Chủ nhật, 22/12/2024 | 16:29 GMT+7

Doanh nghiệp Việt Nam cần "kiểm toán" năng lượng

14/03/2022

Trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới biến động mạnh trong thời gian qua, việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng xăng, dầu có ý nghĩa lớn về hiệu quả kinh tế. Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam "không chịu" lớn mạnh là có lỗi với chính bản thân mình.

Năng lượng là một trong các ngành quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân và là động lực của quá trình phát triển đất nước. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị đã định hình một giai đoạn phát triển mới, toàn diện của ngành năng lượng Việt Nam, từ khâu cung ứng, truyền tải và phân phối, đến tiêu dùng năng lượng, trong đó việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội.
Với vai trò là cơ quan đầu mối, chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tiết kiệm được 8-10% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng theo kịch bản phát triển kinh tế bình thường, tương đương với việc tiết kiệm được khoảng 60-80 triệu tấn dầu quy đổi.
Mặt hàng xăng, dầu là loại vật tư, nhiên liệu có tầm quan trọng đặc biệt trong nền kinh tế quốc dân. Xăng, dầu được sử dụng phổ biến trong các cơ quan nhà nước, trong các ngành sản xuất, kinh doanh, trong đời sống sinh hoạt của người dân trên mọi miền đất nước.
Trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới biến động mạnh trong thời gian qua, việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng xăng, dầu có ý nghĩa lớn về hiệu quả kinh tế, tiết giảm chi phí, tác động trực tiếp vào việc thực hiện các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm trong ngành xăng dầu, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất như: xây dựng Hệ thống quản lý năng lượng trong doanh nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 50001, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bộ Công Thương đã tăng cường giám sát, kiểm tra tuân thủ các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sản xuất công nghiệp. Cụ thể như yêu cầu các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm phải thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng, thiết lập các hệ thống quản lý năng lượng mới và hoàn thành kế hoạch nhằm đạt được các kết quả về tiết kiệm năng lượng.
Để quản lý việc sử dụng tiêu hao nhiên liệu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, năm 2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 43/2015/TT-BCT quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Theo đó, các định mức về tỉ lệ hao hụt xăng dầu tối đa đối với các mặt hàng xăng dầu như xăng khoáng RON95, RON92, xăng sinh học E5, E10… trong các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu; pha chế; phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước; tiếp nhận bảo quản và vận chuyển xăng dầu đều đã được quy định cụ thể để làm căn cứ cho các doanh nghiệp, đơn vị liên quan thực hiện.
Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, kinh doanh xăng dầu thì việc sử dụng xăng dầu hiệu quả cũng đóng vai trò rất quan trọng. Từng người, từng cơ quan, đơn vị, từng doanh nghiệp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu là góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, cân đối cung cầu và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhà máy Đạm Cà Mau là một trong những nhà máy sử dụng năng lượng hiệu quả nhất thế giới.
Thực tế, trong một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bước đầu đã đề ra và tổ chức thực hiện việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm xăng, dầu. Tuy nhiên, tình trạng một số đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, nhất là những đơn vị hành chính còn coi nhẹ việc tiết kiệm, vẫn còn buông lỏng quản lý xăng, dầu. Việc sử dụng lãng phí xăng, dầu không chỉ gây lãng phí ngân sách, tăng giá thành sản phẩm, mà còn gây ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh và công tác được giao.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tăng cường nâng cao năng lực, nhận thức và tuyên truyền đến người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về việc sử dụng hiệu quả xăng dầu. Những giải pháp cụ thể, đồng bộ như tăng cường sự gương mẫu của người đứng đầu, có hình thức khen thưởng phù hợp hoặc xử phạt một cách nghiêm minh các vi phạm cũng được khuyến khích áp dụng triển khai. Bộ Công Thương cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên tại các đơn vị sử dụng năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng để đảm bảo việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm, tránh lãng phí.
Từ năm 2014, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai chương trình dán nhãn năng lượng cho các phương tiện giao thông như xe ô tô con và xe máy. Theo đó, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe ô tô con, xe máy sẽ in nhãn năng lượng theo mẫu quy định của Bộ Công Thương và dán nhãn năng lượng trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường.
Dán nhãn năng lượng giúp công khai, minh bạch mức tiêu thụ nhiên liệu của từng loại phương tiện, qua đó đã thúc đẩy các nhà sản xuất tiến hành nâng cấp công nghệ động cơ để giúp xe có mức tiêu hao nhiên liệu thấp nhất và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm có mức sử dụng xăng dầu hiệu quả nhất, góp phần vào việc chuyển đổi thị trường, giảm và sử dụng hiệu quả mặt hàng xăng dầu.
Giá xăng dầu liên tục lập đỉnh là hồi chuông báo động đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ðối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần quan tâm chỉ tiêu tiêu hao xăng, dầu trong quá trình sản xuất, lưu thông vật tư, nguyên liệu và sản phẩm. Ðây cần được coi là một nội dung của việc tổ chức, sắp xếp lại sản xuất. Từng sản phẩm cần được xây dựng lại định mức kinh tế - kỹ thuật về chỉ tiêu sử dụng xăng, dầu.
Tổ chức kiểm tra việc thực hiện giữa các dây chuyền sản xuất, từ đó có biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng lãng phí xăng, dầu. Cùng với các giải pháp tiết kiệm bằng kỹ thuật, giải pháp bắt buộc cần tuân thủ, một yêu cầu đặt ra đối với mỗi người là tự giác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu, bảo đảm mọi hoạt động trong các cơ quan, đơn vị vẫn diễn ra bình thường.
Có thể thấy rằng, bên cạnh việc khai thác, mở rộng nguồn cung năng lượng, bao gồm cả việc phát triển các nguồn cung mới ngoài lãnh thổ, việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng. Trong đó, dù là doanh nghiệp sử dụng gián tiếp hay trực tiếp các nguồn năng lượng (xăng, dầu, than đá...) cần phải nghiêm túc "kiểm toán" giá trị sử dụng năng lượng, giảm chi phí hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân.
Theo: PetroTimes