Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:38 GMT+7

Tiết kiệm điện để đưa phát thải ròng về "0" - Bài 1: Rút ngắn khoảng cách từ nhận thức đến hành động

23/07/2023

Thông qua nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhiều doanh nghiệp đã đặc biệt quan tâm đến các giải pháp tiết kiệm điện trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Trong những năm qua, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ là giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, mà còn giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. 
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là giải pháp quan trọng đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 (khẳng định lại tại COP27) về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Những tín hiệu tích cực
Tại Việt Nam, các chương trình hành động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai thực hiện từ rất sớm. Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với nhiều hoạt động, giải pháp được tổ chức triển khai trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và trên phạm vi cả nước. Một trong những giải pháp trọng tâm trong giai đoạn đầu của Chương trình là tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội về trách nhiệm và lợi ích của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
 Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 nhằm cung cấp, cập nhật thông tin về tình hình cung ứng điện và phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc.
Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các doanh nghiệp nói riêng và của toàn cộng đồng nói chung đã được nâng cao rõ rệt so với trước đây. “Qua công tác kiểm tra giám sát thực thi các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Bộ Công Thương, trên 90% người dân đã hiểu được lợi ích của tiết kiệm năng lượng và đã nắm bắt được các giải pháp để tiết kiệm năng lượng. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm, đầu tư công nghệ để tạo ra các sản phẩm hiệu suất năng lượng cao giúp tiết kiệm năng lượng.”, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm đã đặc biệt quan tâm đến các giải pháp tiết kiệm điện năng, trong đó chú trọng việc sử dụng năng lượng sạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Giải pháp này không những giúp các doanh nghiệp tiết giảm đáng kể chi phí điện năng mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Điển hình trong số đó phải kể đến Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh 3 tại TP. Hồ Chí Minh. Là một doanh nghiệp sản xuất chế biến lớn với mức tiêu thụ điện năng lên đến hàng triệu kWh mỗi năm, vì vậy, để nâng cao hiệu quả sản xuất ban lãnh đạo công ty đã đề ra nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu lượng tiêu thụ điện năng. Trong đó, đáng chú ý là giải pháp thiết kế hệ thống bóng đèn led chiếu sáng trong nhà máy ngay từ khi xây dựng. Đây là giải pháp giúp tiết kiệm điện năng hiệu quả nhất tại công ty, giúp công ty tiết kiệm 389.376 kWh điện (năm 2017).
Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng (Ảnh: CPfoods)
Ngoài ra, sau khi nhận thấy tầm quan trọng và những lợi ích mang lại từ việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời không chỉ giúp công ty tiết kiệm chi phí điện năng, mà còn giúp giảm lượng khí thải carbon ra môi trường, hạn chế hiệu ứng nhà kính, đẩy mạnh xu hướng dùng năng lượng sạch trong cộng đồng, cuối năm 2021 công ty đã xây dựng và tiến hành lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời với công suất 1,9MW trên các mái nhà xưởng, kho của công ty. Dự án ước tính sẽ mang đến sản lương điện 2.460 MWh/năm và giảm lượng CO2 phát thải 1.980.000 kg/năm (hệ số quy đổi 0,8041 kg CO2/kwh). 
Đến hiện tại nhà máy vẫn đang sử dụng điện từ 2 nguồn: điện lưới và điện năng lượng mặt trời. Để tăng hiệu quả sử dụng của 2 nguồn điện này, công ty còn lên kế hoạch tắt mở luân phiên đèn chiếu sáng bên ngoài nhà xưởng để giúp tiết kiệm điện năng đáng kể. Giải pháp này tuy đơn giản nhưng đã giúp công ty tiết kiệm được 15.132 kWh điện (năm 2019).
Hay như một doanh nghiệp chế biến thực phẩm khác - Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH, trong 5 năm gần đây, công ty đã chủ động thực hành các giải pháp, đầu tư tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và trở thành điểm sáng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, Công ty luôn chú trọng và đưa ra các định hướng trong việc áp dụng và triển khai các hoạt động, sáng kiến về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, cập nhật những dạng năng lượng mới ứng dụng vào sản xuất. 
Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH tiết kiệm gần 8 tỷ đồng/năm nhờ cải taọ hệ thống chiếu sáng.
Anh Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc bảo trì Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH cho biết: “Các giải pháp tiết kiệm năng lượng mà Công ty đã áp dụng đã bước đầu mang lại hiệu quả. Cụ thể như lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái chuồng trại chăn nuôi đã giúp sản xuất được 6,281 MWh/năm nhằm cung cấp điện năng cho nhà máy. Hay lắp đặt và sử dụng hệ thống tụ bù cosφ giúp động cơ hoạt động ổn định, hiệu suất gần với định mức hơn và giảm một phần điện năng hao phí trên dây dẫn từ trạm đến các tủ phân phối.
Bên cạnh đó, việc bố trí trạm biến áp riêng cho từng trại, từng khu vực giúp chia nhỏ phụ tải, giảm chi phí đầu tư ban đầu cũng là giải pháp quan trọng giúp giảm tổn thất điện năng trên đường truyền tải. Hay việc lắp biến tần cho quạt thông gió và quạt phun sương cho chuồng trại chăn nuôi giúp giảm tần số dòng điện, qua đó giảm tốc độ quay của động cơ, cũng giúp giảm tiêu thụ điện năng đáng kể.
Việc các doanh nghiệp chủ động tìm ra và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng đã cho thấy mức độ quan tâm đến vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng của các doanh nghiệp ngày càng lớn, đây cũng là tín hiệu đáng mừng minh chứng cho những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong suốt thời gian qua.
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP 3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13 tháng 3 năm 2019 tại Quyết định số 280/QĐ-TTg. Chương trình này đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5,0 đến 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030. 
Mục tiêu này là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26 (nhấn mạnh lại tại COP27) về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Bởi theo Kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường (BAU) của Việt Nam, đến 2050, 81% lượng phát thải đến từ năng lượng. Do đó năng lượng sẽ là ngành quyết định mục tiêu phát thải ròng bằng “o” của Việt Nam.
Tố Quyên