Chủ nhật, 13/10/2024 | 10:28 GMT+7

EVN thực hiện nhiều giải pháp góp phần hiện thực hoá cam kết Net Zero

10/10/2023

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã và đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, góp phần hiện thực hoá cam kết Net Zero.

Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng
Thực hiện COP26, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, Chính phủ cũng đã có hành động cụ thể, giao cho các bộ ngành liên quan thực hiện. Tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Chính phủ quy định Bộ Công Thương có trách nhiệm thực hiện các biện pháp quản lý và kỹ thuật để giảm 268,5 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030.
Với với trò là một trong những trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn EVN đã không ngừng đẩy mạnh các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để chung tay cùng Bộ Công Thương và Chính phủ thực hiện thành công mục tiêu Net Zero của Việt Nam đến năm 2050.
Với nhiều hình thức khác nhau, EVN đã tập trung tuyên truyền những chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đề ra, cũng như những biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
Trong giai đoạn từ 2010 đến nay, EVN đã triển khai sâu rộng nhiều chương trình tiết kiệm điện như: Tuyên truyền tiết kiệm điện; tài trợ các giải thưởng báo chí tuyên truyền tiết kiệm năng lượng; triển khai thực hiện chương trình ESCO; quảng bá thay đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang compact bằng đèn tiết kiệm điện; hỗ trợ quảng bá lắp đặt bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời (thay thế bình đun nước nóng bằng điện); Giờ Trái đất; Gia đình tiết kiệm điện.
Tập đoàn cũng đã thiết kế mẫu Hóa đơn tiền điện mới để khách hàng thực hiện việc tiết kiệm điện thông qua việc so sánh với mức bình quân sử dụng điện trong khu vực mình sinh sống; lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở đơn vị trực thuộc EVN…
Đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả
Nhiều chương trình tiết kiệm điện đã được các đơn vị thành viên của EVN triển khai sâu rộng như: các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện; giảm tổn thất điện năng; khuyến khích doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện DR; đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả
Song song với đó, EVN thực hiện một số dự án làm mẫu cho các doanh nghiệp và người dân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: thí điểm mô hình tiết kiệm điện trong nuôi trồng thuỷ sản cho bà con nông dân tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; thí điểm tiết kiệm năng lượng bằng mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO); chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR),... đã đạt được hiệu quả tiết kiệm điện cao trong cộng đồng.
Tăng cường hợp tác để chuyển đổi năng lượng
Song song với biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, EVN đã đẩy mạnh hỗ trợ các chủ đầu tư năng lượng tái tạo, giải quyết nhanh các thủ tục hoàn thành COD, phát điện lên lưới điện quốc gia; triển khai thi công các dự án điện mặt trời, thuỷ điện...
Đặc biệt, EVN đã đẩy mạnh hợp tác chuyển đổi năng lượng, trong đó có giải pháp giảm khí phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than; đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Ngày 5/10, EVN và Công ty JERA (Nhật Bản) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác hướng tới mục tiêu khử carbon. Theo đó 2 bên sẽ phối hợp đưa ra kế hoạch hành động để triển khai các nội dung hợp tác cụ thể, bao gồm: xây dựng lộ trình khử carbon trong các nhà máy nhiệt điện than; lộ trình khử carbon tổng thể cho EVN; nghiên cứu ứng dụng công nghệ khử carbon, công nghệ đồng đốt amoniac, hydrogen cho các nhà máy nhiệt điện than hiện có của EVN.
Trước đó, ngày 3/10, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An đã có buổi làm việc với bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam và đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm trao đổi về việc thúc đẩy mở rộng các hoạt động hợp tác giữa EVN và WB, trong đó có lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, thảo luận về những nội dung liên quan như: những thách thức của ngành năng lượng nói chung và EVN nói riêng; kế hoạch hợp tác giữa EVN và WB; những khuyến nghị của WB nhằm đảm bảo tính bền vững trong cơ chế tài chính của ngành Điện; giải pháp chuyển đổi nhiệt điện than sang các nguồn năng lượng sạch,…
Đoàn công tác Ngân hàng Thế giới làm việc tại EVN
Hay ngày 27/9, Chủ tịch HĐTV EVN đã làm việc với đoàn công tác Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) để trao đổi về quá triển khai, vận hành một số dự án điện khí như Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 2.2 (715MW), Nhà máy Điện khí LNG Sơn Mỹ 1, cũng như hợp tác phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và các hoạt động hợp tác kỹ thuật nhằm phục vụ quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Thực tế từ đầu năm 2023, EVN đã có nhiều buổi làm việc, trao đổi với các đối tác quốc tế như Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), ngân hàng thế giới (WB) và các tổ chức, tập đoàn năng lượng khác ở nhiều lĩnh vực hướng tới việc thực hiện mục tiêu chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính...
Có thể nói, với sự chủ động triển khai nhiều giải pháp toàn diện, bài bản, EVN đã và đang góp phần cùng cả nước hiện thực hoá cam kết Net Zero, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững quốc gia.
Theo: Báo Công Thương