Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương, cho biết: Xác định công nghiệp là lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng trong cơ cấu ngành kinh tế, chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Và để khai thác tiềm năng này, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) triển khai các chương trình cho vay đầu tư tiết kiệm năng lượng. Trong đó, nổi bật có “Dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam” và “Dự án sử dụng nguồn kinh phí của Quỹ Khí hậu Xanh”, có tổng kinh phí 11,3 triệu USD… Theo đó, các doanh nghiệp công nghiệp có nhu cầu sử dụng các vốn vay ưu đãi từ WB, cần đáp ứng các điều kiện, như lập dự án đầu tư vào cải tạo và nâng cấp hệ thống trang thiết bị hiện đại; đảm bảo đạt được mức tiết kiệm năng lượng theo yêu cầu đầu tư; thời gian hoàn vốn là 10 năm; tuân thủ các yêu cầu về môi trường và xã hội theo quy định của Việt Nam và WB...
Cùng với các chương trình hỗ trợ tài chính đầu tư tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp công nghiệp, Bộ Công Thương còn tập trung đánh giá việc sử dụng năng lượng ở các cơ sở công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm; đánh giá các trang thiết bị có sử dụng năng lượng; đào tạo nguồn nhân lực cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; triển khai cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, quy trách nhiệm rõ ràng hơn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực như giao thông vận tải, xây dựng... Cùng với đó, Bộ Công Thương còn biên soạn “Cẩm nang tiết kiệm điện trong văn phòng - nhà xưởng”, với mục tiêu cung cấp các giải pháp cũng như các cơ sở dữ liệu về sản phẩm và công nghệ mới, giúp tiết giảm chi phí điện năng, khí đốt, nhiên liệu… tại các cơ sở công nghiệp và văn phòng.
Công ty Thép Tây Ðô, Khu Công nghiệp Trà Nóc 1, sử dụng robot hàn khung thép vào quy trình sản xuất để gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm.
TP Cần Thơ đã và đang đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp tiếp cận các cơ chế tài chính ưu đãi, để đầu tư các giải pháp công nghệ cũng như thay thế dây chuyền, máy móc hiện đại hơn, nhằm tối ưu hóa sản xuất, giá tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm, phát triển sản xuất bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm khuyến công và tiết kiệm năng lượng (TTKC&TKNL) Cần Thơ, cho biết: Hằng năm TTKC&TKNL Cần Thơ đều triển khai kế hoạch kiểm toán năng lượng cho nhiều doanh nghiệp công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Và qua hoạt động kiểm toán, TTKC&TKNL Cần Thơ đã giúp cho nhiều doanh nghiệp nhận diện ra những tổn thất điện năng trong quá trình sản xuất, từ đó có thể chủ động lựa chọn đầu tư, ứng dụng các công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm tại đơn vị.
Cùng với đó, TTKC&TKNL Cần Thơ còn tổ chức nhiều chương trình hội thảo chuyên đề, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở các ngành công nghiệp như chế biến thủy sản, thép, nhựa, dệt may... tiếp cận các nhà đầu tư cũng như các đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp tài chính hay giải pháp công nghệ mới vào sản xuất để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, tiết giảm chi phí vận hành, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thị trường.
TP Cần Thơ có nhiều doanh nghiệp chú trọng việc thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; kết hợp tăng cường đầu tư công nghệ, thiết bị hiện phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Ðiển hình là Công ty Thép Tây Ðô, Khu Công nghiệp Trà Nóc 1, quận Bình Thủy đã ứng dụng giải pháp chuyển đổi công nghệ vào quy trình sản xuất, lắp biến tần cho các thiết bị sản xuất, đầu tư robot hàn khung thép… để vừa gia tăng hiệu quả tiết kiệm điện, vừa tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Cùng đó, Công ty còn triển khai các nội dung tuyên truyền vận động cán bộ, công nhân viên trong đơn vị nghiêm túc thực hành tiết kiệm điện tại đơn vị… Nhờ áp dụng nhiều biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, nên Công ty đã tiết giảm hơn 15% điện năng tiêu thụ/tháng so với trước.
Là một trong những doanh nghiệp tiêu thụ điện năng lớn, chi trả bình quân hơn 1 tỉ đồng tiền điện/tháng, nên nhu cầu tiết kiệm điện trong sản xuất rất được Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ quan tâm. Ông Huỳnh Việt Chương, Trưởng phòng Cơ điện của Caseamex, cho biết: Ðể gia tăng hiệu quả quả sử dụng điện tiết kiệm, Caseamex đã lắp đặt hệ thống đèn led tiết kiệm điện cho toàn bộ khu vực nhà máy, nhà xưởng và tòa nhà văn phòng. Cùng với đó, Caseamex còn đầu tư lắp đặp hệ thống điện mặt trời áp mái, có công suất 1M, đáp ứng hơn 50% nhu cầu điện năng cho sản xuất… Theo ông Chương, việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật, công nghệ đã giúp Caseamex tiết giảm được chi phí tiền điện đáng kể mỗi tháng, góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh cho mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu của doanh nghiệp.
Cùng với việc chủ động áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất của nhiều doanh nghiệp công nghiệp, việc Bộ Công Thương và các ngành chức năng tại các địa phương đẩy mạnh triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất… Ðiều này sẽ tạo ra hiệu ứng kép, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp tăng cường đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng, hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng xanh, sạch và bền vững.
Nguồn: Báo Cần Thơ