Thứ bảy, 21/12/2024 | 21:29 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng - Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế

25/10/2022

Trong khuôn khổ các hoạt động truyền thông về tiết kiệm năng lượng (TKNL) năm 2022 thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, Văn phòng Ban chỉ đạo TKNL, Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng - Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế”

Diễn đàn có sự tham gia của Ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh Văn phòng ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương; Ông Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực; Ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam; hơn 200 khách mời gồm sinh viên cùng đông đảo các cơ quan báo chí, truyền hình. 
Các diễn giả tham dự Diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng - Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế”
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã có những chia sẻ hữu ích về hệ thống pháp lý - cơ  sở để triển khai hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam. Đồng thời đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng, cũng như những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động tiết kiệm năng lượng, trong đó việc sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp trọng tâm.
Hệ thống pháp lý đồng bộ
Nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của thế giới, trong đó có Việt Nam tiếp tục tăng cao, cùng với việc thế giới có nhiều biến động, khó lường dẫn đến khủng hoảng năng lượng, đe doạ an ninh năng lượng toàn cầu. Do đó, song song với việc chủ động đảm bảo các nguồn năng lượng phục vụ cho sản xuất và đời sống, Việt Nam luôn coi trọng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Đặng Hải Dũng cho biết, Đảng và Nhà nước ta đã xác định được tầm quan trọng của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ rất sớm thông qua việc ban hành các khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể là Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành từ năm 2010, có hiệu lực từ năm 2011. Dưới luật là một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật như các Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ Công Thương và các bộ ngành cũng được xây dựng và ban hành tương đối đồng bộ và kịp thời để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh Văn phòng ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt và tổ chức thực hiện những chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua các quyết định: Quyết định số 79 - ngày 14/4/2006 - Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015; Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/03/2019 - Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -2030.” Ông Dũng cho biết thêm.
Kể từ khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành cùng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực, đã thúc đẩy sự vào cuộc của hệ thống chính trị trên phạm vi toàn quốc, đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của toàn xã hội. Các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức chính trị xã hội nhiệt tình ủng hộ và hăng hái vào cuộc tham gia các hoạt động hiệu quả năng lượng. Các hoạt động có tính lan tỏa rộng rãi phải kể đến như “Cuộc thi hộ gia đình tiết kiệm điện” do Hội phụ nữ các cấp tiến hành hoặc Chương trình “Giờ trái đất” được mọi tầng lớp xã hội  tham gia hưởng ứng, đặc biệt là giới trẻ. 
Ông Nguyễn Đình Hiệp chia sẻ thêm, Nghị định 102/2003/NĐ-CP về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là văn bản pháp lý quan trọng để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống ở cấp quốc gia. Đồng thời, đây là cũng dấu mốc đầu tiên để hình thành ngành công nghiệp về tiết kiệm năng lượng, sau đó chúng ta có Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các chương trình này đã cụ thể hóa tất cả các hoạt động về tiết kiệm năng lượng trên phạm vi cả nước.
Một trong những giải pháp trọng tâm trong giai đoạn đầu của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội về trách nhiệm và lợi ích của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Qua đó, ý thức tiết kiệm năng lượng của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hơn 90% người dân và doanh nghiệp đã được tuyên truyền, phổ biến các biện pháp tiết kiệm năng lượng và đã hiểu được lợi ích của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam
Là một đơn vị đào tạo đa ngành và có những khoa chuyên ngành về lĩnh vực năng lượng, công tác truyền thông, thông tin về chủ trương, chính sách tiết kiệm năng lượng luôn được trường Đại học Điện lực quan tâm, chú trọng,
Ông Dương Trung Kiên cho biết: “Tại Trường Đại học Điện lực, công tác đào tạo và lồng ghép kiến thức về tiết kiệm năng lượng được nhà trường tập trung chủ yếu vào 3 khối đào tạo: Điện, Năng lượng và Quản lý năng lượng. Nhà trường đã xây dựng hệ thống đo đếm để điều chỉnh hành vi sử dụng năng lượng. Cụ thể, tại các lớp học đều có hướng dẫn sử dụng các thiết bị điện để tiết kiệm năng lượng, nhà trường cũng thí điểm sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện năng như hệ thống kính năng lượng mặt trời. Đồng thời, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng cho các em sinh viên nhận thức được việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là trách nhiệm của mọi người.
