Thứ sáu, 27/12/2024 | 11:08 GMT+7

Giải pháp thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp

26/08/2022

Sáng 26/8/2022, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp".

Tham gia diễn đàn có ông Hoàng Việt Dũng - Chuyên viên Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương; ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (Enerteam), bà Đinh Hương Thủy - Phó Giám đốc Ban nguồn vốn ủy thác quốc tế  - Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Diễn đàn còn có sự tham gia của đại diện các hội, hiệp hội trong lĩnh vực năng lượng, các chuyên gia năng lượng cùng đông đảo cơ quan báo chí truyền hình.
Diễn đàn Giải pháp thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp
Sử dụng năng lượng còn nhiều lãng phí
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Hoàng Việt Dũng đã khái quát về nhu cầu cũng như khả năng cung ứng năng lượng ở Việt Nam. Trong 1 thập kỷ vừa qua, tốc độ tăng trưởng năng lượng của Việt Nam tăng 5-6% nhưng tốc độ tăng trưởng về nhu cầu điện thì cao hơn nhiều, khoảng 9,5% (giai đoạn 2011-2019). Theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện trong giai đoạn tới vẫn tăng trưởng 8-9%/năm. Cùng với việc các nhà máy điện mới cũng chưa đạt tiến độ đề ra, sẽ đặt ra thách thức lớn trong vấn đề đảm bảo cân bằng cung cầu năng lượng, đặc biệt là điện. 
Ông Hoàng Việt Dũng khái quát về nhu cầu và khả năng cung ứng năng lượng điện ở Việt Nam
Đặc biệt, từ năm 2015, Việt Nam chuyển từ nước xuất khẩu về năng lượng thành nước nhập siêu về năng lượng. Và lượng nhập khẩu năng lượng sẽ càng ngày càng tăng trong những năm tới.
Đánh giá về việc sử dụng năng lượng hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghiệp, ông Mã Khai Hiền nhìn nhận, cần phải cải thiện chất lượng “cầu” của năng lượng, hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn, bền vững hơn.
Chúng ta không thể xây mãi các nhà máy điện để đáp ứng cho nhu cầu của các ngành công nghiệp có thiết bị tiêu thụ năng lượng lớn và gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều như xi măng, sắt thép,…cần phải áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) để cắt giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống”, ông Hiền nhấn mạnh.
Giải pháp trọng tâm giai đoạn 2019 - 2030 
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 280/QĐ-TTg - phê duyệt Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Chương trình đề ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn 2019-2030 tương ứng việc tiết kiệm 60 – 80 triệu tấn dầu quy đổi, các mục tiêu cụ thể nhằm đạt mức giảm tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng từ 6,8% lên tới 24,81% theo ngành/phân ngành.
Theo ông Dũng, tiềm năng TKNL trong ngành công nghiệp có thể đạt từ 20 – 30%, nhưng để tiềm năng TKNL trở thành hiện thực cần tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính bao gồm: rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Xây dựng cơ chế tài chính thúc đẩy TKNL; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong đó, nhóm giải pháp về tài chính là giải pháp trọng tâm giai đoạn 2019 - 2030 cần được đẩy mạnh. Về giải pháp này, Bộ Công Thương đã triển khai các dự án hợp tác quốc tế trong đó có các dự án của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cho vay đầu tư tiết kiệm năng lượng, thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng… Vụ TKNL đã tiến hành nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa Luật Sử dụng năng lượng TK&HQ. Trong đó, tập trung bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi cho hoạt động đầu tư TKNL và xem xét thành lập Quỹ TKNL.
Việc thực hiện tiết kiệm năng lượng đã và đang được triển khai thực hiện rất tích cực trong thời gian qua, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa như kỳ vọng. Nói về nguyên nhân, ông Dũng cũng cho biết, nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm về lợi ích của tiết kiệm năng lượng còn chưa đầy đủ.
Trong khi đó, ông Mã Khai Hiền nhận định, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức chủ quan và khách quan nên cũng ảnh hưởng đến vận hành ổn định của doanh nghiệp, doanh nghiệp thường có tâm lý ngại ngần khi quyết định đầu tư dài hạn cho các giải pháp TKNL. Ngoài ra, nguồn nhân lực tư vấn chuyên sâu về công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn thiếu.
