Trong các góp ý nội dung cần sửa đổi, các chuyên gia nhấn mạnh tới giải pháp cải thiện hành vi sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả của người dân, cần chuyển từ cơ chế khuyến khích, “tự nguyện” hiện nay của Luật sang cơ chế “bắt buộc”, là trách nhiệm của người sử dụng năng lượng.
Công nhân Công ty Điện lực Lào Cai tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm cho bà con đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Phóng viên (PV) đã phỏng vấn ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương về vấn đề này.
PV: Thưa ông, là đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, xin ông cho biết về các kết quả đạt được sau hơn 10 năm Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) có hiệu lực (Luật được ban hành năm 2010, có hiệu lực từ đầu năm 2011)?
Ông Đặng Hải Dũng: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật SDNL TK&HQ - Luật số 50/2010/QH12) được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Luật số 50/2010/QH12 đã khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta coi SDNL TK&HQ là chính sách được ưu tiên hàng đầu, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế gắn với an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Luật SDNL TK&HQ gồm có 12 Chương, 48 Điều, quy định các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế, xã hội và quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cùng với sự ra đời của Luật SDNL TK&HQ, một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được khẩn trương xây dựng và ban hành, tạo thành khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, đảm bảo cho tính thực thi các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng TK&HQ bao gồm các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng, quy chuẩn kỹ thuật về hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các trang thiết bị mục tiêu, các văn bản hướng dẫn tác nghiệp…
Tính đến nay, 26 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành ở cấp Trung ương và trên 50 bộ Tiêu chuẩn hiện suất năng lượng tối thiểu áp dụng cho các nhóm thiết bị mục tiêu, kèm theo phương pháp thử nghiệm, 09 Quyết định về việc chỉ định 09 cơ sở thử nghiệm hiệu suất năng lượng và 16 văn bản hướng dẫn tác nghiệp đã được ban hành.
Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2010 (VNEEP1) với mục tiêu tiết kiệm từ 3-5% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại trong giai đoạn 2006-2010, đạt mức tiết kiệm thực tế là 3,4%, tương đương với 4,9 triệu TOE; 2011-2015 (VNEEP 2) với mục tiêu tiết kiệm từ 5% - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước trong giai đoạn 2012-2015 so với dự báo nhu cầu năng lượng theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030. Đối với giai đoạn 2 này, kết quả đánh giá cho thấy mức tiết kiệm thực tế đạt được là 5,65%, tương đương với 11.2 MTOE (Viện Năng lượng, 2016).
PV: Đâu là những điểm nghẽn lớn cần sửa đổi Luật SDNLTK&HQ từ thực tế, thưa ông?
Ông Đặng Hải Dũng: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã cụ thể hóa các chủ trương chính sách về khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động TKNL thông qua các công cụ hỗ trợ tài chính.
Hạn chế quan trọng nhất về mặt pháp lý là các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực TKNL (như: hỗ trợ vốn, đất đai, miễn giảm thuế, phí) chưa được nêu cụ thể trong các hướng dẫn thực hiện các chương trình/kế hoạch này và các văn bản quy phạm pháp luật về tín dụng, thuế, đầu tư, đất đai nên thực tế chưa đi vào cuộc sống, chưa có tác dụng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư lớn vào các lĩnh vực này một cách bền vững. Các công cụ tài chính phi truyền thống vận hành dưới dạng Quỹ tài chính đã được giới thiệu và từng bước đưa vào áp dụng tại Việt Nam thời gian gần đây và đã đạt được những kết quả thành công nhất định ở quy mô thử nghiệm và đã chứng minh Quỹ tài chính là công cụ phù hợp để thúc đẩy thị trường TKNL chưa phát triển tại Việt Nam hiện.
Một số rào cản phi tài chính cũng được chỉ ra qua cuộc khảo sát như: Thiếu thông tin và thái độ hoài nghi từ các chủ nhà máy, các doanh nghiệp; Thiếu chuyên gia kỹ thuật và các công ty cung cấp giải pháp tiết kiệm năng lượng; Ít quan tâm đến việc giảm chi phí năng lượng trong sản xuất...
Công nhân Điện lực Nghĩa Lộ (Công ty Điện lực Yên Bái) lắp đặt công tơ điện tử cho khách hàng.
PV: Một trong các lý do Bộ Công Thương nhấn mạnh việc cần thiết phải sửa đổi Luật SDNLTK&HQ là để phù hợp với các chỉ đạo/định hướng tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xin ông cho biết thực tế này?
Ông Đặng Hải Dũng: Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55-NQ/TW) với mục tiêu và quan điểm: Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, cải thiện hiệu suất năng lượng để giảm mức tiêu hao năng lượng là một giải pháp chiến lược quan trọng mà Đảng và Nhà nước đã lựa chọn để phát triển ngành năng lượng trong dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Nghị quyết 55-NQ/TW đặt ra yêu cầu mới đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường hiệu quả năng lượng một cách đồng đồng bộ một cách cụ thể "...Hoàn thiện cơ chế, chính sách, các công cụ có tính thị trường để đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả....."
Nghị quyết số 55-NQ/TW cũng nêu rõ nhiệm vụ xây dựng các công cụ và giải pháp mới trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bao gồm: Xây dựng các công cụ hỗ trợ tài chính về thuế, đất đai, lãi vay, cơ chế bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp có các dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Xây dựng cơ sở pháp lý để có thể hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hoá, bảo đảm độc lập về tài chính, không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và hạn chế việc làm tăng chi phí hoạt động, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; Hoàn thiện khung pháp lý, khuyến khích đẩy mạnh triển khai mô hình Công ty dịch vụ năng lượng.
