Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:09 GMT+7

Chuyển dịch năng lượng để phát triển bền vững

13/10/2021

Đây là nội dung chính của Diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững” diễn ra tại Hà Nội ngày 13/10/2021. Diễn đàn do Vụ Dầu khí và Than - Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong sáu quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu theo báo cáo về chỉ số rủi ro khó hậu toàn cầu năm 2020. Trong những năm qua, Việt Nam đã luôn tích cực trong thực hiện các cam kết của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và tích cực tham gia Thỏa thuận chung Paris trong khuôn khổ Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21). Trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng Việt Nam cần thực hiện khi tham gia là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, các quyết định đầu tư và chính sách phải được thực hiện để khử carbon trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, việc thực hiện các FTA thế hệ mới cũng đặt ra các yêu cầu phải thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến
Nhận thức được vấn đề quan trọng này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm phát triển ngành năng lượng Việt Nam bền vững. Trong đó phải kể đến Nghị quyết 55 - NQ/TW , ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã đề ra quan điểm chỉ đạo và mục tiêu cụ thể để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững như: “bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia một cách nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện khí; có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả..” với mục tiêu chủ yếu như: giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15 % vào năm 2030 lên mức 20% vào năm 2045; Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045; Tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7 % vào năm 2030 và khoảng 14 % vào năm 2045…
TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Theo tinh thần của Nghị quyết 55, Chính phủ lãnh đạo xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các chiến lược phát triển các phân ngành năng lượng , Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phù hợp với tinh thần của Nghị quyết. Sắp tới Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Dầu khí và hoàn thiện các luật chuyên ngành về điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường; nghiên cứu, thực hiện luật hoá việc điều hành giá điện và một số ưu đãi cho dự án được khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng; hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát và điều phối điện lực; nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo.
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương chia sẻ thông tin tại Diễn đàn
Tại hội thảo, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và các diễn giả đã cung cấp thông tin, thảo luận, đánh giá về nhiều vấn đề quan trọng như nhận diện và dự báo xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới và làm rõ những vấn đề đặt ra đối với chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, trong đó có đánh giá tác động của đại dịch covid – 19 và suy thoái kinh tế đến chuyển dịch năng lượng. Thảo luận, đánh giá và làm rõ tác động của chuyển dịch năng lượng đối với ngành công nghiệp dầu khí, công nghiệp than và các phân ngành năng lượng khác của Việt Nam. Đồng thời đề xuất định hướng và các cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị liên quan đến các vấn đề như: Phát triển năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách giảm sâu phát thải CO2; chính sách phi các - bon hoá gắn với phát triển năng lượng điện trong giao thông vận tải; cơ sở hạ tầng năng lượng cũng như môi trường và thị trường điện cạnh tranh…
Theo: Báo Công Thương