Thứ sáu, 22/11/2024 | 15:26 GMT+7
Nông thôn luôn được xác định là địa bàn quan trọng trong việc triển khai công tác tuyên truyền, tiết kiệm năng lượng. Ngoài việc tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất nông nghiệp cũng rất được đề cao.
Theo các chuyên gia, hiện nay việc sử dụng năng lượng ở nông thôn, đặc biệt là việc sử dụng điện vẫn còn nhiều lãng phí. Nguyên nhân là do nhiều công nghệ, thiết bị máy móc đã cũ kỹ, lạc hậu, chưa được đổi mới, dẫn đến tình trạng hao hụt trong khâu truyền tải năng lượng. Ngoài ra, ý thức tiết kiệm năng lượng của nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa cao.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng và tiết kiệm hiệu quả, nhiều tỉnh thành và các Hội nông dân đã tích cực triển khai mô hình thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm tại các xã nông thôn mới. Kết quả là nhiều mô hình mang lại hiệu quả đã được nhân rộng tại nhiều địa phương.
Bình Thuận là một trong những tỉnh đã triển khai tốt công tác tiết kiệm năng lượng trong sản xuất nông nghiệp. Một trong những hoạt động trọng điểm của Bình Thuận là giảm thiểu lượng điện năng sử dụng trong quá trình trồng cây thanh long, loại cây chiếm đến 33% giá trị ngành trồng trọt của tỉnh này.
UBND tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ cho người nông dân về việc sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện. Hội nông dân phối hợp với Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông triển khai hoạt động hỗ trợ bóng đèn compact cho nông dân trồng thanh long, chiếu sáng các công trình giao thông nông thôn và thí điểm bóng cao áp tiết kiệm điện trong công tác đánh bắt thủy hải sản xa bờ. Theo tính toán, hiện có khoảng 3.500 hộ nông dân được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này, giúp tiết kiệm đến 6,4 triệu kWh, tương đương với số tiền 40,6 tỷ đồng.
Bóng đèn compact tại vườn thanh long đang giúp người nông dân tiết kiệm hàng chục tỷ đồng tiền điện
Tại những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn như Thừa Thiên- Huế, làm thế nào để tiết kiệm nguồn điện năng sử dụng tại các hồ tôm cũng là bài toán rất được quan tâm. Bởi, mỗi hồ tôm cần sử dụng hàng trăm máy bơm và các động cơ để sục khí. Chi phí năng lượng chiếm đến 15% chi phí nuôi tôm. Trong đó, lượng dầu diesel tiêu thụ chiếm 70% năng lượng tiêu hao. Giải quyết vấn đề này, nhiều gia đình nuôi tôm đã được địa phương hỗ trợ kinh phí chuyển từ máy bơm nước, động sơ sục khí chạy bằng dầu diesel sang dùng điện. Loại động cơ này tiêu hao năng lượng ít hơn 4,6 lần so với động cơ cùng loại chạy bằng dầu.
Theo một nông dân nuôi tôm chia sẻ, với việc thay thế hoàn toàn các động cơ chạy dầu diesel, mỗi năm hồ tôm của ông có thế tiết kiệm được đến 8 triệu đồng tiền điện. Nếu được áp dụng trên diện rộng, lượng điện năng tiêu thụ mỗi năm tại các tỉnh có thể giảm xuống, tương đương với hàng chục tấn dầu quy đổi.
Mô hình sử dụng hầm sinh học biogas được nhân rộng trên tại nhiều địa phương
Còn tại Tiền Giang, mỗi gia đình chăn nuôi từ 2-3 con trâu bò hoặc 6 con heo trở lên, được khuyến khích xây hầm biogas để xử lý chất thải, vừa giữ được vệ sinh, lại có chất đốt phục vụ sinh hoạt, thắp sáng, giảm lượng điện sử dụng. Mô hình tương tự cũng được triển khai tại Thanh Hóa khi những gia đình chăn nuôi nhiều gia súc, gia cầm đã được cán bộ của Sở Công Thương hướng dẫn sử dụng và lắp đặt các bình biogas bằng nhựa composite.
Một công trình lắp đặt biogas đầu tư khoảng 12 triệu đồng, sau 4 năm, các gia đình có thể thu hồi lại vốn. Theo tính toán, nếu một xã có khoảng 1.400 người và toàn bộ các hộ gia đình chuyển sang sử dụng biogas, thì mỗi năm xã đó có thể tiết kiệm được 3,7 tỷ đồng tiền gas công nghiệp và hơn 1 tỷ đồng tiền điện thắp sáng. Ngoài những mô hình trên, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, các hộ gia đình còn được hỗ trợ chi phí để lắp đặt các máy nước nóng chạy năng lượng mặt trời.
Với những mô hình tiết kiệm năng lượng đang được triển khai và nhận rộng, người nông dân không chỉ tiết kiệm được một khoản chi phí sản xuất đáng kể, giúp cải thiện ô nhiễm môi trường, quan trọng hơn ý thức, văn minh nông thôn đang được nâng lên rõ rệt hướng đến xây dựng nông thôn mới.
Hải Yến