Thứ bảy, 21/12/2024 | 23:24 GMT+7

Quản lý năng lượng bằng ISO 50001:2011

28/02/2023

Việc áp dụng hệ thống ISO 50001 vào sản xuất kinh doanh nhằm quản lý việc sử dụng nguồn năng lượng tiết kiệm đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp.

Năng lượng là một nhân tố chủ chốt đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Việc khai thác và sử dụng các tài nguyên năng lượng chưa hợp lý khiến cho nguồn năng lượng bị thiếu hụt và chi phí dành cho năng lượng ngày càng tăng đang dần trở thành một thách thức đối với các doanh nghiệp. Việc áp dụng và duy trì hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2011 được coi là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề quản lý năng lượng tại doanh nghiệp. 
ISO 50001:2011 được phát triển dựa trên mô hình hệ thống quản lý cải tiến liên tục.
Dự án Quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001: 2011 được xây dựng triển khai tại Tòa nhà trụ sở EVN HANOI từ tháng 6/2014 do APAVE Châu Á – Thái Bình Dương tư vấn xây dựng và đã được cấp chứng nhận và xác nhận hoàn thành phù hợp.
Kết quả EVN HANOI đã xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 50001 đúng quy định của Luật Năng lượng và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đồng thời, EVN HANOI cũng thực hiện tốt việc tuyên truyền toàn khối văn phòng Tổng công ty về công tác tiết kiệm điện và giám sát thực thi; thực hiện các giải pháp kỹ thuật (như thay thế đèn chiếu sáng, hệ thống điều hòa) phù hợp với yêu cầu sử dụng và tiết kiệm điện đạt chỉ tiêu đề ra. Qua triển khai dự án, EVN HANOI được đánh giá là hình ảnh đại diện cho các doanh nghiệp về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả.  
Tương tự, Công ty TNHH đầu tư ứng dụng sản xuất bao bì Việt (VIPACO) cũng đã thành công trong việc sử dụng năng lượng trọng điểm ngành Nhựa. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phải sử dụng năng lượng tiết kiệm, Công ty đã đưa vào ứng dụng và đạt được chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 50001: 2011. Theo đó, Công ty đã đầu tư cho những thiết bị có hiệu suất cao, hướng tới việc sử dụng năng lượng hiệu quả.
Theo lãnh đạo Công ty, do đặc thù của ngành Bao bì, các thiết bị sản xuất chính của VIPACO luôn phải được gia nhiệt khi vận hành. Ngoài việc thu hồi nhiệt dư cung cấp cho công đoạn sau thì việc bố trí không gian làm việc của các phân xưởng cũng được tính toán khoa học để giảm thiểu hao phí năng lượng. Thiết bị sinh nhiệt được đặt sát phía ngoài, khí nóng sau khi tận dụng hết sẽ được quạt hút ra. Ở phía trung tâm phân xưởng, có hệ thống quạt đẩy không khí tươi bổ sung làm mát.
Chính nhờ bố trí sản xuất hợp lý cùng với hệ thống lấy sáng và thông gió tự nhiên nên không khí trong phân xưởng của VIPACO luôn có sự đối lưu tốt, đảm bảo môi trường làm việc của công nhân, không làm tăng thêm chi phí nhiên liệu. 2019 là năm đầu tiên Công ty đưa hệ thống ISO 50001:2011 vào áp dụng, tuy còn rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhưng đã tiết kiệm được 6,3% năng lượng cho cả năm.
Đây chỉ là 2 trong nhiều mô hình doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống ISO 50001:2011 để quản lý năng lượng. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm khác khi quản lý theo tiêu chuẩn này và đều có những cải thiện về tiết kiệm năng lượng ở mức từ 5 – 10% ngay trong năm đầu áp dụng. Bên cạnh những kết quả tích cực từ chỉ số hiệu quả năng lượng thì việc đề ra quy định chặt chẽ, khoa học đã từng bước nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của người lao động.
Theo chuyên gia năng suất, ISO 50001:2011 được phát triển dựa trên mô hình hệ thống quản lý cải tiến liên tục. Mô hình này đã được sử dụng cho các tiêu chuẩn nổi tiếng khác như ISO 9001 hoặc ISO 14001. Điều này giúp các tổ chức dễ dàng tích hợp quản lý năng lượng vào các nỗ lực chung của họ để cải thiện chất lượng và quản lý môi trường.
Tiêu chuẩn này đưa ra mô hình về một hệ thống quản lý năng lượng cùng các hướng dẫn sử dụng giúp doanh nghiệp có những giải pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát việc sử dụng năng lượng, đồng thời đảm bảo các nguồn năng lượng được sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả.
Tiêu chuẩn 50001:2011 có thể áp dụng cho bất cứ doanh nghiệp nào, không phân biệt quy mô tổ chức, loại hình sản xuất, cũng như các điều kiện về địa lý, văn hóa hay xã hội. Mỗi doanh nghiệp chỉ mất từ 6 tháng đến 1 năm để xây dựng và áp dụng thành thạo hệ thống này.
Nguồn: Tạp chí Tài chính