Chủ nhật, 22/12/2024 | 13:12 GMT+7

Coi trọng sử dụng năng lượng hiệu quả ngay trong đại dịch COVID-19

02/03/2022

​Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ năng lượng (điện, than, xăng dầu…) giảm đáng kể sau hơn 2 năm chống chọi với COVID-19. Rõ thấy nhất là điện năng...

Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đảng ta xác định, để có đủ nguồn cung năng lượng trong dài hạn, cùng với khai thác hợp lý các nguồn năng lượng hoá thạch, coi trọng đầu tư các nguồn năng lượng mới và tái tạo thì “sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”. Điều này đã được chỉ rõ tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thời điểm Nghị quyết 55-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành - cũng là lúc đại dịch COVID-19 xuất hiện và tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống, chính trị, kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vậy, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng như thế nào tới việc “sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả” - một cột trụ chính trong bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia?
Nhìn lại 2 năm triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW về nội dung này, trong các chương trình Dòng chảy kinh tế - VOV có loạt bài 3 kỳ “COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào tới việc sử dụng hiệu quả năng lượng ở Việt Nam?". Bài đầu tiên có nhan đề “Coi trọng sử dụng năng lượng hiệu quả ngay trong đại dịch”.
Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. (Ảnh minh họa)
Cơ cấu tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, nhất là từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng để phát triển bền vững” hồi cuối năm 2021 qua dẫn chứng số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA).
Ông Hiển cho biết: "Do tác động của đại dịch COVID-19, nhu cầu năng lượng sơ cấp đã giảm gần 4% vào năm 2020; mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch giảm mạnh (năm 2020, dầu giảm 8,6%, than giảm 4%) trong khi năng lượng tái tạo và xe điện hầu như không bị ảnh hưởng.
Năm 2020 điện tái tạo thế giới đã bổ sung thêm khoảng 261GW công suất, chiếm 82% tổng công suất phát điện bổ sung trên toàn cầu. Nhiều nghiên cứu đã cho rằng xu hướng phát triển năng lượng của thế giới sẽ đi theo hướng thay thế dần các nguồn năng lượng hóa thạch (như than và dầu mỏ) bằng các nguồn năng lượng xanh và sạch hơn. Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng năng lượng ngày càng được cải thiện…".
Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ năng lượng (điện, than, xăng dầu…) giảm đáng kể sau hơn 2 năm chống chọi với COVID-19. Rõ thấy nhất là điện năng. Năm 2020, sản lượng điện thương phẩm chỉ tăng 2,9% so với năm 2019 và năm 2021 tăng 3,9% so với năm 2020 - trong khi tăng trưởng trung bình trong cả giai đoạn 2016-2020 là 8% và dự kiến giai đoạn 2021-2030 khoảng 10%.
Thế nhưng, điểm đáng ghi nhận là hai năm qua, các nguồn năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió và điện mặt trời) vẫn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, sẵn sàng “rót” vốn đầu tư, xây dựng. Nếu như thời điểm cuối năm 2019, hệ thống điện quốc gia mới có khoảng 5.500MW điện gió và mặt trời thì đến cuối năm 2021 đã có 20.670MW điện gió, điện mặt trời được đưa vào vận hành, đưa Việt Nam đứng trong “TOP 10” các quốc gia có đầu tư vào năng lượng tái tạo (NLTT) lớn nhất thế giới và được đánh giá có cơ chế khuyến khích, thu hút khai thác khá hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo thay thế năng lượng truyền thống.
