất ở mức cao và sức cạnh tranh của DN cũng bị hạn chế.

 

Không chỉ riêng các DN sản xuất gạch ngói, qua khảo sát sơ bộ về tình hình sử dụng năng lượng của các DN vừa và nhỏ của một số ngành trên địa bàn Vĩnh Phúc như: chế biến thực phẩm, sản xuất gạch ngói nung, sản xuất giấy, dệt may, giày da, sản xuất phôi thép tái chế, các doanh nghiệp đều sử dụng các nguồn năng lượng chính là điện, dầu và than. Mỗi năm, nguồn năng lượng các DN sử dụng khoảng trên 35 triệu kWh điện, hơn 124 nghìn tấn than và trên 776 nghìn lít dầu. Tương ứng với tốc độ sử dụng năng lượng này là khoảng trên 324 nghìn tấn CO2 được phát thải ra ngoài không khí trong quá trình sản xuất.

 

Theo đánh giá của Trung tâm ứng dụng KHCN tỉnh Vĩnh Phúc: "Điểm khó khăn lớn nhất của các DNNVV của Vĩnh Phúc là thiếu vốn cho nên dây chuyền công nghệ, thiết bị sản xuất của các DN còn lạc hậu, gây hao phí năng lượng lớn".

 

lo gach lien tuc kieu dung 02.jpg


Để khắc phục tình trạng này, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các DN trên địa bàn Vĩnh Phúc, UBND tỉnh đã ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.


Nổi bật trong đó là quyết định về việc điều chỉnh quy hoạch vật liệu xây dựng tỉnh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020", theo đó khẳng định "đến năm 2010 toàn tỉnh xóa bỏ hoàn toàn việc sản xuất gạch thủ công tại các huyện, thị, đồng thời khuyến khích các hộ tư nhân đầu tư chuyển đổi việc sản xuất gạch từ phương thức thủ công sang công nghệ nung gạch bằng lò nung liên tục kiểu đứng".

 

Để khuyến khích các DN, tỉnh đã có biện pháp hỗ trợ cụ thể cho các DN như mỗi lò gạch thủ công chuyển sang công nghệ nung liên tục kiểu đứng sẽ được hỗ trợ 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, các DN tham gia kiểm toán năng lượng và thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng sẽ được hỗ trợ 80 triệu đồng. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã đầu tư 800 triệu đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ kiểm toán năng lượng cho Trung tâm ứng dụng KHCN và tổ chức các chuyến thăm quan mô hình lò gạch liên tục kiểu đứng cho các DN tại các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội.

 

Sau hàng loạt những nỗ lực của tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh đã có 5 cơ sở xây dựng xong lò gạch liên tục kiểu đứng đưa vào vận hành và 18 cơ sở sản xuất gạch khác đang triển khai các thủ tục xây dựng lò nung gạch liên tục kiểu đứng. So với lò gạch cũ, bằng cách sử dụng lò gạch liên tục kiểu đứng, cứ 1 triệu viên gạch giúp giảm tiêu hao 85 tấn than cám 6; 917 tấn dầu; 9,67 tấn củi và giúp giảm phát thải 231,62 tấn khí CO2 so với kiểu sản xuất gạch truyền thống. Theo kế hoạch, trong năm 2010, toàn tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng thêm 10 lò gạch liên tục kiểu đứng để hạn chế số lò gạch thủ công còn vận hành trên địa bàn tỉnh.


Theo TBKTVN