Thứ năm, 25/04/2024 | 05:00 GMT+7

Nâng cao hiệu quả chiếu sáng đô thị thông minh và giảm phát thải

05/05/2022

Ngày 27-4 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo tham vấn về Dự án Thành phố thông minh và Hiệu quả năng lượng (SEECP) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng năng lượng trong chiếu sáng đô thị tại Việt Nam, góp phần hướng tới cam kết không phát thải vào giữa thế kỷ này.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (HTKT) - Bộ Xây dựng và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với vai trò chủ trì. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của hơn 100 đại diện từ sáu tỉnh, thành phố được chọn tham gia Dự án (Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ninh), một số tỉnh, thành phố khác, các ban, ngành liên quan, các đối tác phát triển, doanh nghiệp chiếu sáng công cộng và chuyên gia với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.         

Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày tổng quan về chính sách hướng dẫn sử dụng năng lượng hiệu quả, thành phố thông minh, tiêu chuẩn kỹ thuật đô thị, các ghi nhận về đánh giá kỹ thuật, kinh tế và tài chính tập trung vào việc cải thiện hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị và công trình công cộng, các phương thức đầu tư để thực hiện dự án và những thực tiễn quốc tế tốt nhất.

Hình ảnh tại Hội thảo.

Bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục HTKT cho biết trong 10 năm qua, hệ thống chiếu sáng tại các đô thị Việt Nam đã có những bước phát triển lớn. Việc chiếu sáng không những đảm bảo yêu cầu về công năng chiếu sáng mà ngày càng hiệu quả hơn về tiêu thụ năng lượng.

Tuy nhiên, hiện tại nhiều yếu tố mới đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải hơn nữa tại các đô thị. Do đó, “sự hợp tác, hỗ trợ của ADB thông qua dự án này sẽ  góp phần thúc đẩy và quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh, hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh và hiệu quả, từ đó góp phần hướng tới cam kết net-zero của Việt Nam”, bà Hương cho biết.

Tuy vậy, hiện nay cũng có nhiều yếu tố mới đòi hỏi cần phải rà soát, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách để công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, chiếu sáng thông minh và hiệu quả hơn.

Đại diện Cục HTKT cho biết hiện Cục đang xúc tiến thực hiện các hoạt động rà soát, sửa đổi định hướng phát triển, quy định pháp luật, chính sách thúc đẩy và quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh, hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh và hiệu quả tại Việt Nam. 

Trong thời gian qua, một số dự án thí điểm cải tạo chiếu sáng đô thị thông minh đã được thực hiện và đem lại kết quả đáng khích lệ. Điển hình là dự án chiếu sáng đô thị thông minh thí điểm tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Theo đó, hệ thống đèn chiếu sáng công cộng tại một số tuyến phố chính ở Hội An đã được thay thế bằng các đèn LED 80W thông minh, điều chỉnh độ sáng chủ động. Hiệu quả đem lại ước tính tiết kiệm 43.59 MWh mỗi năm. Chuyên gia độc lập nhận định đây có thể coi là dự án điển hình khích lệ các thành phố, địa phương khác chuyển đổi hệ thống chiếu sáng công cộng hiệu quả năng lượng, giảm phát thải. 

Dựa trên những đánh giá được thực hiện tại sáu tỉnh, thành phố tham gia Dự án gồm Cần Thơ, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, nhìn chung hiệu quả sử dụng năng lượng trong tòa nhà công cộng chưa cao. Cụ thể, khảo sát về cơ cấu tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực tòa nhà công cộng cho thấy bệnh viện là đối tượng tiêu tốn nhiều năng lượng đô thị nhất, trong khi chỉ chiếm khoảng 19% số công trình công cộng. Các đối tượng tiêu thụ nhiều năng lượng tiếp theo là cơ sở giáo dục (trường học, đại học) và cơ quan hành chính.  

Hiện trạng sử dụng năng lượng tại một số địa phương theo báo cáo của các chuyên gia ADB.

Để giải quyết vấn đề trên, chuyên gia đưa ra các khuyến nghị cải thiện công trình công cộng, bao gồm các giải pháp về thiết kế, cải thiện vỏ bọc công trình, cải thiện nội thất, quản lý năng lượng… Theo thống kê, tùy từng giải pháp có khả năng tiết kiệm năng lượng từ 4-5% (như áp dụng cách nhiệt dưới boong cho mái) đến 40-45% (làm mát bằng bức xạ nhiệt). 

Các chuyên gia cũng đề xuất thay đổi một số tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành liên quan như QCVN 07-7, TCVN 259, TCVN 333... nhằm giảm phát thải KNK, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tại đô thị. Theo đó lấy tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường làm nguyên tắc cốt lõi trong thiết kế các điều khoản, mở rộng phạm vi áp dụng và tăng chỉ số hiệu suất năng lượng theo hướng gần với các tiêu chuẩn thế giới, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật chi tiết.

Hội thảo cũng trình bày một số bài học thực tiễn tốt nhất từ quốc tế trong chuyển đổi tiêu thụ năng lượng chiếu sáng đô thị theo hướng tăng hiệu quả, giảm phát thải. Trong đó, ngoài các biện pháp kỹ thuật, nâng cao nhận thức và năng lực cho các bên tham gia, các chuyên gia nhận định các chính sách, cơ chế thúc đẩy, đặc biệt là cơ chế về vốn, đóng vai trò quan trọng để tạo ra sự chuyển đổi trên quy mô lớn. 

Về khía cạnh tài chính, Chuyên gia kinh tế năng lượng cao cấp của ADB bà Hyunjung Lee, cho biết ADB đang nỗ lực hỗ trợ các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, nhằm tăng cường các giải pháp tài chính thực hiện mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải. “ADB sẵn sàng hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, các mục tiêu và hoạt động chính của dự án SEECP có thể đóng vai trò là mô hình cho những dự án năng lượng và khí hậu tiếp theo nhằm góp phần vào mục tiêu không phát thải carbon của Việt Nam vào năm 2050”, bà Lee khẳng định. 

Dự án Thành phố thông minh và hiệu quả năng lượng (SEECP) nhằm hỗ trợ triển khai các dự án cải tạo, xây dựng mới trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị và tòa nhà công cộng tại sáu tỉnh, thành phố được chọn. Tổng kinh phí dự kiến cho các dự án được chuyên gia tư vấn của ADB và các địa phương đề xuất khoảng 160 triệu USD. Việc triển khai các dự án trên nhằm góp phần cải thiện an toàn, cảnh quan đô thị, tạo việc làm và nâng cao chất lượng sống của người dân; đồng thời sẽ góp phần giảm phát thải khoảng 1,32 triệu tấn CO2 và tiết kiệm 245 triệu USD chi phí trong 10 năm tới. 

Giang Nguyễn