Ông Mã Khai Hiền đã chỉ ra những khó khăn khiến việc thực hiện tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp chưa đạt được kỳ vọng
Thị trường hiện chưa có nhiều quỹ đầu tư hỗ trợ TKNL, thay đổi công nghệ hướng tới TKNL chưa có hoặc hạn chế. Mô hình ESCO ở Việt Nam chưa thành công, có chăng chỉ có mô hình ESCO mặt trời thành công còn nâng cấp chuyển đổi công nghệ thì gặp rất nhiều khó khăn và khó thực hiện.
Chia sẻ về các nguồn lực quốc tế hỗ trợ Việt Nam trong triển khai các dự án thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, ông Hoàng Việt Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất tích cực trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực năng lượng nói chung và tiết kiệm năng lượng nói riêng. Có thể kế đến như: Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 hợp tác tác với Chính phủ Đan Mạch.
Ngoài ra còn một số chương trình khác như: Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam giai đoạn II do USAID tài trợ, Dự án thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp do Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) hay hợp tác với đối tác GIZ để tài trợ hỗ trợ truyền thông, đào tạo, đầu tư cho doanh nghiệp thực hiện TKNL. 
Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã kết thúc Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp Việt Nam (VEEIE) được triển khai từ 2018 - 2022. Dự án có sự tham gia của các ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB). Trong gần 5 năm triển khai, dự án đã đạt được các kết quả nổi bật sau: gần 30 doanh nghiệp trong các ngành xi măng, mía đường, thép, thủy tinh, gạch ngói đã được nhận hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp từ dự án, đánh giá hiệu quả vận hành và đưa ra các giải pháp TKNL cho các tiểu dự án tiềm năng.
Đối với những chỉ số TKNL và giảm phát thải khí nhà kính, dự án đã có những kết quả nổi bật như: lượng năng lượng tiết kiệm được hàng năm là hơn 1 triệu MWh/ năm, vượt 159% so với dự kiến ban đầu là hơn 600.000 MWh/năm; lượng năng lượng tiết kiệm được hàng năm tính theo vòng đời của các tiểu dự án là hơn 8 triệu MWh/năm, lượng phát thải khí nhà kính tránh được hàng năm là hơn 900.000 tấn CO2 và lượng phát thải khí nhà kính tránh được tính theo vòng đời các tiểu dự án là hơn 19 triệu tấn CO2. 
Tiếp nối ngay sau đó, Dự án Thúc đẩy TKNL trong các ngành Công nghiệp Việt Nam (VSUEE) với quy mô 11,3 triệu USD cũng đã được khởi động. Dự án do Quỹ khí hậu xanh (GCF) tài trợ không hoàn lại thông qua Ngân hàng Thế giới (World Bank) với tổng kinh phí là 11,3 triệu USD. Dự án gồm 2 hợp phần:
Hợp phần 1: Vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro (RSF): GCF cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 03 triệu USD do Đơn vị thực hiện Chương trình (PIE) quản lý và thực hiện. PIE triển khai các hoạt động liên quan đến việc cung cấp và phát hành các bảo lãnh rủi ro cho các dự án vốn vay đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư cho tiết kiệm năng lượng tiếp cận Quỹ Chia sẻ rủi ro có trị giá 75 triệu USD do GCF thành lập và ủy quyền cho Ngân hàng Thế giới quản lý. Quỹ này sẽ cung cấp bảo lãnh một phần rủi ro tín dụng cho các tổ chức tài chính (PFI) tham gia dự án để bảo lãnh các khoản vay dành cho các doanh nghiệp công nghiệp (IE)/ các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) đầu tư dự án về tiết kiệm năng lượng. Ngân hàng SHB là đơn vị quản lý Quỹ chia sẻ rủi ro, phát hành bảo lãnh trong suốt quá trình triển khai dự án.
Hợp phần 2: Hợp phần kỹ thuật do Bộ Công Thương quản lý và thực hiện. Khi tham gia vào dự án, các ngân hàng thương mại được cung cấp các khóa đào tạo tăng cường năng lực để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn trong việc xác định, thẩm định và triển khai các dự án cho vay hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp; phát triển kinh doanh các sản phẩm tín dụng về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng và được tiếp cận với các công cụ quản lý rủi ro với chi phí thấp. Các IE và các nhà cung cấp dịch vụ TKNL được đào tạo chuyên sâu về nhận diện các dự án tiết kiệm năng lượng, tính toán tiềm năng tiết kiệm năng lượng, tính toán tính khả thi về mặt kinh tế và thực hiện các kiểm toán năng lượng, thiết kế kỹ thuật và chuẩn bị dự án để phát triển các dự án có thể được ngân hàng tài trợ.
