Thứ sáu, 03/05/2024 | 23:10 GMT+7

Tiết kiệm điện hiệu quả phải thực chất, thường xuyên, có chiều sâu

27/06/2023

Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho rằng để tiết kiệm điện thực chất và hiệu quả, cần có chiều sâu trong triển khai và thực hiện.

Đây là nội dung được ông Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh trong các buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) với lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong các buổi làm việc, đoàn công tác cũng đánh giá kết quả triển khai các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025; các giải pháp sử dụng điệu tiết kiệm và hiệu quả mùa nắng nóng; đồng thời, xây dựng kế hoạch tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Tiết kiệm điện đạt kết quả tích cực
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, cho biết nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Giang và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), việc thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn những năm qua đã đạt được kết quả khả quan. Đến nay, ý thức, thói quen sử dụng điện tiết kiện của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bản đã đi vào nề nếp, không còn tình trạng sử dụng điện lãng phí.
Đoàn công tác của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) do Phó Vụ trưởng Trịnh Quốc Vũ dẫn đầu làm việc với lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Giang
Các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ý thức được việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Hiện 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện xây dựng và thực hiện kế hoạch sử dụng tiết kiệm điện năng hàng năm theo hướng dẫn thực hiện tiết kiệm diện trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Một số huyện có sản lượng điện tăng do có một số cơ quan, đơn vị mới được đầu tư xây dựng đi vào hoạt động.
Đặc biệt, triển khai thực hiện Luật Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả nhất định. Các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm đã tuyên truyền cho cán bộ, công nhân về ý thức tiết kiệm điện, có quy chế sử dụng năng lượng…
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Bộ Công Thương trình ban hành sớm danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm để các Sở Công Thương sớm triển khai, đôn đốc các đơn vị thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời sao gửi bản đăng ký dán nhãn năng lượng của các đơn vị về Sơ Công Thương dễ thuận tiện trong công tác quản lý.
Theo ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở ban ngành liên quan, đến nay nhận thức của cộng đồng người dân, tổ chức doanh nghiệp về tiết kiệm điện được nâng lên. Hiện đa phần các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đã thực hiện việc kiểm toán năng lượng, chỉ định người quản lý năng lượng…
Đối với sản lượng điện tiết kiệm, năm 2022, sản lượng điện thương phẩm đạt hơn 5,4 tỷ kWh, sản lượng điện tiết kiệm đạt hơn 114 triệu kWh chiếm 2,1%. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện tiết kiệm đạt hơn 45 triệu kWh, tỷ lệ tiết kiệm đạt 2,2%.
Mùa khô năm nay, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cũng tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai các giải pháp bảo đảm cung cấp điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh trước tác động của biến đổi khí hậu, năng nóng gia tăng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, chỉ đạo ưu tiên cao nhất bảo đảm cấp điện ổn định, liên tục cho các đơn vị ngành than để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu cấp than cho các nhà máy nhiệt điện; ưu tiên cho các doanh nghiệp công nghiệp chế biến - chế tạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn, các khu vực dịch vụ, du lịch trọng điểm...
Với những ngành, lĩnh vực tiêu thụ năng lượng lớn nhưng tạo ra giá trị gia tăng thấp, ảnh hưởng môi trường, có kế hoạch cụ thể điều tiết cắt giảm nguồn cung cấp điện phù hợp. Đồng thời chú trọng thực hiện các giải pháp triệt để tiết kiệm điện chiếu sáng ở đô thị, nông thôn, các cơ sở, tổ hợp đa năng kết hợp tòa nhà cho thuê, các trụ sở cơ quan, công sở, điện chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời sử dụng nhiều điện, tiêu tốn điện năng.
Theo ông Nguyễn Công Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố Hải Phòng ban hành chỉ thị về tiết kiệm điện, quyết định về kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó đề ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2020 – 2025 cho các ngành. Nguồn kinh phí dự kiến (trong kế hoạch được duyệt) giai đoạn 2020 – 2025 là hơn 378 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách thành phố là hơn 47 tỷ đồng, nguồn vốn hợp pháp khác là hơn 331 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2020 – 2022, hàng năm TP Hải Phòng tiết kiệm dưới 2% tổng điện năng tiêu thụ. Riêng 5 tháng đầu năm nay, toàn thành phố tiết kiệm được gần 50 triệu kWh điện.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện, năm 2022, tỉnh đã tiết kiệm hơn 174 triệu kWh, đạt tỷ lệ 2,07%. Trong 3 tháng đầu năm nay, sản lượng điện tiết kiệm là hơn 36,8 triệu kWh, đạt tỷ lệ 2,06%.
Tháo rào cản, gỡ vướng mắc
Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, các địa phương cho biết còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo ông Nguyễn Văn Phương, trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tiết kiệm điện tại Bắc Giang, vẫn còn một số đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm chưa thực hiện lập kế hoạch năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kiểm toán năng lượng, người quản lý năng lượng chưa có chứng chỉ theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, một số đơn vị sử dụng dây chuyền công nghệ cũ chưa đồng bộ, chưa tiết kiệm năng lượng do đầu tư từ lâu, việc đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ mới gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư, thay thế tương đối lớn. Hiện nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên việc bố trí vốn để thực hiện tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp (như thay thế dây chuyền cũ, lạc hậu...) tương đối khó khăn.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh làm việc với Đoàn công tác của Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương)