Không chỉ quan tâm đến hiệu quả năng lượng thông qua đầu tư, phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo công suất lớn vào hệ thống điện quốc gia theo xu hướng chung của thế giới, việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào quá trình sản xuất và tiêu dùng - một hợp phần quan trọng được xác định trong Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của quốc gia cũng được nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất - kinh doanh cá thể áp dụng khá hiệu quả thời gian gần đây, nhất là khi giá các loại nhiên liệu truyền thống ngày càng trở nên đắt đỏ và khan hiếm.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương dẫn chứng thực tế: "Ví dụ như chiếc tàu đánh bắt cá chẳng hạn, thì ngoài việc chuyển đổi thì ánh sáng để câu mực hay đánh bắt cá từ ánh sáng đèn sợi đốt trước đây sang ánh sáng đèn LED tiết kiệm được đến 6-7 lần chi phí năng lượng thì các giải pháp sử dụng pin năng lượng mặt trời trên các nóc tàu này cũng đã mang lại tiềm năng tiết kiệm dầu diesel, tiết kiệm năng lượng rất lớn cho doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế rất tích cực…".
Các giải pháp tiết kiệm điện, thu lại nguồn nhiệt thải để tái sử dụng, tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng và nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm hiệu suất cao, sử dụng ít điện năng và thân thiện hơn với môi trường… đang được nhiều doanh nghiệp triển khai áp dụng, như chia sẻ của ông Đinh Văn Chung - Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hoà Phát Dung Quất là một ví dụ.
"Hiện nay, mình đang thu hồi nhiệt dư và khí thải phát ra môi trường tận dụng lại để phát điện thì đang đạt trên 70% tổng sản lượng điện mà mình phải sử dụng và hướng đến công ty đang đầu tư cải tạo là sẽ đạt trên 80%...", ông Chung nói.
Tập đoàn Hoà Phát cũng như nhiều doanh nghiệp khác, mặc dù gặp không ít khó khăn do dịch COVID-19, các khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương, Dung Quất - Quảng Ngãi, Hưng Yên vẫn hoạt động hết công suất để phục vụ thị trường trong và ngoài nước.
Hòa Phát khẳng định, sẽ triển khai dự án Dung Quất 2 công suất 5,6 triệu tấn/năm trong năm 2022 này, với dây chuyền công nghệ hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng hơn, đồng thời áp dụng theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng tối đa các nguồn phát thải để tái sử dụng.
Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện. (Ảnh minh họa)
Thực tế tại Nhà máy sản xuất ống thép INOC công nghiệp của Công ty TNHH MTV Sơn Hà SSP Việt Nam, ông Chu Thái Sơn - Giám đốc Công ty cho biết, với năng lực sản xuất hơn 40.000 tấn sản phẩm/năm, doanh nghiệp thuộc diện “cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm”, tiêu thụ điện năng lớn. Để xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ thì cùng với việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, tiết kiệm năng lượng còn góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến chi phí dịch vụ logistics hàng xuất khẩu tăng cao.
Ông Chu Thái Sơn nhấn mạnh: "Đầu tiên, đối với các thiết bị tiêu thụ điện lớn thì nhà máy chuyển sang vào các hoạt động vào các giờ thấp. Thứ hai là một số thiết bị cũ, lạc hậu sử dụng hiệu suất không cao thì nhà máy dần cải tiến đi, hai là thay thế bằng các thiết bị mới hơn, hiện đại hơn để sử dụng hiệu quả, hiệu suất được cao nhất. Rồi nhà máy thì cũng có sử dụng ngay các sản phẩm sản phẩm tiết kiệm năng lượng, sản phẩm thân thiện với môi trường của chính Tập đoàn để đưa vào sử dụng trong nhà máy, đơn cử như sử dụng điện năng lượng mặt trời Freesola trên các mái của các phân xưởng sản xuất, rồi một số sản phẩm thân thiện khác của Tập đoàn cũng được đưa vào sử dụng…".
Coi trọng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng ngay cả trong đại dịch, nỗ lực của nhiều doanh nghiệp là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp lớn, có thể trụ vững và quan tâm đầu tư, áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng trước những tác động của đại dịch COVID-19 là không nhiều. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với hơn 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, phải khó khăn lắm mới tồn tại được sau những sóng gió COVID-19…
Vậy cụ thể, COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào tới việc sử dụng hiệu quả năng lượng ở Việt Nam? Nội dung này sẽ được chúng tôi đề cập trong bài 2 của loạt 3 bài viết này.
Theo: VOV1