Thứ ba, 17/09/2024 | 22:00 GMT+7
Sáng 07/04/2022 tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề "Hướng tới trung hoà carbon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí". Diễn đàn có sự góp mặt của đại diện Viện Năng Lượng (Bộ Công Thương), Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) với vai trò là đơn vị tổ chức. Bên cạnh đó cũng có sự tham gia của đại diện các cơ quan Chính phủ và Quốc hội, Ngân hàng nhà nước, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, đơn vị phụ trách phát triển điện lực... cùng đại diện các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng.
Khai mạc Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Văn Tấn cho biết tại COP26 Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao nhất cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí mê-tan vào năm 2030, chuyển đổi dần sang các nguồn năng lượng tái tạo và tham gia sâu vào các sáng kiến toàn cầu.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu khai mạc.
Hiện tại, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đang xây dựng và hoàn thiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Nội dung trọng tâm nhằm cụ thể hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ. Để đạt mục tiêu đó, lĩnh vực năng lượng đóng vai trò quan trọng.
Ủy viên chuyên trách Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội ông Vương Quốc Thắng cho biết diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đơn vị thực thi chính sách của ngành điện cùng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng tới Ủy ban Quốc hội trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển năng lượng sạch, hỗ trợ hoàn thiện các hành lang pháp lý liên quan. Từ đó, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển của đất nước.
Ông Vương Quốc Thắng, Ủy viên chuyên trách Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn.
Theo báo cáo tham luận của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), hiện Việt Nam đang đứng thứ hai trong khu vực (chỉ sau Indonesia) và thứ 22 thế giới về tổng sản lượng phát điện, đạt 239 TWh vào năm 2020. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện cũng tăng cao.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng truyền tải điện của Viện Năng lượng cho biết trong giai đoạn 2009-2020, tăng trưởng công suất đỉnh hệ thống trung bình khoảng 10%/năm, công suất nguồn điện tăng trung bình 12%/năm. Dự báo, tăng trưởng công suất đỉnh Pmax hệ thống tới năm 2030 lên hơn 300 tỷ kWh (tăng 8,5%/năm), và hơn 800 tỷ kWh tới năm 2045 (tăng 4%/năm).
Để đạt được lộ trình này, đại diện Viện Năng lượng cho rằng cần giải quyết những thách thức trong vấn đề cân đối phụ tải. Nhu cầu trước mắt là nâng cấp công suất truyền tải từ miền Trung và miền Nam ra miền Bắc. Nhu cầu này dự báo lên đến 5GW vào năm 2035 và 10GW vào năm 2040; sản lượng truyền tải khoảng 47-65 tỷ kWh/năm. Bên cạnh đó cũng cần cân nhắc một cơ cấu nguồn điện có tính đa dạng với sự đóng góp của hệ thống tích trữ năng lượng và thực hiện công tác quản lý điện năng (DSM) để nâng cao hiệu quả các nguồn năng lượng, đảm bảo cân bằng công suất điện trong hệ thống.
Tại Diễn đàn, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực ông Hoàng Trọng Hiếu cho biết các chính sách về phát triển năng lượng tái tạo đã phát huy tác dụng trong việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ít phát thải. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại sản lượng điện phát từ các nguồn năng lượng tái tạo đã đạt gần 30 tỷ kWh, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống.
Mặc dù vậy, thời gian qua cũng xảy ra vấn đề mất cân bằng phụ tải theo miền do phát triển ồ ạt các dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời tại miền Trung và miền Nam. Đó là chưa kể các dự án LNG trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh cũng đang tập trung tại khu vực này. Đây là những vấn đề lưu ý nhằm cân bằng cung-cầu trong chiến lược phát triển năng lượng thời gian tới.
Ngoài ra, ông Hoàng Trọng Hiếu cũng cho biết một số khó khăn trong triển khai các dự án năng lượng sạch nằm ở công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, giá FIT, cơ chế tài chính.. là những nguyên nhân chính khiến một số dự án chậm tiến độ. Đồng thời cũng tạo tâm lý e ngại trong đầu tư phát triển các dự án năng lượng ít phát thải nói chung.
Ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho biết sản lượng điện phát từ các nguồn năng lượng tái tạo đã đạt gần 30 tỷ kWh.
Những khó khăn cơ bản trong phát triển các dự án năng lượng sạch là yêu cầu lớn về vốn. Để giải quyết vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đề xuất thành lập một Quỹ năng lượng tái tạo nhằm bổ sung nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu, phát triển các công nghệ liên quan và tài trợ cho các dự án mới. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thí điểm, xây dựng các cơ chế hợp tác đầu tư có sự tham gia của nhiều bên, gồm nhà tài trợ, nhà đầu tư quốc tế, vào các dự án năng lượng tái tạo.
Với những chính sách thúc đẩy của Nhà nước, trong năm qua dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đã tăng đáng kể, đạt hơn 441.000 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm 2020. Trong đó, dư nợ tín dụng cho dự án năng lượng tái tạo chiếm đa số với 47%, đạt hơn 212.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Thanh Tùng cũng cho biết các tổ chức tài chính hiện còn nhiều lúng túng trong việc thẩm định dự án có khả năng cấp tín dụng xanh do chưa thiếu tiêu chí đánh giá cụ thể. Mặt khác các vấn đề như rủi ro đầu tư cao, thời gian hoàn vốn dài, năng lực quản lý của chủ đầu tư… Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc của các Bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ một cơ chế chính sách đột phá nhằm giải quyết các vướng mắc trên.
Khung cảnh Diễn đàn.
Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu đến từ doanh nghiệp, đơn vị triển khai dự án năng lượng tái tạo cũng trình bày các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, công nghệ mới liên quan. Đồng thời đề xuất các nhà hoạch định chính sách hỗ trợ tháo gỡ một số vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển dự án năng lượng sạch trong thời gian tới.
Kết thúc Diễn đàn là sự kiện vinh danh Top 10 nhà đầu tư IPP trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và doanh nghiệp tiêu biểu cung cấp dịch vụ, công nghệ năng lượng sạch năm 2021 đã được vinh danh. 10 doanh nghiệp bao gồm: Công ty TNHH Tree Marine, CTCP Vận tải đa phương thức Vietranstimex, Công ty Ginlong Technologies, CTCP Xây dựng công trình IPC, CTCP Tập đoàn T&T, CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam, CTCP Đầu tư Hacom Holdings, Tập đoàn Super Energy, CTCP Kosy, và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh.
An Nhiên