Tương tự, theo ông Lê Hồng Giang, việc triển khai thực hiện tiết kiệm điện tại Quảng Ninh cũng còn một số khó khăn vướng mắc. Theo đó, hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư các nhà đầu tư vào hoạt động, tuy nhiên một số dự án thuộc các lĩnh vực, ngành nghề có nhu cầu sử dụng điện lớn hơn rất nhiều so với chỉ tiêu cấp điện được quy định như chế tạo tấm pin quang năng, sản xuất hạt nhựa... Do đó việc đưa ra tiêu chí lựa chọn, thu hút đầu tư là rất khó khăn.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn chưa thực sự quan tâm đến công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chưa báo cáo đầy đủ tình hình tiêu thụ năng lượng tại doanh nghiệp
Ông Nguyễn Công Hân cho rằng hiện thủ tục khai báo nhiều lần gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như công tác quản lý của cơ quan quản lý. Đáng chú ý, một số cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có mức tiêu thụ điện từ 100.000 kWh trở lên chưa chấp hành nghiêm việc báo cáo tình hình sử dụng năng lượng hàng năm và xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng.
Thứ nữa, chi phí định mức đơn giá về kiểm toán năng lượng chưa có, do đó chất lượng kiểm toán được lập chưa cao. Việc thực hiện kiểm toán năng lượng của một số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm còn mang tính đối phó. Một trong những lý do doanh nghiệp đưa ra chưa thực hiện thay thế các phương tiện, thiết bị, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng là kinh phí của đơn vị đặc biệt đối với ngành công nghiệp đã có quy định về định mức tiêu hao năng lượng... Khó khăn trong việc đánh giá kết quả thực hiện.
Tiết kiệm năng lượng phải thực chất, thường xuyên và có chiều sâu
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo an ninh và thúc đẩy phát triển bền vững trong lĩnh vực năng lượng. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng giúp giảm ô nhiễm môi trường, tăng cường an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường sự cạnh tranh và tạo ra nhiều cơ hội kinh tế.
Ngày 7/5/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025. Trong chỉ thị này, Bộ Công Thương được giao chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để theo dõi, đôn dốc và kiểm tra tình hình triển khai.
Đoàn công tác của Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) làm việc tại Sở Công Thương các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Hải Phòng
Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đánh giá cao công tác tham mưu tổ chức thực hiện chương trình tiết kiệm điện của Sở Công Thương các tỉnh trong đảm bảo hiệu quả của chương trình tiết kiệm điện.Việc công tác tham mưu tổ chức thực hiện chương trình này đảm bảo sự tăng cường nhận thức, định hướng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân trong việc thực hiện tiết kiệm điện.
Công tác tham mưu tổ chức thực hiện chương trình tiết kiệm điện không chỉ giúp nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng mà còn tạo ra sự nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng năng lượng tiết kiệm. Điều này có tác động lớn đến sự bền vững của ngành năng lượng và giúp xây dựng một môi trường sống xanh, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho rằng để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xác định tiết kiệm điện là “ích nước lợi nhà”, Sở Công Thương các tỉnh cần tăng cường kiểm tra và đánh giá định kỳ việc tuân thủ quy định về tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng cường việc kiểm tra và giám sát việc tuân thủ quy định về tiết kiệm điện của các doanh nghiệp. Điều này bao gồm việc đảm bảo doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, sử dụng thiết bị tiết kiệm điện và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan.
Tiết kiệm điện không chỉ là khẩu hiệu mà là một thực tế và giải pháp quan trọng trong bối cảnh thiếu điện hiện nay. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự chung tay của mọi người trong việc bảo vệ nguồn năng lượng và phát triển bền vững”, ông Vũ nói.
Vẫn theo ông Vũ, hiện nay Bộ Công Thương đang phối hợp cùng World Bank (WB) triển khai các chương trình cho vay đầu tư tiết kiệm năng lượng. Với việc hỗ trợ bằng khoản vay ưu đãi, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn để nâng cao năng lực tài chính, sẵn sàng cho việc chuyển đổi các công nghệ tiết kiệm năng lượng hiện đại. Điều này vừa giúp tiết giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh, vừa đóng góp đáng kể cho các mục tiêu giảm phát thải chung của cả nền kinh tế. Từ đó, ông Vũ đề nghị lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh có thể cung cấp thông tin, tư vấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp và cá nhân về chương trình cho vay đầu tư tiết kiệm năng lượng, để biện pháp tiết kiệm điện được hiệu quả.
Trong đó, cần tiến hành đánh giá và phân tích cụ thể về tình hình sử dụng năng lượng trong tổ chức, ngành công nghiệp hoặc cộng đồng. Dựa trên đánh giá và phân tích, cần lập kế hoạch và đặt mục tiêu cụ thể về tiết kiệm năng lượng.
Để tiết kiệm năng lượng hiệu quả, cần thay đổi hành vi và tạo ý thức tiết kiệm năng lượng cho tất cả các thành viên trong tổ chức hoặc cộng đồng. Việc giáo dục, tư vấn và thông tin về lợi ích của tiết kiệm năng lượng sẽ giúp tạo ra sự nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng năng lượng. Tiết kiệm năng lượng muốn hiệu quả phải thực chất, thường xuyên và có chiều sâu trong thực hiện”, ông Vũ nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Công Thương