Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:27 GMT+7

Thực hiện tiết kiệm năng lượng doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi

05/10/2009

Để nâng cao hiệu quả của sử dụng năng lượng tại các doanh nghiệp, Dự thảo Luật Tiết kiệm năng lượng và hiệu quả đã đề xuất áp dụng một số chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế, hỗ trợ đầu tư… và cho phép các chương trình, dự án tiết kiệm năng lượng do các doanh nghiệp thực hiện được vay vốn ưu đãi từ các Ngân hàng Phát triển, Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc hỗ trợ, Quỹ môi trường… Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chánh Văn phòng Tiết kiệm năng lượng - Bộ Công Thương đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Báo Người đại biểu nhân dân Thứ bảy.

- Xin Ông cho biết tình hình sử dụng năng lượng ở nước ta hiện nay ?
            - Do những giới hạn về khả năng công nghệ, tiềm lực tài chính, điều kiện kinh tế-xã hội, việc sử dụng năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nước ta còn rất lãng phí. Khảo sát gần đây của Bộ Công Thương cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, đông lạnh, sản xuất hàng tiêu dùng ... có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể tới trên 30%.
            Cường độ năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam cao hơn Thái Lan và Malaysia khoảng 1,5 - 1,7 lần, như vậy để làm ra cùng một giá trị sản phẩm như nhau, sản xuất công nghiệp của nước ta phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5 – 1,7 lần nhiều hơn các nước nói trên.
            Khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ, tiềm năng tiết kiệm cũng không nhỏ. Tỉ lệ sử dụng điện trong lĩnh vực này chiếm khoảng 43% nhu cầu điện và khoảng 15% tổng nhu cầu năng lượng thượng mại của Việt Nam. Ở Việt Nam hiện nay, các thiết bị sử dụng điện trong gia đình chủ yếu là thiết bị chiếu sáng, tủ lạnh, bình đun nước nóng, máy giặt, máy sấy, ti vi, quạt…; hầu hết các trang thiết bị này chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ về hiệu suất năng lượng, đa số sản phẩm lưu thông trên thị trường có hiệu suất sử dụng năng lượng ở mức trung bình và thấp.
             - Như vậy, nếu không có ý thức và chương trình tiết kiệm năng lượng cụ thể, hiệu quả thì trong tương lai, nước ta sẽ phụ thuộc và nhập khẩu năng lượng, thưa ông ?
            - Quá trình công nghiệp hóa bao gồm sự gia tăng của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông và sự gia tăng một cách tự nhiên việc sử dụng các loại trang thiết bị hiện đại tại các hộ gia đình khi mà thu nhập ngày càng tăng lên, tất cả những điều này đã và sẽ dẫn đến nhu cầu năng lượng của nước ta tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Mặc dù, hiện nay có sự suy giảm của nền kinh tế thế giới nhưng triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước ta trong trung hạn là khả quan. Nếu GDP tăng trưởng khoảng 6,9%/năm trong giai đoạn 2009-2018 và mức sử dụng năng lượng sử dụng trên GDP là 1,7 như đã xảy ra trong thập kỷ qua thì nhu cầu năng lượng tăng khoảng 12,1%/năm.
            Trong giai đoạn 1998-2008, ngành năng lượng đã đảm bảo nhu cầu tiêu thụ năng lượng cho sự phát triển của nền kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, nếu nhu cầu năng lượng trong nước lại tiếp tục tăng gấp ba lần trong thập kỷ tiếp theo sẽ là một thách thức lớn. Theo tính toán, trong giai đoạn 2010-2020, đã có khả năng xuất hiện sự mất cân đối giữa khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp nội địa. Việt Nam chuyển thành nước nhập khẩu năng lượng và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày một tăng. Tính đến năm 2020 nước ta sẽ tiếp tục phải nhập khẩu các sản phẩm dầu, trong khi giá dầu luôn dao động và gây áp lực rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội và hậu quả về tác động môi trường của việc cung và sử dụng năng lượng cũng có thể ở mức nghiêm trọng hơn mức độ hiện nay.
            - Vậy để nâng cao tính hiệu quả sử dụng năng lượng cho các doanh nghiệp thì trong Dự thảo Luật Tiết kiệm năng lượng và hiệu quả phải tính đến những cơ chế khuyến khích như thế nào, thưa Ông?
                - Do các dự án tiết kiệm năng lượng thường có quy mô nhỏ, nội dung kỹ thuật đa dạng, giải pháp kỹ thuật áp dụng trong phạm vi hẹp, không hấp dẫn các nhà quản lý, các thể chế tài chính…Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của sử dụng năng lượng tại các doanh nghiệp, đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho các doanh nghiệp triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, Dự thảo luật đã đề xuất áp dụng một số chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế, hỗ trợ đầu tư… và cho phép các chương trình, dự án tiết kiệm năng lượng do các doanh nghiệp thực hiện được vay vốn ưu đãi từ các Ngân hàng Phát triển, Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc hỗ trợ, Quỹ môi trường …
            - Và trong Dự thảo Luật đã tính đến trường hợp phát hiện việc sử dụng lãng phí năng lượng, thưa Ông ?
            - Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là trách nhiệm của toàn xã hội, các biện pháp quản lý được quy định trong dự thảo Luật nhằm nhanh chóng tạo chuyển biến, thực hiện đồng bộ trong toàn xã hội, đi dần từ các bước nâng cao nhận thức, thu hút sự quan tâm, chuyển thành nhu cầu và thúc đẩy các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
            Tuy nhiên, để ngăn ngừa các trường hợp sử dụng năng lượng lãng phí, Dự thảo thảo Luật cũng quy định các hành vi vi phạm trong hoạt động sử dụng năng lượng, các tổ chức, cá nhân sẽ bị chế tài nếu vi phạm các quy định được quy định trong Luật và sử dụng năng lượng lãng phí.
            - Để Luật đi vào đời sống và “cứu” nguồn năng lượng đang cạn kiệt, theo Ông cần có giải pháp gì ?
            - Sau khi Luật Tiết kiệm năng lượng và hiệu quảđược ban hành các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương hoàn thành các văn bản hướng dẫn dưới Luật và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, coi hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chỉ tiêu pháp lệnh.
            Ngoài ra, các địa phương phải chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng trên trên địa bàn quản lý nhằm huy động tối đa sự tham gia, quan tâm của mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân nhằm mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi cả nước.
             - Xin cám ơn Ông !
 
Trần Hiếu (thực hiện)