Thứ ba, 05/11/2024 | 01:27 GMT+7
ISO 50001 được đánh giá là công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp trong việc quản lý năng lượng. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý năng lượng (HTQLNL) phù hợp với tiêu chuẩn này, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện Dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và tiêu chuẩn quản lý năng lượng” (gọi tắt là Dự án) từ 7-2011 đến 12-2014.
Sau hơn 2 năm triển khai, thực tiễn áp dụng tiêu chuẩn này tại các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào, đã thu được những kết quả gì? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, trang thông tin điện tử của Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Tietkiemnangluong.com.vn) đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Nga, Điều phối viên Dự án.
ISO 50001 là tiêu chuẩn được ban hành vào năm 2011. Bà đánh giá thế nào về việc triển khai và áp dụng HTQLNL này tại Việt Nam?
Tiêu chuẩn quản lý năng lượng theo ISO 50001 là tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế công bố ngày 15-6-2011 và được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng công bố như là tiêu chuẩn quốc gia vào cuối năm 2012.
Từ tháng 5-2012, sau khi thực hiện một loạt hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin và xây dựng năng lực tư vấn về xây dựng và thực hiện HTQLNL của Dự án, hiện nay trong nước đã có một đội ngũ các tổ chức, chuyên gia tư vấn có năng lực có thể cung cấp các dịch vụ tư vấn giúp các doanh nghiệp xây dựng hệ thống này.
Trao chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo cán bộ QLNL trong khuôn khổ Dự án
Đồng thời, các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng và vận hành HTQNL theo ISO 50001. Bằng chứng là bắt đầu từ đầu năm 2013, Văn phòng Dự án cũng đã nhận được nhiều email, điện thoại yêu cầu giới thiệu các tổ chức tư vấn, chuyên gia có năng lực để giúp doanh nghiệp xây dựng HTQLNL theo ISO 50001. Ví dụ như: Tổng công ty bia Sài Gòn, Công ty TNHH Lixil Inax VN, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ôtô Toyota Việt Nam…
Trong khuôn khổ dự án đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp thực hiện xây dựng HTQNL theo ISO 50001. Hầu hết các doanh nghiệp này đã ban hành chính sách năng lượng, thành lập BQLNL, xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp, giải pháp TKNL phù hợp với mục tiêu đặt ra. Trong đó, có 2 doanh nghiệp đã được cấp chứng chỉ ISO 50001 cho HTQLNL của họ là Công ty Cổ phần lương thực thực phẩm Colusa Miliket, Công ty Bia Sài Gòn-Hà Nội.
Bên cạnh đó, có hơn 33 doanh nghiệp đã và đang được các chuyên gia do Dự án đào tạo tư vấn, hỗ trợ xây dựng HTQLNL theo ISO 50001. Ví dụ như Trung tâm TKNL TP. Hồ Chí Minh có hơn 10 doanh nghiệp, Trung tâm TKNL Hà Nội có 6 doanh nghiệp.
Vì sao nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa mặn mà với HTQLNL ISO 50001, thưa bà?
Nếu nói là doanh nghiệp chưa mặn mà với HTQLNL theo ISO 50001 là chưa chính xác vì theo tôi, rất nhiều doanh nghiệp trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng đã rất quan tâm đến việc xây dựng là vận hành HTQLNL. Tuy nhiên, có thể nói phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa mặn mà với HTQNL thì đúng hơn.
Tờ rơi về tiêu chuẩn ISO 50001
Tuy nhiên, cũng phải xem xét đến yếu tố thời gian, tiêu chuẩn mới được công bố ở Việt Nam vào cuối năm 2012, tức là khoảng một năm rưỡi - là quá ngắn để rút ra kết luận. Cần phải có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin cho tất cả các cơ sở sử dụng năng lượng. Trong khuôn khổ Dự án, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin mới chỉ dừng lại ở nhóm ngành đối tượng của dự án là Giấy - bột giấy, chế biến thực phẩm, dệt và cao su.
Còn rất nhiều ngành khác có cường độ tiêu thụ năng lượng cao như: xi măng, thép, khu vực các tòa nhà... cần được tuyên truyền nâng cao nhận thức.
Một số doanh nghiệp đã áp dụng các hệ thống như ISO 14001 và ISO 9001. Vậy khi chuyển sang áp dụng Hệ thống ISO 50001, các doanh nghiệp có gặp vướng mắc gì không, thưa bà?
Doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 hoặc hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi áp dụng HTQLNL Iso 50001 vì một loạt các yêu cầu của tiêu chuẩn này hoàn toàn tương thích với các hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống quản lý môi trường.
Tham khảo bảng so sánh tại đây
Tuy nhiên, việc áp dụng HTQLNL cần nhiều kiến thức chuyên môn về lĩnh vực năng lượng và kiểm toán năng lượng như: xây dựng chỉ số hiệu quả năng lượng, đưa ra các giải pháp, biện pháp để cải thiện hiệu suất năng lượng, đánh giá mức độ cải thiện...Có thể ở các doanh nghiệp lớn, có các nhân viên kỹ thuật có thể thực hiện được các công việc này; nhưng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức, chuyên gia tư vấn.
