Chỉ cần mỗi doanh nghiệp công nghiệp tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm, mỗi năm cả nước tiết kiệm được hơn 1,4 tỷ kWh, tương đương tiết kiệm khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã tự ý thức và đầu tư trong các giải pháp tiết kiệm điện, nhưng dường như, việc đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng vẫn gặp khó.
Tuyên truyền tiết kiệm điện đến người dân.
Thu lợi hàng nghìn tỷ
Nhiều năm qua, Công ty DAP-Vinachem đã xây dựng và thực hiện các phương án vận hành sử dụng năng lượng tiết kiệm, giúp tiết giảm chi phí tại doanh nghiệp. Công ty DAP có 1 máy phát điện chạy bằng tuabin hơi nước, công suất thiết kế 12 MW, nguồn nhiệt để sinh hơi được tận dụng từ nồi hơi thu nhiệt thừa của quá trình phản ứng hóa học. Với nhà máy này, Công ty đã chủ động được 70-80% nhu cầu tiêu thụ điện, phần còn lại mua từ lưới điện. Tại một số thời điểm cụ thể, có thể tách lưới, công ty tự cân đối được điện cho sản xuất ở mức phụ tải thấp.
Cùng với các giải pháp tăng công suất phát điện và tiết giảm phụ tải trong giờ cao điểm, những ngày cao điểm nắng nóng, Công ty DAP đã chủ động giảm tiêu thụ mỗi ngày 30.000 - 40.000 kWh; trong đó trọng tâm giảm tiêu thụ vào giờ cao điểm hàng ngày.
Toàn bộ khu vực nhà máy điện được vận hành lò hơi và máy phát điện tuabin hơi để điều chỉnh giữ cân bằng hệ thống công nghệ, trên cơ sở ưu tiên cung cấp đủ hơi nước cho nhu cầu vận hành các nhà máy, tận dụng năng lượng hơi dư để sản xuất điện, giảm điện nhận lưới vào khung giờ cao điểm.
Cũng tại 2 đơn vị sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát, công nghệ thu hồi nhiệt, khí dư để phát điện trong quá trình sản xuất gang thép được tận dụng triệt để. Chỉ trong nửa năm 2023, tập đoàn này đã tiết kiệm hơn 1.600 tỷ đồng từ giải pháp này.
Theo Tập đoàn Hòa Phát, tổng lượng phát điện của các nhà máy nhiệt điện thuộc Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Dung Quất và Hải Dương đạt gần 1 tỷ kWh, giúp Hòa Phát tự chủ khoảng 70% lượng điện sản xuất thép.
Ông Hoàng Ngọc Phượng- Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện, Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, ngoài sử dụng nhiệt dư trong luyện coke để phát điện, Nhà máy còn tận dụng khí than dư thừa trong luyện gang, thép làm nhiên liệu cho nồi hơi để phát điện. Công nghệ sản xuất điện năng này đã góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng phát thải CO2 so với loại hình phát điện nhiệt than có công suất tương đương.
Trong giai đoạn 2 của dự án Hòa Phát Dung Quất, Công ty tiếp tục đầu tư 5 tổ máy phát điện nhiệt dư với công suất mỗi tổ máy là 60 MW, nâng tổng công suất phát điện chủ động của toàn khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất lên 660 MW, sản lượng điện hàng năm ước đạt hơn 5 tỷ kWh.
Có thể nhận thấy, tiềm năng và lợi ích to lớn của tiết kiệm điện, thu hồi lượng nhiệt khí dư, cũng như chất thải để tái sử dụng. Song, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện, bởi vấn đề nằm ở chi phí. Nhận thức trong tiết kiệm điện chỉ là yếu tố cần, điều kiện đủ là phải có nguồn vốn để đầu tư và các chính sách hỗ trợ một cách đồng bộ.
Nguồn lực ở đâu?
Nhân viên Điện lực Trà Cú (PC Trà Vinh) trao đổi với ông Huỳnh Hướng Nhứt (hộ kinh doanh Công Tạo- Ấp Cây Da, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú) sử dụng điện tiết kiệm trong sản xuất nút áo bằng gáo dừa.
Theo chia sẻ của ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trên thực tế, để doanh nghiệp đầu tư vào tiết kiệm năng lượng thì nguồn vốn đầu tiên được tính đến chính là nguồn lực tự có của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư các giải pháp công nghệ, mong muốn thay thế thiết bị hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng… nhưng nguồn lực lại rất hạn chế.
“Các doanh nghiệp hiện nay khi đưa các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào cũng có khá nhiều vướng mắc. Mặc dù họ biết được các lợi ích mang lại, nhưng một trong những vướng mắc cơ bản là đầu tư. Bây giờ làm sao để các doanh nghiệp có đủ nguồn lực, đủ vốn, tiền để đầu tư, nâng cấp, thay đổi dây chuyền công nghệ để đưa vào các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm tốt hơn, hiệu quả mang lại cao hơn… Nhiều doanh nghiệp do điều kiện tài chính khó khăn, dù có quan tâm về mặt nhận thức, về việc thay đổi... nhưng để thực hiện còn rất hạn chế…”, ông Trần Viết Nguyên nói.
