Thứ bảy, 21/12/2024 | 18:58 GMT+7

Bộ Công Thương công bố Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

10/08/2023

Ngày 9/8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị công bố các Quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.

Bảo đảm an ninh năng lượng
Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023.
Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng và ngành khai khoáng Việt Nam hiệu quả hơn, bền vững hơn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị.
Trong đó, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng; ứng dụng những thành tựu của phát triển khoa học công nghệ trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực, phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ của thế giới; thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Hướng đến kinh tế xanh
Quy hoạch khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, cùng với việc phát triển năng lượng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được xem là những điểm nhấn nổi bật trong ba quy hoạch ngành về năng lượng.
Để triển khai có hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ ập trung làm thật tốt công tác truyền thông phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo đồng thuận xã hội, thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đề ra.
Khẩn trương tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các Kế hoạch thực hiện quy hoạch, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện; trong đó, cần xác định rõ các nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, bảo đảm các phương án Quy hoạch được triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn; Tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách liên quan, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế, góp phần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về lĩnh vực năng lượng và quản lý tài nguyên khoáng sản, nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa cho đầu tư hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt hiện đại, thông minh; phát triển năng lượng bền vững theo hướng xanh hóa, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với không gian, lợi thế so sánh của các vùng, địa phương, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương theo tiến hành rà soát, cập nhật các chủ trương, định hướng đề ra trong các quy hoạch ngành về năng lượng để điều chỉnh, bổ sung, tích hợp vào các quy hoạch ngành có liên quan và quy hoạch tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch.
Bộ trưởng cũng đề nghị các tập đoàn, tổng công ty năng lượng như EVN, PVN, TKV… và các hiệp hội ngành nghề tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong quy hoạch; đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách khả thi và tích cực tham gia góp ý với các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng các quy định, chính sách liên quan đến lĩnh vực năng lượng, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, vừa tăng cường sự quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
Mục tiêu cơ bản của Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia
- Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050:
-Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng 107 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 165 - 184 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.
- Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp 155 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và 294 - 311 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.
- Nâng tổng mức dự trữ xăng dầu cả nước (bao gồm cả dầu thô và sản phẩm) lên 75 - 80 ngày nhập ròng vào năm 2030. Định hướng sau năm 2030, xem xét tăng dần mức dự trữ lên 90 ngày nhập ròng.
- Về chuyển đổi năng lượng công bằng, đặt mục tiêu tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 15 - 20% năm 2030 và khoảng 80 - 85% năm 2050.
- Tiết kiệm năng lượng khoảng 8 - 10% vào năm 2030 và khoảng 15 - 20% vào năm 2050 so với kịch bản phát triển bình thường.
- Mức thải khí nhà kính khoảng 399 - 449 triệu tấn năm 2030 và khoảng 101 triệu tấn vào năm 2050. Mục tiêu cắt giảm khí nhà kính 17 - 26% vào năm 2030 khoảng 90% vào năm 2050 so với kịch bản phát triển bình thường. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.

Anh Thư