Thứ sáu, 10/01/2025 | 23:05 GMT+7

Tiết kiệm điện để đưa phát thải ròng về “0” - Bài 2: Nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến công nghệ

23/07/2023

Việc phát triển thị trường sản phẩm, thiết bị điện đáp ứng tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng và nhãn năng lượng sẽ giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải CO2, đồng thời tiết kiệm chi phí cho chính người tiêu dùng.

Nâng cao chất lượng sản phẩm
Một trong những giải pháp quan trọng để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Bộ Công Thương khuyến cáo là sử dụng các sản phẩm, thiết bị có dán nhãn năng lượng, đặc biệt là nhãn năng lượng hiệu suất cao nhất. Những sản phẩm được dán nhãn năng lượng là những sản phẩm đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn bắt buộc về hiệu suất năng lượng, giúp người mua biết được các thông tin, chỉ số và khả năng tiết kiệm điện của các thiết bị. Từ đó có thể lựa chọn được sản phẩm chất lượng, hiệu suất năng lượng cao, tốn ít điện năng.
Chương trình dán nhãn năng lượng và quản lý hiệu suất năng lượng tối thiểu tại Việt Nam được bắt đầu triển khai từ năm 2011 theo hình thức tự nguyện và chính thức áp dụng bắt buộc 2 năm sau đó (năm 2013). Chương trình này được thực hiện thông qua việc xây dựng 50 bộ tiêu chuẩn quốc gia quy định hiệu suất năng lượng cho 19 chủng loại thiết bị tiêu thụ năng lượng, trong đó có 4 chủng loại chính: sản phẩm gia dụng, các sản phẩm dùng trong khu công nghiệp, các sản phẩm dùng trong kinh doanh và các các sản phẩm trong phương tiện giao thông. 
Bên cạnh 2 loại nhãn năng lượng bắt buộc (nhãn nhận biết và nhãn so sánh), những năm gần đây, Bộ Công Thương đã khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện, tham gia phát triển các sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao thông qua việc tổ chức giải thưởng “Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất”. Giải thưởng này nhằm tôn vinh các nhà sản xuất, sản phẩm ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đạt hiệu quả năng lượng vượt trội (trên mức 5 sao) cung cấp cho thị trường Việt Nam, khuyến khích xu hướng tiêu dùng xanh, hướng tới sử dụng các sản phẩm ít tiêu hao năng lượng. 
Giải thưởng Hiệu suất năng lượng do Bộ Công Thương tổ chức đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia
Tính đến nay, đã có hơn 300 sản phẩm được công nhận và dán nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất, 20 thương hiệu đã được Bộ Công Thương tôn vinh. Các sản phẩm bao gồm: điều hoà không khí, máy giặt, bình đun nước nóng, động cơ điện, sản phẩm chiếu sáng dân dụng và chiếu sáng công cộng…
Là một doanh nghiệp ba năm liền đều đạt giải thưởng hiệu suất năng lượng cao nhất ở Việt Nam, Công ty Cổ phần Daikin Air Conditioning Vietnam luôn nỗ lực cải tiến chất lượng, cho ra đời những sản phẩm điều hòa không khí tiết kiệm điện nhiều nhất. Ngay từ khi chương trình dán nhãn năng lượng được triển khai, Công ty Daikin Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tự nguyện thử nghiệm và dán nhãn năng lượng cho các dòng sản phẩm. Công ty luôn nghiên cứu, cải tiến các sản phẩm mới nhằm đáp ứng được các nhãn năng lượng ở mức cao nhất. Đây là chiến lược của công ty nhằm cạnh tranh với các thương hiệu khác trên thị trường.

