Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:47 GMT+7

Nhà máy đường NASU tăng doanh thu nhờ tiết kiệm năng lượng

23/07/2023

Trước sức ép cạnh tranh Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU) đã tận dụng bã mía để sản xuất điện, đầu tư đổi mới công nghệ tiết kiệm năng lượng góp phần hạ giá thành, tăng doanh thu.

Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU - thành viên Tập đoàn TH) là một trong những nhà sản xuất đường lớn của Việt Nam. Với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, NASU có tổng công suất ép 7000 tấn mía/ngày. Hàng năm, NASU sản xuất ra trên dưới 100,000 tấn đường đạt tiêu chuẩn TCVN và Quốc tế. Sản phẩm của Nasu được đánh giá cao bởi các công ty thực phẩm và nước giải khát hàng đầu như Pepsi, URC, TH, Dutch Lady, Kinh Đo, Royal Food…
NASU sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại và tự động hoá cao, thiết kế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn chất lượng cao trong khu vực và Châu Á. Công ty đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2005.
 Mía nguyên liệu tập kết tại Nhà máy Mía đường Nghệ An (NASU). Sau khi ép hết nước, bã mía sẽ được tận dụng sản xuất điện.
Ông Ngô Văn Tú, Tổng Giám đốc NASU, cho biết: Nhận thức được việc tiết kiệm năng lượng hiệu quả sẽ đem lại những lợi ích to lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho công ty cũng như cho cộng đồng, từ nhiều năm nay NASU đã tích hợp công nghệ đồng phát điện từ bã mía vào quy trình sản xuất. Nhờ đó, lượng bã mía, bã bùn từ quá trình ép mía lấy đường được sử dụng làm nhiên liệu đốt lò. Khí hơi với áp suất cao từ quá trình này sẽ đẩy tua-bin chạy, từ đó tạo ra nguồn điện phục vụ cho 100% nhu cầu sử dụng của nhà máy.
“Công suất ép mía của Nhà máy là 7.000 tấn/ngày, sản xuất được khoảng 1.960 tấn bã, lượng bã sử dụng để đốt lò sinh hơi là 1.800 tấn. Lượng bã sinh hơi đó đi vào tuabin máy phát điện 102 tấn/h phát ra lượng điện 9.2MWh điện. NASU sử dụng khoảng 6 – 6.2 MWh, lượng điện còn lại bán lên lưới điện quốc gia. ”, ông Tú nói.
Cũng theo đại diện NASU, từ khi sử dụng bã mía để sản xuất điện, nguồn điện sản xuất trung bình là  30.7KWh/tấn mía. Vụ ép mía năm 2020 – 2021, công ty sản xuất được hơn 15 triệu KWh điện, bán cho EVN hơn 5 triệu KWh, tăng doanh thu từ 10 – 12 tỷ đồng/vụ ép. Ngoài ra, doanh nghiệp không mất chi phí thuê nhà thầu xử lý bã mía dư thừa như trước nên tiện cả đôi đường. 
Sau khi ép hết nước, bã mía sẽ được tận dụng để đốt lò hơi, sản xuất điện.
Để tăng lợi nhuận, giảm giá thành sản phẩm, nhà máy mía đường NASU không ngừng thay thế, nâng cấp hệ thống trang thiết bị đã cũ hoặc tiêu thụ nhiều năng lượng bằng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Điển hình như: Nâng cấp cẩu giàn từ 10 tấn lên 16 tấn với biến tần điều khiển tốc độ động cơ giúp vận hành êm ái và tiết kiệm điện năng; Thay thế hệ thống máy sấy đường quay cũ bằng máy sấy tầng sôi tĩnh; Thay thế máy bơm ly tâm bằng máy bơm bánh răng dịch chuyển tích cực; Thay thế các ống bộ sấy không khí mới tiết kiệm năng lượng; Sửa đổi đường hơi để tận dụng nhiều hơi hơn thay vì hơi thải trực tiếp và tăng hiệu quả; Lắp đặt hệ thống thu hồi đường để tiết kiệm năng lượng phục hồi đường từ hơi, Lắp đặt đèn LED tại khu vực nhà máy, Lắp đặt các bảng điều khiển hệ số công suất để cải thiện hệ số công suất và tiết kiệm điện năng.
Bên cạnh đó nhà máy còn áp bọc bằng tấm thép không gỉ cho nồi nấu 3, Thùng gạn cặn si rô  và thay thế ống thép đen bằng ống thép không gỉ để cải thiện chất lượng đường thành phẩm để giảm quá trình tái chế đường không phù hợp và tiết kiệm nhiệt năng, tiết kiệm hơi nước. Đồng thời thực hiện các phương pháp bảo trì phòng ngừa tốt nhất và đạt được thời gian ngừng hoạt động dưới 1% đến 2% trong những năm liên tục, nhờ đó tăng hiệu suất sử dụng công suất của Nhà máy. Điều này dẫn đến giảm tiêu thụ năng lượng nhiệt và điện tiêu thụ và tiết kiệm bã mía.
Hiện nhà máy lắp đặt quạt thông gió Turbo tự điều khiển trên mái nấu đường để "Thông gió tự nhiên", không cần nguồn điện năng. Đặc biệt, nhà máy chuyển sang sử dụng xe tải công suất 30 tấn thay vì xe tải công suất 20 tấn để vận chuyển mía về nhà máy và nhờ đó giảm tiêu thụ nhiên liệu dầu diesel ước tính khoảng 30%. Hạn chế tối đa việc vận chuyển bã mía rời và yêu cầu tăng năng suất vận chuyển của xe tải trên mỗi chuyến và ước tính giảm 20% mức tiêu hao nhiên liệu dầu diesel.
Động cơ được đấu theo hình sao để tiết kiệm điện năng và Động cơ được kết nối với biến tần/bộ khởi động mềm để tiết kiệm điện cũng như khởi động nhẹ nhàng.
Ngoài những pháp biện nhằm tiết kiệm năng lượng, nhà máy mía đường NASU luôn chú trọng đến các vấn đề bảo vệ môi trường. Là doanh nghiệp sản xuất lớn với lượng xả thải cao, công ty đã chú trọng cải tạo nâng cao hệ thống xử lý khói thải nồi hơi, đảm bảo khí thải, bụi, các chất vô cơ đạt quy chuẩn. Đồng thời, hơn 20 năm qua, lượng nước thải của công ty đã được tái sử dụng 100% với mô hình hồ nước tuần hoàn không sử dụng hóa chất để xử lý nước thải mà dùng men vi sinh (theo công nghệ của Anh) và thời gian để nước “tự hồi phục”. Mô hình này gồm 7 hồ, có chức năng xử lý nước thải theo 7 giai đoạn và nó được đặt tên theo mỗi ngày trong tuần.
"Tại NASU, nước được sử dụng tuần hoàn, hơi nước bốc lên từ các nồi nấu được hấp thụ và bơm về hồ, làm mát qua các giàn phun và bơm quay lại sử dụng tiếp. Nước thải được xử lý tự nhiên bằng men vi sinh qua các hồ chứa sau khi đạt tiêu chuẩn xả thải sẽ bơm đi tưới cho ruộng mía." ông Tú cho biết thêm.
Hiện nay, cùng với sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhà máy mía đường NASU tiếp tục nghiên cứu, đưa thêm các kỹ thuật mới vào thay thế các máy móc cũ, nhất là những máy tiết kiệm điện. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên để họ chủ động tiết kiệm điện trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Mai Anh