Chủ nhật, 13/10/2024 | 11:15 GMT+7

Sản xuất công nghiệp: Nhiều dư địa tiết kiệm năng lượng

28/11/2023

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp: Doanh nghiệp cần chủ độngLợi ích lớn nhờ tiết kiệm năng lượngKhởi động dự án tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn

Dư địa lớn
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - cho biết: Sau hơn 10 năm triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trước đây cũng như Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3), đã đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, “Còn nhiều việc phải làm để tối ưu hóa quá trình năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong tất cả các ngành, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng của toàn quốc” - ông Trịnh Quốc Vũ khẳng định.
Ngành chế biến thực phẩm được đánh giá là tiêu hao nhiều năng lượng trong quá trình sản xuất
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành sản xuất thâm dụng nhiều năng lượng, vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNIDO) triển khai Dự án “Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống và tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” (IEEP). Dự án được thực hiện trong thời gian từ năm 2023 - 2027.
Nói về các tiêu chí để lựa chọn ngành, doanh nghiệp tham gia Dự án IEEP, ông Trịnh Quốc Vũ chia sẻ: Khi khảo sát xây dựng dự án, chúng tôi lựa chọn các ngành công nghiệp theo một số tiêu chí như: Mức tiêu thụ năng lượng cao, tỷ trọng tiêu thụ năng lượng trên giá thành sản phẩm cao; có tiềm năng tiết kiệm năng lượng cũng như ứng dụng được các hệ thống quản lý năng lượng, hệ thống tối ưu trong quá trình công nghiệp và quá trình năng lượng của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, dự án đã chọn ra 10 ngành như: Giấy và bột giấy, chế biến thực phẩm, chế biến thủy sản, dệt may, sản xuất hóa chất và phân bón, chế biến cao su, luyện kim và thép, xi măng, nhựa và đồ uống.
Giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hệ thống năng lượng
Dự án IEEP tập trung vào 3 nội dung chính. Thứ nhất, nghiên cứu, đánh giá và hoàn thiện các quy định, thể chế, chính sách để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp. Thứ hai, đào tạo nâng cao năng lực cho các đối tượng liên quan từ doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, doanh nghiệp trong 10 ngành nghề lĩnh vực công nghiệp được lựa chọn và mạng lưới các chuyên gia quản lý năng lượng, chuyên gia kiểm toán năng lượng hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thứ ba, hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp để tối ưu hóa hệ thống năng lượng, hệ thống công nghiệp ở các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và doanh nghiêp công nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp; áp dụng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 và ứng dụng các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, doanh nghiệp tham gia Dự án IEEP được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật để xác định tiềm năng tiết kiệm năng lượng. Qua đó, doanh nghiệp có thể thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng, bao gồm giải pháp về công nghệ và quản lý năng lượng.
Bà Lê Thị Thanh Thảo - đại diện Quốc gia của UNIDO tại Việt Nam - cho rằng: Để Việt Nam thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng tới chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, một trong các hoạt động quan trọng đó là làm sao phi caron hóa trong sản xuất công nghiệp thông qua các giải pháp về năng lượng cũng như áp dụng công nghệ mới giảm phát thải carbon. Qua đó, giúp doanh nghiệp không chỉ giảm phát thải khí nhà kính mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn của thị trường, bao gồm cả thị trường xuất khẩu.
Theo: Báo Công Thương