Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:46 GMT+7

Sản xuất điện từ bã mía tiết kiệm năng lượng

21/12/2021

Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, nhà máy mía đường NASU đã tự sản xuất điện năng từ bã mía, phần còn lại hoà lưới điện quốc gia, bán cho Nhà nước.

Nguyên liệu sản xuất năng lượng sạch
Trước khi phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời, từ nhiều năm nay, Tập đoàn TH đã sản xuất điện từ bã mía, bã bùn – những sản phẩm phụ từ quá trình ép mía của Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU – một thành viên của Tập đoàn TH). Tại NASU, công nghệ đồng phát điện từ bã mía được tích hợp vào quy trình sản xuất.
Từ nhiều năm nay, NASU đã sản xuất điện từ bã mía để sử dụng và bán cho Nhà nước. Ảnh: TH.
Tuân thủ mô hình kinh tế tuần hoàn, NASU tái sử dụng chất thải và sản phẩm phụ theo phương châm “rác cũng là tài nguyên”.
Ông Ngô Văn Tú, Tổng Giám đốc NASU cho biết, tất cả các nhà máy sản xuất đường từ mía đều xây dựng lò hơi để sản xuất điện từ việc đốt bã mía, phục vụ cho sản xuất. Đối với NASU, từ khi thành lập (năm 1996), công suất lò hơi là 175 tấn hơi/h và máy phát điện là 10MWh. Nhu cầu thực tế sử dụng điện của NASU khoảng 6 – 6.5MWh. Căn cứ vào lượng điện quốc gia và khả năng của NASU, từ năm 2015, công ty xây dựng dự án đồng phát điện.
“Việc chuyển bã mía thành điện năng được công ty áp dụng từ khi nhà máy bắt đầu hoạt động (1998), cung cấp điện cho toàn bộ hoạt động của công ty. Năm 2015, công ty xây dựng dự án đồng phát điện và ngày 26/2/2016, chính thức bán điện lên lưới điện quốc gia. Số tiền thu được từ bán điện bã mía từ đó đến nay đạt 61,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng năm, NASU tiết kiệm từ 2 – 3 tỷ đồng chi phí dầu để chạy máy phát diesel cho máy móc hoạt động. Sau khi có dự án đồng phát điện, chi phí điện lưới giảm rất nhiều, chỉ bằng 10% so với việc chạy máy phát dầu”, ông Tú cho hay.
Đối với NASU, mọi chất thải, phụ phẩm đều có giá trị. Ảnh: TH.
Lượng bã mía, bã bùn từ quá trình ép mía lấy đường được sử dụng làm nhiên liệu đốt lò. Bã mía được đưa vào lò làm nhiên liệu sản xuất hơi. Với áp lực cao, hơi chuyển sang tuabin chạy máy phát điện để sản xuất ra điện, phục vụ nhu cầu sử dụng của nhà máy và bán cho lưới điện quốc gia.
“Hàng ngày, công suất ép mía của công ty là 7.000 tấn, sản xuất được khoảng 1.960 tấn bã, lượng bã sử dụng để đốt lò sinh hơi là 1.800 tấn. Lượng bã sinh hơi đó đi vào tuabin máy phát điện 102 tấn/h phát ra lượng điện 9.2MWh điện, NASU sử dụng khoảng 6 – 6.2 MWh, lượng điện còn lại bán lên lưới điện quốc gia”, ông Tú nói.
Mọi chất thải, phụ phẩm đều có giá trị
Cũng theo ông Tú, trước đây, với lượng bã mía thừa, công ty phải thuê nhà thầu giải phóng, xử lý. Từ khi sử dụng bã mía để sản xuất điện năng, nguồn điện sản xuất trung bình là 30.7KWh/tấn mía. Vụ ép mía năm 2020 – 2021, công ty sản xuất được hơn 15 triệu KWh điện, bán cho Nhà nước hơn 5 triệu KWh, tăng doanh thu từ 10 – 12 tỷ đồng/vụ ép.
Việc sản xuất điện từ bã mía giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Ảnh: TH.
“Nếu thời tiết không thuận lợi, trời mưa, lượng mía đưa về nhà máy chỉ ép năng suất thấp sẽ không có lượng bã dư thừa đốt lò và bán lên lưới điện quốc gia. Do đó, vào ngày mưa, chúng tôi cho thu hoạch những vùng dễ vận chuyển để đảm bảo năng suất ép, không bị gián đoạn”, ông Tú cho biết.
Ngoài bã mía, tất cả sản phẩm phụ từ cây mía đều được NASU sử dụng cho mục đích khác. Tro của quá trình đốt bã mía, bã bùn được làm phân bón mía. Mật rỉ cuối làm thức ăn cho bò sữa hoặc làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm, thực phẩm khác như cồn, bia, mì chính… Lá và rễ mía được làm phân bón trực tiếp, giữ độ ẩm, tạo độ mùn cho đất trồng mía.
Tại NASU, nước được sử dụng tuần hoàn, hơi nước bốc lên từ các nồi nấu được hấp thụ và bơm về hồ, làm mát qua các giàn phun và bơm quay lại sử dụng tiếp. Nước thải được xử lý tự nhiên bằng men vi sinh qua các hồ chứa sau khi đạt tiêu chuẩn xả thải sẽ bơm đi tưới cho ruộng mía.
“Với mô hình kinh tế tuần hoàn, NASU góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên nước”, ông Tú cho hay.
Theo nongnghiep.vn