Dệt may là một trong những ngành đang đẩy mạnh quá trình xanh hóa, chuyển đổi năng lượng để ứng phó với các tiêu chuẩn nhập khẩu từ châu Âu. Nhiều doanh nghiệp trong ngành này đã sẵn sàng cho lắp đặt điện mặt trời mái nhà, thay thế lò hơi đốt than, đốt dầu bằng lò hơi điện…
Song ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, một trong những vấn đề vướng nhất khi chuyển đổi xanh của doanh nghiệp là về tài chính, bởi liên quan đến xanh hóa thì nhu cầu về vốn rất lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực về tài chính để thực hiện vấn đề này, nhất là 80% doanh nghiệp dệt may là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không chỉ vậy, khi đầu tư cho xanh hóa, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ tăng đáng kể.
Theo tính toán, chỉ riêng việc sử dụng nguyên liệu xanh giá đầu vào cao hơn 300% so với sản phẩm truyền thống, hay sử dụng nồi hơi điện chi phí sản xuất tăng lên 15-18%. Đây cũng là lực cản đáng kể cho doanh nghiệp dệt may bước tiếp trên con đường xanh hóa, tiết kiệm năng lượng…
Theo ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới, việc đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp nói chung còn chưa tương xứng với lợi ích mà đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng mang lại.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ hiện trạng thiếu vốn cho chuyển đổi công nghệ. Việc áp dụng một phần hay đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng, chẳng hạn như: Lắp đặt các thiết bị, hệ thống tiêu thụ năng lượng hiệu suất cao, thu hồi nhiệt thải, tích hợp năng lượng tái tạo… đều cần một nguồn vốn lớn. Tuy nhiên việc tiếp cận các nguồn tài chính cho đầu tư là một thách thức đổi với đa số các doanh nghiệp trong nước.
Để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp, ông Chu Bá Thi cho rằng, Nhà nước cần có những khuyến khích ưu đãi về tài chính, những chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ hơn.
Ngoài yếu tố tài chính, yếu tố nhận thức rủi ro khi đầu tư trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng cũng là một rào cản khiến đầu tư tiết kiệm năng lượng ít khi nằm trong danh mục ưu tiên của doanh nghiệp. Đây cũng là nút thắt cần tháo gỡ.
Để tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, ngày 8/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg đặt mục tiêu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.
Cùng đó, phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Quy hoạch điện VIII cũng đã nêu rõ mục tiêu này.
Thế nhưng, mới đây, báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà lại cho rằng, chỉ áp dụng với lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở mà chưa mở rộng với các đối tượng như trang trại, nhà kho, các khu công nghiệp, công trình tăng gia sản xuất…
Chính sách "ngáng" doanh nghiệp
Theo lý giải của Bộ Công Thương, “không thể nói là cấm, mà chỉ là chưa ưu tiên phát triển ngay”. Mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học… đều là những nơi có diện tích lớn, có thể lắp đặt từ gần 1 MW đến cả chục MW. Việc đầu tư quy mô lớn như vậy cần nhiều điều kiện về vốn, an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy nổ, trạm biến áp, đường dây truyền tải nội bộ, quản lý, nhân sự vận hành…
Ngoài ra còn liên quan đến chất lượng điện, lưu trữ điện, các điều kiện kết nối xoay chiều giữa điện tự dùng và điện lưới quốc gia khi không có nắng vào buổi tối, trời mưa hoặc thay đổi thời tiết trong ngày. Đó là chưa kể các yếu tố môi trường, chất thải từ tấm quang điện…
Mặt khác, các nhà máy, các khu công nghiệp sản xuất công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao (như điện tử) cần nguồn điện chất lượng ổn định, liên tục. Các doanh nghiệp không thể dùng điện mặt trời mái nhà để sản xuất, trừ các doanh nghiệp đầu tư hệ thống lưu trữ hiện đại (hiện chưa có).
“Ngoài ra, lý do còn ở việc đúc kết kinh nghiệm từ thực hiện Quy hoạch VII và cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió giai đoạn vừa qua. Sự phát triển nóng của điện mặt trời mái nhà nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung đã bộc lộ một số tồn tại, trong đó có việc lợi dụng chính sách để bán điện với giá cao.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của doanh nghiệp, việc chưa khuyến khích phát triển đang là rào cản cho việc doanh nghiệp chuyển đổi xanh, thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện năng.