Xây dựng cơ chế tài chính dành cho doanh nghiệp
Với tư cách là  một đối tác tham gia dự án VEEIE, Bà Đinh Hương Thuỷ đã đưa ra lời khuyên dành cho các doanh nghiệp khi thực hiện vay vốn đối với các dự án TKNL. Theo bà Thuỷ, việc đầu tiên các doanh nghiệp cần làm là thường xuyên cập nhật công nghệ. Đồng thời, ngay từ khi triển khai xây dựng dự án, doanh nghiệp cần tính toán rất kỹ mức tiêu thụ năng lượng, những thông số kỹ thuật và tác động đến môi trường – xã hội vì các nhà tài trợ rất quan tâm đến thông số này để có thể đủ điều kiện vay vốn từ các nhà tài trợ. Đặc biệt, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch tài chính rất cụ thể để đảm bảo toàn bộ dự án được diễn ra thực hiện thông suốt. 
Bà Đinh Hương Thuỷ đưa ra lời khuyên dành cho các doanh nghiệp khi thực hiện vay vốn đối với các dự án TKNL
Bên cạnh đó, phía ngân hàng sẽ thường xuyên cập nhật những thông tin, những gói sản phẩm hỗ trợ trên website chính thức và các nền tảng mạng xã hội để doanh nghiệp có thể tìm kiếm những gói hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp mình.
Chia sẻ thêm về Quỹ chia sẻ rủi ro, bà Thuỷ cho biết, khi BIDV được Bộ Công Thương và WB lựa chọn tham gia vào quỹ này với cơ chế bảo lãnh tín dụng cho tiết kiệm năng lượng, BIDV sẽ cung cấp thêm cho doanh nghiệp nguồn vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi hơn, và nhiều doanh nghiệp được tham gia hơn.
Quỹ chia sẻ rủi ro không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn mang lợi ích cho các ngân hàng đối tác, cơ sở cộng đồng. Đây là kênh đầu tư mới và khi có quỹ đảm bảo các dự án của doanh nghiệp được lọc ngay từ đầu, được phân cấp dòng tiền. Ngân hàng cũng sẽ mở rộng được kênh đầu tư hơn.
Đóng góp ý kiến về cơ chế thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam, ông Mã Khai Hiền cho rằng, Việt Nam cần tiếp cận từ nhiều phía. Nhà nước phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp và cả người dân tuân thủ, thực hiện tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, đầu tư nâng cao năng lực quản lý của cho các cơ quan quản lý ở địa phương như các Sở Công Thương, trung tâm TKNL. Đặc biệt, phải có cơ chế tài chính trong nước rõ ràng để huy động và khơi thông các nguồn vốn giá rẻ, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính giá rẻ này để đầu tư các giải pháp TKNL.
Đại diện cho phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Hoàng Việt Dũng cho rằng, điểm nghẽn về đầu tư tiết kiệm năng lượng trên quy mô rộng chính là cơ chế tài chính ưu đãi cũng như hành lý pháp lý, nguồn vốn dồi dào hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tiết kiệm năng lượng. Mặc dù nguồn lực của ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nhưng trong Chương trình VNEEP 3 có 1 hợp phần về thí điểm xây dựng quỹ hỗ trợ thúc đẩy TKNL, hy vọng trong những năm tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thí điểm vận hành quỹ này.
Tiềm năng TKNL trong khối công nghiệp là rất lớn. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn nhiên liệu, năng lượng ngày càng trở nên khan hiếm thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn góp phần giảm phụ thuộc nhập khẩu năng lượng. Tiêu tốn ít năng lượng hơn cũng đồng nghĩa giảm phát thải ra môi trường.
Cả nước hiện có 2.961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng số điện năng tiêu thụ mỗi năm của các cơ sở này là hơn 70 tỷ kWh, chiếm hơn 32% tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc. Các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ mỗi năm thì hàng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh điện (tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện khoảng 2.700 tỷ đồng)
Tố Quyên