Chủ nhật, 22/12/2024 | 12:58 GMT+7

Cần sớm triển khai hệ thống đo lường và thẩm định hiệu quả năng lượng của công trình xây dựng tại Việt Nam

31/10/2021

Theo các chuyên gia, sử dụng năng lượng trong công trình xây dựng là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính (GHG) chủ yếu tại các thành phố, chính vì vậy, chìa khóa để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu chính là các công trình xây dựng. Để thực hiện được, cần phải triển khai hệ thống đo lường và thẩm định hiệu quả năng lượng của công trình xây dựng tại Việt Nam.

Theo TS.KTS Phạm Hải Hà – Trưởng bộ môn Kiến trúc – Môi trường Đại học Xây dựng, các công trình xây dựng luôn được xem là nhân tố tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon chính trên toàn cầu. Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các công trình xây dựng là một trong những giải pháp có chi phí hữu hiệu nhất để giảm tiêu thụ năng lượng và do đó phát thải khí nhà kính trong tất cả các lĩnh vực. Việt Nam đang rất nỗ lực phòng chống những thách thức liên quan đến vấn đề đô thị hóa và hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là sự suy thoái tài nguyên thiên nhiên, sự cạn kiệt năng lượng nhiên liệu hóa thạch, gia tăng lượng phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.
Báo cáo của Hội đồng Kinh doanh Thế giới vì sự Phát triển Bền vững (WBCSD) cho thấy sử dụng năng lượng trong các tòa nhà chiếm tới 40% lượng tiêu thụ năng lượng trên thế giới và tạo ra một lượng phát thải khí CO2 chiếm 30%. Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 50% vào năm 2025, dẫn đến nhu cầu sử dụng năng lượng trong ngành Xây dựng cao hơn.
Six Senses Hideway Ninh Van Bay đạt giải Công trình kiến trúc tiết kiệm năng lượng.
Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính trong ngành Xây dựng ở nước ta, và để ứng phó với chiều hướng đáng báo động này, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra hàng loạt giải pháp phát triển bền vững như Chương trình mục tiêu quốc gia về Biến đổi khí hậu (2007); Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010) và Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (2014). Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng để có thể tiến hành triển khai hàng loạt các nhiệm vụ liên quan đến tiết kiệm năng lượng trong ngành Xây dựng ở Việt Nam.
Ngoài ra, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thị trường của ngành Xây dựng theo hướng có nhiều công trình hiệu quả năng lượng hơn, Chính phủ có thể đóng một vai trò quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính trong ngành Xây dựng ở nước ta, Bộ Xây dựng đã triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả năng lượng ở các công trình thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” (EECB), do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF)/ Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP). Mục tiêu của dự án là cải thiện việc sử dụng năng lượng của các công trình thương mại và chung cư cao tầng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Không chỉ vậy, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” năm 2005 (QCXDVN 09:2005) và văn bản này được thay thế bằng Quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD ban hành cuối năm 2013 và gần đây nhất, được thay thế bằng văn bản QCVN09:2017/BXD.
Trong Nghiên cứu và phân tích các Hệ thống đo lường và thẩm định (M&V) hiệu quả năng lượng của công trình ở trên thế giới và khả năng triển khai tại Việt Nam của TS.KTS Phạm Hải Hà chỉ rất rõ về thực trạng phát triển công trình sử dụng hiệu quả năng lượng ở Việt Nam: Năm 2006, Bộ Công Thương chỉ đạo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi Tòa nhà hiệu quả năng lượng lần đầu tiên và chỉ có các tòa nhà tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tham gia dự thi. Từ năm 2008, cuộc thi đã được tổ chức thường niên và phạm vi ngày càng mở rộng ra nhiều địa phương trên cả nước. Đến năm 2013, sau 6 lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút hơn 400 tòa nhà dự thi tại 25 tỉnh thành, trong đó có 221 công trình được chọn chấm tại các vòng chung kết và có 106 tòa nhà đã đạt giải. Trong lần thi thứ IX (năm 2016) có 10 tòa nhà đã được công nhận là Tòa nhà hiệu quả năng lượng, trong đó có 2 công trình tại Hà Nội (Khách sạn Nikko, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), 2 công trình tại Thành phố Hồ Chí Minh (cao ốc Metropolitan, Đại học quốc tế RMIT); 1 công trình ở Hạ Long (khách sạn Royal), 1 công trình ở Nha Trang (khách sạn The Light), 1 công trình ở Bình Dương (Trung tâm thương mại Aeon Mall) và 3 công trình tại Phan Thiết (Anantara Resort & Spa, MuiNe Bay Resort, Seahorse Resort & Spa).
Trong những năm gần đây, Bộ Xây dựng đã cho tiến hành khảo sát, kiểm toán năng lượng các công trình xây dựng theo các loại hình ở một số địa phương. Bộ Xây dựng cũng đã giao cho Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam thực hiện Đề tài nghiên cứu xây dựng “Hướng dẫn kiểm toán năng lượng nhà dân dụng”, kết quả nghiên cứu của Đề tài được trình bày trong “Báo cáo Hướng dẫn kiểm toán năng lượng đối với nhà dân dụng”.