Trong 2 năm triển tại Việt Nam, Dự án gặp thuận lợi và khó khăn gì thưa bà?
Theo tôi, khi triển khai Dự án đã thu được những thuận lợi như sau: thứ nhất, dự án nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo Vụ Khoa học, Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục năng lượng , Bộ Công Thương và của các thành viên Ban chỉ đạo Dự án.
Trong khuôn khổ dự án, hàng loạt hội thảo, tập huấn đã được tổ chức nhằm phổ biến cho
Doanh nghiệp về Hệ thống QLNL theo Tiêu chuẩn ISO 50001
Thứ hai, Dự án luôn luôn nhận được sự quan tâm, đăng ký tham gia của các chuyên gia tư vấn doanh nghiệp lớn hơn so với khả năng Dự án có thể đáp ứng được. Ví dụ như Chương trình đào tạo chuyên gia về HTQLNL, Ban quản lý Dự án đã nhận được sự đăng ký tham gia của hơn 45 chuyên gia.
Bên cạnh những thuận lợi, Dự án cũng gặp phải những khó khăn vì là dự án đầu tiên giới thiệu và xây dựng năng lực về HTQLNL. Do đó, ban đầu khi lựa chọn 10 doanh nghiệp thí điểm, chúng tôi cũng gặp những khó khăn khi thuyết phục doanh nghiệp tham gia vì lãnh đạo doanh nghiệp chưa hiểu về HTQLNL này. Tuy nhiên, sau khi liên lạc thuyết phục cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp, chúng tôi đã lựa chọn được đủ số doanh nghiệp thí điểm.
Một khó khăn khác là chất lượng tư vấn của các chuyên gia chưa đồng đều. Bốn trong 10 doanh nghiệp đã xây dựng và vận hành rất tốt HTQLNL. Trong khi đó, các doanh nghiệp khác mới chỉ dừng ở việc ban hành chính sách, thành lập ban quản lý năng lượng, lập kế hoạch, thực hiện một số giải pháp TKNL mà chưa thực hiện kiểm tra, giám sát một cách liên tục...
Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn và vừa trong các ngành công nghiệp như: giấy và bột giấy, dệt, chế biến thực phẩm là đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ Dự án. Bà đánh giá như thế nào về việc áp dụng HTQLNL ISO 50001 tại các doanh nghiệp này sau 2 năm triển khai? Mức tiết kiệm năng lượng mà các doanh nghiệp này đã đạt được là bao nhiêu?
Sau 2 năm triển khai, tại các doanh nghiệp đã thực hiện các hoạt động đánh giá nội bộ đều có thấy kết quả rất khả quan, ví dụ: Công ty Miliket-Colusa, xây dựng hệ thống từ tháng 6/2012, sau sáu tháng triển khai mức cải thiên hiệu suất năng lượng là 12% so với mức cơ sở năm 2012.
Doanh nghiệp dệt là một trong các nhóm đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ dự án
Cty Sữa Sài Gòn cũng xây dựng hệ thống từ tháng 6/2012, đến 5/2013, mức cải thiện hiệu suất năng lượng là 6% so với mức cơ sở năm 2011. Công ty CP Đương Malt có mức cải thiện hiệu suất năng lượng là 7% trong 8 tháng cuối năm 2012 so với mức cơ sở năm 2011.
Công ty Bia Sài Gòn- Hà Nội có kết quả là suất tiêu thụ năng lượng để sản xuất 1.000 lít bia đã giảm từ 107.09 KWh và 29.26 kg dầu năm 2012 xuống còn 105.7 kWh và 28.96 kg dầu năm 2013.
Dự án đã đi được gần hết chặng đường. Kết quả thu được là gì, thưa bà?
Dự án đã đào tạo được 27 chuyên gia về HTQNL, 17 chuyên gia về tối ưu hóa hệ thống hơi và 8 chuyên gia về tối ưu hệ thống khí nén. Ngoài ra, còn có gần 278 doanh nghiệp đã cử cán bộ quản lý năng lượng, cán bộ kỹ thuật tham khóa đào tạo về HTQLNL và tối ưu hóa hệ thống của Dự án.
Bà có lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp đang muốn triển khai và áp dụng HTQLNL ISO 50001?
Các doanh nghiệp nên Liên lạc với các chuyên gia đã tham gia Chương trình đào tạo chuyên gia về HTQLNL của Dự án để được tư vấn. Danh sách chuyên gia đã được đưa lên website "Tietkiemnangluong.com.vn", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Bộ Công Thương.
Danh sách chuyên gia xem tại đây.
Doanh nghiệp nên tuân thủ toàn bộ chu trình vận hành của HTQLNL theo ISO 50 001 với các bước như: (i) Lập kế hoạch; (ii) Thực hiện; (iii) Kiểm tra; (iv) Hành động để có thể đảm bảo việc cải thiện hiệu suất năng lượng được thực hiện một cách liên tục.
Xin cảm ơn bà!
Hải Nhy