 
Một trong những công nghệ nổi bật của điều hoà không khí Daikin là công nghệ inverter. Công nghệ này cho phép sản phẩm có cơ chế điều khiển hoạt động chính xác, có khả năng tăng công suất để đạt được nhiệt độ mong muốn một cách nhanh chóng (Ảnh minh hoạ - Internet)
Bên cạnh đó, Daikin còn cung cấp những giải pháp giúp khách hàng có thể vận hành tối ưu các hệ thống điều hoà sẵn có của mình. Cụ thể, đối với các tòa nhà thương mại Daikin đã ứng dụng giải pháp dùng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ cho việc cắt định tải. Dự kiến trong năm 2023 giải pháp này sẽ được nhân rộng và phổ biến tại Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Cục Điều tiết điện lực; Còn đối với bên dân dụng, Daikin cũng đã đưa ra những giải pháp thử nghiệm giúp cho người tiêu dùng vận hành tối ưu các hệ thống điều hòa của mình. Daikin có một dự án khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng có thu nhập thấp khi có nhu cầu sử dụng những sản phẩm tiết kiệm điện hơn. Dự án này đang được Daikin Vietnam thí điểm tại An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, tính đến năm 2020, đã có trên 85% người tiêu dùng quan tâm, sử dụng sản phẩm có dán nhãn năng lượng. Đặc biệt, người tiêu dùng đang có xu hướng và ngày càng yêu thích, mong muốn, thậm chí là sẵn sàng chi ra một khoản tiền không nhỏ để được sử dụng những sản phẩm chất lượng tốt, tiết kiệm năng lượng, hiệu suất cao. Đây là một tín hiệu đáng mừng về ý thức tiết kiệm năng lượng của người dân.
Ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh Văn phòng ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương cho biết: “Bộ Công Thương đang rà soát hệ thống tiêu chuẩn hiện hành và cơ sở hạ tầng phục vụ dán nhãn năng lượng. Sắp tới dự kiến sẽ bổ sung khoảng 6 sản phẩm vào chương trình quản lý hiệu suất năng lượng, chương trình dán nhãn cũng như chương trình hiệu suất năng lượng tối thiểu.
Sản phẩm mục tiêu lớn trong giai đoạn này là sản phẩm bếp từ, bếp hồng ngoại, điều hòa VRV (điều hòa công suất lớn), bóng đèn led và một số sản phẩm khác cũng đang trong quá trình nghiên cứu và sẽ trình Chính phủ để ban hành trong thời gian tới. Dự kiến đến năm 2025 sẽ công bố những quy định về sản phẩm hiệu suất năng lượng mới này.​
Chuyển đổi dây chuyền, thiết bị hiệu suất lớn
Chương trình dán nhãn năng lượng đã phần nào chứng minh hiệu quả trong việc tăng hiệu suất tiêu thụ điện và giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên điều này vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu giảm phát thải về 0 vào năm 2050. Để giúp lộ trình net-zero đi đúng hướng, bên cạnh việc sử dụng các trang thiết bị hiệu suất năng lượng cao, các doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm cần chú trọng đến việc cải tiến công nghệ, chuyển đổi dây chuyền thiết bị hiệu suất lớn.
Giải pháp này đã được Nhà máy bia Hà Nội - Mê Linh thực hiện hiệu quả trong 5 năm gần đây. Theo đó, nhằm đảm bảo hiệu quả các công đoạn sản xuất, tăng hiệu suất, giảm hao phí năng lượng trong các công đoạn nấu, lên men, lọc, chiết của quá trình sản xuất, Nhà máy đã tiến hành cải tiến các công nghệ cũ, áp dụng các công nghệ mới đảm bảo hiệu suất thu hồi cao nhất như: lắp đặt biến tần cho bơm thổi bể SBR; lắp đặt bình tích áp, sử dụng máy nén khí độc lập cho hệ thống đuổi bã,...
Hệ thống biến tần tại Nhà máy bia Hà Nội - Mê Linh
Nhà máy đã đầu từ lắp biến tần cho các bơm nước cấp, bơm bia, bơm CIP trong các khu vực. Đồng thời, điều khiển tự động, đóng mở theo nhiệt độ đối với toàn bộ hệ thống quạt cấp lạnh cho khu vực lên men, lọc giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ hiệu quả.
Ngoài ra, đối với toàn bộ hệ thống trang thiết bị, Nhà máy luôn vận hành tuân thủ đúng quy trình, quy phạm đã ban hành, có chế độ bảo dưỡng, sửa chữa hợp lý, đảm bảo thời gian sử dụng thiết bị đạt hiệu quả cao, giải pháp này không những làm gia tăng tuổi thọ cho thiết bị mà còn giúp hạn chế đến mức thấp nhất việc tiêu thụ năng lượng.
Nhờ đó, Nhà máy Bia Hà Nội - Mê Linh là một trong những cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm của Hà Nội có mức tiết kiệm năng lượng tăng đáng kể qua các năm (từ -7,2% năm 2018 lên 17,04% năm 2021).
Trong thời gian tới, Nhà máy Bia Hà Nội - Mê Linh dự kiến sẽ áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới giúp tiết kiệm năng lượng hơn bao gồm: Vận hành tối ưu máy nén khí (dự kiến sẽ giúp tiết kiệm 9,6% điện năng sử dụng tại khu vực); Lắp đặt ống hút khí nóng cho hệ thống máy nén khí (dự kiến tiết kiệm được 1,5% điện năng tiêu thụ tại khu vực máy nén, nâng cao tuổi thọ thiết bị và giảm thời gian bảo trì, bảo dưỡng); Lắp đặt bồn trữ lạnh cho hệ thống máy nén lạnh glycol: Giải pháp này nhằm giảm chi phí điện năng trong giờ cao điểm. Theo tính toán sẽ giảm chi phí tiền điện lên đến 30-40%.
Để thúc đẩy thói quen mua sắm xanh, lựa chọn các thiết bị hiệu suất năng lượng cao nhất, cần tăng cường liên kết mạng lưới giữa nhà nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng các sản phẩm dán nhãn năng lượng, đem đến cho người tiêu dùng trải nghiệm với các sản phẩm dán nhãn năng lượng hiện đại, thân thiện môi trường cũng như tham gia mua sắm các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng năng lượng với mức giá tốt nhất từ các nhà cung cấp và các hoạt động bên lề khác. 
Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích người tiêu dùng mua sắm các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, hiệu suất cao như: giảm giá sản phẩm, quà tặng,... Đồng thời, việc tiết kiệm điện năng cũng như giảm phát thải môi trường luôn phải nằm trong kế hoạch kinh doanh và có định hướng chiến lược lâu dài của các doanh nghiệp.
Ngày 25/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 14/2023/QĐ-TTg ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới. Xem chi tiết TẠI ĐÂY
Tố Quyên