Ông Nguyễn Văn Kế t- Giám đốc Công ty cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho biết, mỗi tháng, cơ sở sản xuất của tiêu thụ khoảng 150-200 triệu đồng tiền điện. Doanh nghiệp cũng định hướng lắp thêm điện mặt trời mái nhà trên các nhà đường để tự tiêu dùng và giảm chi phí. Đồng thời có thể dễ dàng tiếp cận các đối tác nước ngoài hơn.
Các ngành sản xuất công nghiệp hiện nay đang bị cuốn vào vòng xoáy thuế carbon, nên năng lượng xanh là một giải pháp nhanh chóng và thiết thực nhất hiện nay. Vì thế, doanh nghiệp rất cần trợ lực về chính sách từ nhà nước, về vốn, doanh nghiệp sẽ tự lực, xoay xở, hoặc có thể liên kết với các đơn vị phát triển điện mặt trời để thực hiện.
Chia sẻ với báo chí, GS Lê Chí Hiệp- Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu không có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về điện mặt trời mái nhà tự dùng sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai của người dân, doanh nghiệp; chưa nói đến các tiêu chí về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy… Nếu không, rất có thể chính sách đưa ra sẽ là cản trở cho quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp.
Có thể nói, điện mặt trời mái nhà tự dùng là giải pháp giúp doanh nghiệp sớm đạt các chứng chỉ sản xuất xanh, tiết kiệm điện. Song ông Trần Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện MBT tỏ ra thất vọng khi đợi hơn 2 năm để đầu tư nhưng chính sách đưa ra lại không như kỳ vọng.
"Chúng tôi đầu tư hàng chục tỷ đồng cho hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng sản xuất ở Bình Dương với mục đích vừa dùng, vừa bán điện dư thừa. Nhưng chính sách mới khiến cho công ty thiệt hại và lãng phí rất lớn vì không được bán ra ngoài, trong khi nhiều doanh nghiệp khác muốn được chia sẻ nguồn điện sạch này", ông Trần Văn Nam nói.
Cần giải pháp đồng bộ
Tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm đến doanh nghiệp.
Xác định công nghiệp là lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng trong cơ cấu ngành kinh tế, chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, cần có các chính sách phù hợp và ngay lập tức để có thể đạt được mục tiêu về tiết kiệm điện.
Theo ông Chu Bá Thi, chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam cần chú trọng tới các giải pháp đồng bộ, trong đó có vốn và kỹ thuật, cùng các chính sách khuyến khích đi kèm. Nếu chỉ trông chờ vào sự kêu gọi tiết kiệm, vốn tự có của doanh nghiệp sẽ rất khó thực hiện mục tiêu đặt ra.
Và để khai thác tiềm năng này, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới triển khai các chương trình cho vay đầu tư tiết kiệm năng lượng. Trong đó, nổi bật có “Dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam” và “Dự án sử dụng nguồn kinh phí của Quỹ Khí hậu Xanh”, có tổng kinh phí 11,3 triệu USD…
Theo đó, các doanh nghiệp công nghiệp có nhu cầu sử dụng các vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới cần đáp ứng các điều kiện, như lập dự án đầu tư vào cải tạo và nâng cấp hệ thống trang thiết bị hiện đại; đảm bảo đạt được mức tiết kiệm năng lượng theo yêu cầu đầu tư; thời gian hoàn vốn là 10 năm; tuân thủ các yêu cầu về môi trường và xã hội theo quy định.
Cùng với các chương trình hỗ trợ tài chính đầu tư tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp công nghiệp, Bộ Công Thương còn tập trung đánh giá việc sử dụng năng lượng ở các cơ sở công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm; đánh giá các trang thiết bị có sử dụng năng lượng; đào tạo nguồn nhân lực cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; triển khai cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, quy trách nhiệm rõ ràng hơn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực như giao thông vận tải, xây dựng...
Cùng với đó, Bộ Công Thương biên soạn “Cẩm nang tiết kiệm điện trong văn phòng - nhà xưởng”, với mục tiêu cung cấp các giải pháp cũng như các cơ sở dữ liệu về sản phẩm và công nghệ mới, giúp tiết giảm chi phí điện năng, khí đốt, nhiên liệu… tại các cơ sở công nghiệp và văn phòng.
“Tiết kiệm điện – thành thói quen", khẩu hiệu này đã được ngành điện cùng các bộ, ngành tuyên truyền từ nhiều năm nay. Nhưng rõ ràng, chỉ khi thực sự thiếu điện, người dân, doanh nghiệp mới ý thức rõ rằng hơn thói quen đó quan trọng tới mức nào. Những nguy cơ về việc tiếp tục thiếu điện trong nhiều năm tới đã được cảnh báo. Đã đến lúc tiết kiệm điện không chỉ là lời kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, mà cần có những giải pháp mạnh hơn, mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cũng như chế tài xử lý với người dân và cộng đồng doanh nghiệp…
Theo: Trang tin điện tử ngành Điện