Năm 2012, để khuyến khích và thúc đẩy phát triển phong trào “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tòa nhà”, Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc thi “Công trình kiến trúc tiết kiệm năng lượng”. Đây là cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên ở nước ta đối với các công trình kiến trúc lớn với diện tích sàn từ 2.500m2 trở lên. 10 công trình kiến trúc hiệu quả năng lượng đã được Ban tổ chức cuộc thi trao giải thưởng tại Bộ Xây dựng ngày 28/3/2013. Công trình đạt giải nhất là: Anantara Resort & Spa (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) và công trình đạt giải nhì là Khu nghỉ mát Six Senses Hideway Ninh Van Bay (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Năm 2017 là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức chương trình đánh giá, công nhận danh hiệu cơ sở Năng lượng xanh. Chương trình đã thu hút 51 đơn vị tham gia, trong đó có 35 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; 16 công trình xây dựng. Các cơ sở tham gia chương trình được hỗ trợ đánh giá hiệu quả năng lượng bằng công cụ mô phỏng năng lượng, hỗ trợ tính toán chỉ số hiệu quả năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; đánh giá các áp dụng đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật có mức tự động hóa cao theo hướng công nghệ công nghiệp thế hệ 4.0. Kết quả, có 15 cơ sở được công nhận danh hiệu Công trình sử dụng Năng lượng lượng xanh với các hạng 5 sao, 4 sao và 3 sao, trong đó Tòa nhà EVN (11 Cửa Bắc, quận Ba Đình) đạt giải nhất “5 sao” là công trình sử dụng Năng lượng xanh Hà Nội năm 2017.
Công trình tiết kiệm năng lượng là bước khởi đầu của phát triển Công trình xanh. Tiêu chí để đánh giá Công trình xanh quan trọng nhất là các giải pháp tiết kiệm sử dụng năng lượng và bảo đảm chất lượng môi trường sống. Công trình xanh đã bắt đầu vào thị trường xây dựng Việt Nam từ năm 2007 và nhận được sự ủng hộ của cả Chính phủ và khu vực tư nhân. Tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam đang có một số công trình đã được đánh giá và cấp chứng chỉ bởi các hệ thống đánh giá xếp hạng công trình xanh như là: LEED của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ; LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC); và hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới. Theo thống kê tính đến thời điểm tháng 12/2020 đã có khoảng 200 công trình nhận chứng nhận xanh sau hơn một thập kỷ triển khai.
Một hệ thống đánh giá xếp hạng Công trình xanh có tên là LOTUS (của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam – VGBC) đặt ra yêu cầu là các dự án đăng ký cần thực hiện mô phỏng hiệu quả tiêu thụ năng lượng và sau đó so sánh với trường hợp cơ sở. VGBC đã xây dựng một phương pháp chi tiết về phương pháp này. Thông thường, việc xác định các tham số mô phỏng sẽ dựa trên phương pháp luận được nêu trong Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD - Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả và theo phụ lục G - Phương pháp xếp hạng hiệu quả - của tiêu chuẩn ASHRAE 90.1-2007.
Có thể thấy, Việt Nam là một trong những nước nằm trong danh sách đứng đầu về mức độ chịu rủi ro lớn nhất của biến đổi khí hậu trong 30 năm tới do mực nước biển dâng cao, quá trình đô thị hóa tăng nhanh, mức năng lượng tiêu thụ đã tăng với tốc độ nhanh hơn… Do đó, nếu ngành Xây dựng không thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển bền vững của quốc gia.
Mới đây, Luật Xây dựng sửa đổi cũng đã bổ sung Khoản 4 trong Điều 10 với nội dung khuyến khích hoạt động chứng nhận công trình sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên. Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ban hành ngày 3/3/2021 đã quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong đó có đánh giá và chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng.
Đo lường và thẩm định (M&V) hiệu quả năng lượng của một dự án cải tạo là để đánh giá độ chính xác của giá trị năng lượng tiết kiệm được. Trên cơ sở năng lượng tiết kiệm được sau khi công trình cải tạo, có thể xác định được mức hiệu quả năng lượng. Kết quả M&V sẽ giúp cho chủ đầu tư đưa ra quyết định đầu tư về tài chính cho mỗi giải pháp cải tạo ứng với mức hiệu quả năng lượng cụ thể. Đối với công trình xây mới, M&V giúp đánh giá chính xác mức hiệu quả năng lượng mà công trình đạt được so với Định mức sử dụng năng lượng trong công trình xây dựng (Energy Benchmarking) hay so với Quy chuẩn/Tiêu chuẩn công trình sử dụng năng lượng hiệu quả.
Việt Nam đã thiết lập một khung pháp lý quy định về hiệu quả năng lượng, tuy nhiên chưa có các quy định về quy trình M&V hiệu quả năng lượng trong công trình. Do đó, công tác M&V hiệu quả năng lượng sẽ là công cụ hỗ trợ cho việc chứng nhận hiệu quả năng lượng của công trình xây dựng.
TS.KTS Phạm Hải Hà kết luận, việc đánh giá và công nhận Công trình xanh cũng như việc đánh giá và chứng nhận hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng đều cần thực hiện M&V để làm cơ sở minh chứng kết quả hiệu quả năng lượng của công trình.
M&V hiệu quả năng lượng còn giúp các cơ quan Nhà nước, các tổ chức phi Chính phủ trong công tác thực hiện các chương trình tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, M&V hiệu quả năng lượng còn là cơ sở cần thiết để xác định mức tiết kiệm năng lượng trong các Hợp đồng hiệu quả năng lượng. Vì vậy việc xây dựng Hệ thống M&V hiệu quả năng lượng của công trình xây dựng ở Việt Nam là rất cần thiết.
Theo: Báo Xây Dựng