Nghị Quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW cũng đặt ra các biện pháp thi hành mạnh mẽ, quyết liệt hơn, các biện pháp mang tính chế tài, bắt buộc được đặt ra như: Rà soát, cập nhật và xây dựng định mức hao hụt các nguồn năng lượng như xăng dầu, khí, than trong sản xuất, khai thác, vận chuyển, phân phối. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý cường độ tiêu thụ điện năng, quy chuẩn cho hiệu suất tấm pin mặt trời; Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng năng lượng trong các ngành, lĩnh vực có mức tiêu thụ năng lượng cao như ngành (thép, hóa chất, xi măng, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm); Xây dựng Chương trình chuyển đổi thị trường phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao.
Và chính vì vậy Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng cần được nghiên cứu sửa đổi bổ sung để đạt được các yêu cầu của Nghị quyết 55.
PV: Trong báo cáo mới đây của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai Chương trình Tiết kiệm điện (TKĐ) theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 cho thấy sau hơn 2 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ rất nhiều thách thức, khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu đề ra. Để giải quyết các khó khăn này, Bộ Công Thương đã nhấn mạnh đến giải pháp cải thiện hành vi sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả của người dân. Ông có thể chia sẻ nguyên nhân?
Ông Đặng Hải Dũng: Lượng tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực tòa nhà và hộ gia đình chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng quốc gia (~20%) trong đó riêng năng lượng điện chiếm khoảng 70% tiêu thụ năng lượng trong các hộ gia đình thông qua các thiết bị như tủ lạnh, máy điều hòa không khí, đèn chiếu sáng, máy đun nước nóng, nồi cơm điện…. Khác với ngành công nghiệp, nơi tiêu thụ năng lượng tập trung vào các thiết bị công suất lớn, hoặc ở các quá trình sản xuất tập trung tại vị trí sản xuất, việc tiêu thụ năng lượng ở các thiết bị điện gia dụng và thương mại xảy ra phân tán theo địa bàn dân cư. Do vậy việc tiết kiệm năng lượng thông qua việc cải thiện, hành vi sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong khu vực dân cư là vô cùng quan trọng và đòi hỏi cách làm, biện pháp khác với đối tượng khu công nghiệp. Các giải pháp trong khu vực dân cư sẽ thiên về việc khuyến khích tự nguyện; bắt buộc các nhà sản xuất nhập khẩu cung cấp thông tin về tiêu thụ năng lượng của các phương tiện thiết bị minh bạch, tin cậy để người dân chủ động lựa chọn mua sắm thông qua nhãn năng lượng đối với các sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường.
PV: Các giải pháp của Bộ Công Thương trong việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc SDNLTK&HQ thưa ông?
Ông Đặng Hải Dũng: Về nâng cao nhận thức cộng đồng trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả góp phần quan trọng trong triển khai bất kỳ các chiến lược chính sách nào, TKNL cũng không phải là ngoại lệ. Sự đồng hành của cộng đồng trong các chiến lược chính sách sẽ đảm bảo được sự thành công của chính sách.
Sau 11 năm triển khai Luật, vẫn có những tổ chức, doanh nghiệp vẫn chưa thích nghi và có sự chuẩn bị tốt đối với các sự thay đổi. Vẫn có sự nhìn nhận thiên lệch về tiết kiệm năng lượng, không ít doanh nghiệp quan tâm chú trọng vào việc mở rộng sản xuất hơn là việc giảm chi phí sản xuất, các doanh nghiệp cũng quan tâm chủ yếu vào lợi nhuận hơn các nghĩa vụ chung trong việc đảm bảo an ninh năng lượng.
Các chương trình truyền thông và đào tạo nâng cao nhận thức sẽ được thiết kế hướng vào phù hợp với từng đối tượng (công nghiệp, xây dựng, các cơ sở công lập, cộng đồng dân cư..), do vây Bộ Công thương sẽ chú trọng các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cải thiện hành vi sử dụng điện đối với người lao động, người quản lý tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; khách hàng, khách lưu trú tại các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, nhà hàng, cơ sở lưu trú; cộng đồng khu dân cư thông qua các tổ chức đoàn thể xã hội, chính quyền cơ sở; Xây dựng và tuyên truyền lối sống tiết kiệm đến từng hộ gia đình; Xây dựng chuyện mục về “sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả” trên Cổng Thông tin điện tử của UBND các cấp trên địa bàn tỉnh để đăng tải các thông tin về hoạt động tiết kiệm điện trên địa bàn; Xây dựng bản tin/chuyên mục hoặc đưa tin định kỳ trên sóng phát thanh, truyền hình của địa phương tuyên truyền nội dung “tiết kiệm điện”.
Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam tăng trung bình khoảng 7%/năm, riêng nhu cầu về điện tăng trưởng trung bình 9,5%/năm để đáp ứng tăng trưởng GDP bình quân từ 6-7%/năm. Ngành năng lượng Việt Nam đang phải đối mặt với 2 thách thức lớn, đó là vừa phải đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước với giá cả hợp lý để nền kinh tế và người dân có thể chịu được, vừa phải thực hiện chuyển dịch năng lượng, thực hiện lộ trình trung hoà các bon vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP 26.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới đang diễn ra phức tạp, khó lường, các nguồn năng lượng hoá thạch đang ngày càng cạn kiệt, các nguồn năng lượng tái tạo giá thành còn cao và thiếu ổn định, chưa hoàn toàn thay thế được năng lượng truyền thống. Để đảm bảo nhu cầu năng lượng phục vụ sản xuất và đời sống, việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng đang trở thành vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu, trở thành giải pháp quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Trang thông tin ngành điện