Rào cản do thiếu nhân lực
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu đã chỉ ra không ít nguyên nhân khiến việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa được như kỳ vọng, nhiều mục tiêu còn dang dở.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Đặng Hải Dũng nhìn nhận, vấn đề nổi cộm khiến việc triển khai thực hiện tiết kiệm năng lượng chưa thực sự hiệu quả nằm ở rào cản nhân lực. Nguồn nhân lực của chúng ta còn hạn chế, đặc biệt các em sinh viên đang ngồi đây, trong khi chúng ta đã có 52 quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, nên các em sinh viên phải nắm và chủ động trang bị về vấn đề này như: các tòa nhà, lò hơi, thiết bị công nghiệp…. thì tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định đối với các loại hình này như thế nào? Do vậy chất lượng đào tạo phải được chuẩn hóa ở mức khu vực và quốc tế.
Ông Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực
Đồng quan điểm, ông Dương Trung Kiên cho rằng tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam là rất lớn, nhưng do nhân lực và công nghệ còn hạn chế. Vì thế, việc cải tiến những vấn đề này là một bài toán nan giải đòi hỏi chúng ta cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Hiện tại, nguồn nhân lực về tư vấn các giải pháp tiết kiệm năng lượng của chúng ta đã có nhưng chưa thật sự chất lượng, điều này ảnh hưởng không ít đến kết quả thực hành tiết kiệm năng lượng.
Đặc biệt, mặc dù đã có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhưng thời gian qua việc tiết kiệm năng lượng chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn do một số quy định trong Luật cần phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn triển khai. Do đó, trong thời gian tới, để giải quyết các vấn đề thực tiễn và luật hoá các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, ông Đặng Hải Dũng đã nhấn mạnh nhiệm vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung đối với Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như nêu lên những giải pháp cụ thể, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Cần thiết phải rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả
Chia sẻ về tính cấp thiết trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Ông Nguyễn Đình Hiệp cho biết, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định việc các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm bắt buộc phải thực hiện tiết kiệm năng lượng, nhưng với con số hơn 3000 doanh nghiệp thì chỉ chiếm khoảng 38% tổng năng lượng toàn xã hội còn lại là khuyến khích sử dụng tiết kiệm năng lượng. Do đó, sắp tới Luật cần sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng bắt buộc phải thực hiện (chiếm 75-80%) mức năng lượng của toàn xã hội để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng hơn.
Sinh viên đại học Điện lực chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
Đồng thời, sau hơn 10 năm triển khai Luật, đã có nhiều văn bản bổ sung được ban hành nhưng Luật chưa từng sửa đổi. Do đó, đã đến lúc cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng tình hình thực tiễn.
Chia sẻ về những hành động để đưa việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đi vào thực tiễn, ông Hải Dũng cho biết, Bộ Công Thương đã từng bước xây dựng chính sách một cách nhẹ nhàng để đưa việc thực hiện luật, quy định vào đời sống. Chẳng hạn cấm việc sử dụng bóng đèn 60W, nhưng trước khi thực hiện đã tính toán, đưa việc sử dụng các sản phẩm khác thay thế giúp đảm bảo nhu cầu của thị trường.
"Hiện tại, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chúng tôi đã có những đề xuất để đưa cơ chế hỗ trợ về tiết kiệm năng lượng, trong đó có cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng trong việc sửa đổi Luật cũng như thí điểm thành lập Quỹ tiết kiệm năng lượng để thúc đẩy đầu tư các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", ông Đặng Hải Dũng cho biết thêm
Về phía đơn vị đào tạo, ông Dương Trung Kiên đóng góp ý kiến, trong thời gian tới, khi Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan chỉnh sửa các nội dung của Luật thì nên làm từng bước một để tác động đến xã hội một cách ít nhất nhưng vẫn đạt được mục tiêu của nhà nước một cách hiệu quả, để người dân, doanh nghiệp có khả năng thích ứng và thay đổi. 
Riêng đối với các em sinh viên thì cần sống có trách nhiệm, biết cách thực hiện, học tập và hành động để đáp ứng các mục tiêu, sống có ích cho xã hội và lan tỏa các hành động của bản thân tới gia đình, xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng.
Sinh viên Đại học Điện lực hào hứng tham gia trả lời câu hỏi của ban tổ chức
Cũng tại Diễn đàn, đông đảo sinh viên của trường Đại học Điện lực đã tham gia trả lời các câu hỏi của ban tổ chức. Thông qua đó, các em đã được cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích như: Nhãn năng lượng, Giờ Trái đất, cách đánh giá sản phẩm dán nhãn năng lượng, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, các khung giờ cao điểm cần hạn chế sử dụng điện,...
Minh Khuê